“Loạn” đại học sao không đáng lo?

Đã nhiều năm qua, có không ít bài viết đề cập tình trạng phát triển khá “nóng” của giáo dục đại học. Vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu quốc hội đề cập trong kì họp quốc hội gần đây.

Bài viết “Loạn” đại học có đáng lo ngại?” trên báo Dân trí ngày 22/1/2009 thể hiện một cách nhìn khá mới mẻ về vấn đề này.     

Mở đầu, tác giả dẫn ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng nếu học sinh tốt nghiệp xong lớp 12 mà về đi cày thì các em sẽ bỏ học nhiều, bỏ học sớm; vì vậy cần mở rộng cánh cửa giáo dục đại học để đáp ứng nhu cầu học tập của các em.   
 
Bài viết cũng dẫn số liệu cho thấy, so với một số quốc gia trên thế giới thì Việt Nam vẫn đang có tỷ lệ sinh viên (SV)/vạn dân thấp, chỉ 190 SV/vạn dân, trong khi đó tỷ lệ này ở Mỹ là 570, Hàn Quốc: 670, Chilê: 400, Thái Lan: 374, Pháp: 355…Một số địa phương muốn mở trường đại học để tăng cường nguồn nhân lực. Mặt khác, do người học thiếu sự lựa chọn nên dẫn đến sự phát triển các trường chất lượng cao chưa nhanh.

Từ đó, bài viết dẫn ý kiến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nêu giải pháp để cải thiện tình hình số lượng tăng, chất lượng giảm của giáo dục đại học là ba công khai: cam kết chất lượng đào tạo; nguồn lực cơ sở vật chất, giáo viên; thu chi tài chính.

Với góc nhìn của một “người trong cuộc”, xin được trao đổi với tác giả một số vấn đề. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Chúng tôi đồng ý rằng nếu như sau khi tốt nghiệp phổ thông mà không có con đường lập nghiệp hay nói cách khác là bằng cấp và kiến thức giáo dục phổ thông không có ứng dụng thực tiễn thì đa số con em sẽ bỏ học. Vì vậy, nền giáo dục cần “mở rộng cửa” để đáp ứng nhu cầu tiếp tục học tập của con em. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mở rộng tất cả các cửa một cách vô điều kiện, càng không dễ dãi để mở rộng cánh cửa vào đại học.

Bởi vì sau khi học xong phổ thông, các em còn có những lựa chọn khác như học nghề, thi vào các trường trung cấp chuyên nghiệp…Cho dù các em trở về địa phương sản xuất thì những kiến thức trong 12 năm học phổ thông cũng có những giá trị nhất định đối với công việc của các em.                          

Vì người học hay vì cái gì khác?
 
Đúng là chúng ta hiện nay đang có tỷ lệ SV/vạn dân thấp so với nhiều quốc gia khác, nhưng vấn đề này cần được xem xét ở nhiều góc độ và trong mối tương quan của các chỉ số liên quan. Ví dụ thu nhập bình quân đầu người, mặt bằng giáo dục phổ thông, số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên… Xin lấy nước Mỹ để so sánh: thu nhập bình quân đầu người của Mỹ năm 2008 khoảng hơn 45.000 USD, gấp khoảng 45 lần Việt Nam (1.000 USD/người/năm), tỷ lệ SV/giảng viên của Mỹ không quá 20, cá biệt có những trường chỉ có 9 SV/giảng viên (ĐH Harvard), trong khi đó ở Việt Nam năm 2007 con số này là 28,7. Nếu chúng ta cứ tăng chỉ tiêu tuyển sinh thì liệu đội ngũ giảng viên có phát triển kịp?
 
Theo tính toán của GS Phạm Phụ, nếu theo Dự thảo chiến lược giáo dục đến năm 2020 là có 450 SV trên 1 vạn dân, nghĩa là có khoảng 4,5 triệu SV vào năm đó thì với định mức 20 SV/giảng viên, chúng ta phải đào tạo được 60.000 tiến sĩ ( theo định mức của  Dự thảo là 15% TS ở CĐ và 30% TS ở ĐH). Trong khi đó, hiện nay cả nước ta chỉ có 15.000 TS. GS Phạm Phụ cho biết nếu theo những chỉ tiêu ấy, trong vòng 12 năm tới, chúng ta phải đào tạo được 50.000 TS. (Vietnamnet ngày 15/1/2009). Đó là một mục tiêu quá xa vời, nếu không  nói là không thể thực hiện được. 
 
Mặt khác, đó là chỉ nói về số lượng, còn chất lượng của đội ngũ giảng viên thì sao? Ngoài ra, do những bất cập về thu nhập, môi trường làm việc nên đã xẩy ra tình trạng “chảy máu chất xám” trong đội ngũ này.

Không đáp ứng đủ các yêu cầu về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng vẫn làm hồ sơ xin mở trường, tuyển sinh lại vơ bèo vạt tép theo chủ trương “càng tuyển được nhiều SV, càng nhiều tiền”, những ngành học không có đầu ra nhưng vẫn tuyển sinh ào ạt, lỏng lẻo trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá…Đó là những hiện tượng ngày càng phổ biến trong tình trạng “loạn đại học” hiện nay, và với thực trạng đào tạo ấy mà không cho “ra lò” những cử nhân chất lượng kém thì mới là chuyện lạ.

Bộ GD-ĐT nêu phương châm “đào tạo theo nhu cầu xã hội” là rất đúng đắn, nhưng nghịch lý của không ít trường đại học hiện nay là đào tạo vì lợi nhuận của trường, còn nhu cầu xã hội là gì, như thế nào, bao nhiêu thì…không cần biết.  
 
Trước thực trạng ấy mà vẫn biện hộ phát triển quy mô đại học là “vì người học” thì rõ ràng là ngụy biện.
 
Những hậu quả của tình trạng “loạn đại học”
 
Một số người cho rằng, việc tăng trưởng nóng của quy mô giáo dục đại học không có gì đáng lo ngại, bởi vì nếu số lượng người được học đại học tăng thì cho dù họ không xin được việc làm cũng sẽ góp phần nâng cao dân trí. Tuy nhiên, việc nền giáo dục đại học phát triển tràn lan và chất lượng thấp sẽ gây ra nhiều hậu quả lớn đối với nền kinh tế-xã hội: 
 
- Lãng phí lớn về tài chính, nhân lực để phát triển kinh tế. Giáo dục đại học chất lượng thấp sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt đội ngũ công nhân kĩ thuật lành nghề và thiếu hụt đội ngũ trí thức trình độ cao, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp. Ví dụ một gia đình nông dân đầu tư cho một con học đại học trong 5 năm hết mấy chục triệu đồng, rồi vẫn không tìm được việc làm (có khi lại phải bỏ thêm hàng chục triệu đồng nữa để xin việc cũng không được). Trong khi đó, nếu với số tiền và thời gian ấy mà đi học nghề, rồi đầu tư cho sản xuất thì đã có nghề nghiệp, có thu nhập ổn định.

Không ai chấp nhận bỏ ra ngần ấy thời gian và tiền bạc để rồi được một kết quả mơ hồ là “nâng cao dân trí” cả.  

Nếu siết chặt trong khâu tuyển sinh, đào tạo thì những học sinh học lực trung bình trở xuống sẽ hướng đến các trường trung cấp, đào tạo nghề, còn giảng đường đại học chỉ thực sự dành cho những học sinh có học lực khá, giỏi.

- Hiện nay nhiều người cho rằng nước ta đang xẩy ra tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, thực ra chúng ta đang thiếu cả “thầy” lẫn “thợ” giỏi. Trong khi đó, tình trạng “loạn” đại học sẽ tạo nên một đội ngũ đông đảo những người làng nhàng “thầy không ra thầy, thợ chẳng phải thợ”. Những người này lao động phổ thông thì không chịu làm, lao động kĩ thuật thì không biết làm, lao động chuyên môn, trí tuệ thì làm không nổi…trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.         

- Với nguồn lực xã hội nhất định, nếu cứ tập trung đầu tư cho giáo dục đại học thì sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn lực ở các lĩnh vực khác. Ngay trong lĩnh vực giáo dục đại học, nếu phát triển quá nhanh cũng dẫn đến hiện tượng “loãng” nguồn lực trong lĩnh vực này.                                   

-Sau khi đã có tấm bằng đại học trong tay, SV sẽ không chấp nhận trở về tham gia sản xuất đơn giản mà tìm mọi cách để có được việc làm tương xứng với tấm bằng. Đây là nguồn gốc của những hiện tượng “chạy chọt”, tiêu cực, “con ông cháu cha”…Một số SV không xin được việc làm đâm ra tiêu cực, chán nản, sa vào các tệ nạn xã hội hay phạm pháp. Cá biệt có một số người bế tắc, chán nản đã tìm đến cái chết.

Còn những SV tìm được việc làm mà năng lực không đáp ứng yêu cầu của công việc thì kết quả rất hạn chế, làm xã hội trì trệ. Một số SV phải tìm cách tăng thu nhập để bù vào “tiêu cực phí” chạy việc, xin việc. Những người năng lực kém một khi đã “ấm chỗ” trong biên chế rồi lại rất khó thay thế.

Bộ máy công chức ngày càng phình ra, tạo nên gánh nặng cho ngân sách nhà nước, mặc dù đã có những nỗ lực để tinh giản biên chế. Đây là một hậu quả dây chuyền đã và đang diễn ra.              

Bộ GD-ĐT nên làm gì?

Chúng tôi không phản đối việc tăng số SV/vạn dân, tuy nhiên phải có những giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo. Nếu như không đảm bảo chất lượng đào tạo mà cứ mở rộng quy mô sẽ gây nên rất nhiều hậu quả, thì không có sự lựa chọn nào khác tốt hơn xu hướng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT nên đặc biệt chú trọng  nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục đại học nói riêng.    

Giải pháp “ba công khai” (cam kết chất lượng đào tạo; nguồn lực cơ sở vật chất, giáo viên; thu chi tài chính) nếu được triển khai một cách toàn diện và thực chất cũng sẽ góp phần chấn chỉnh những tiêu cực trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, để giáo dục đại học thực sự “đi vào khuôn khổ”, thực sự chú trọng chất lượng thì chừng ấy là chưa đủ.                                                  

Như chúng tôi đã phân tích trong một bài viết, “mối nguy” của nền giáo dục nước ta hiện nay là xu hướng thương mại hóa, coi giáo dục là lĩnh vực đầu tư đem lại nhiều lợi nhuận. Trong khi đó, theo TS Vũ Quang Việt thì hầu hết, nếu không nói là tất cả, các cơ sở giáo dục đại học của nước Mỹ đều hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, và đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để giáo dục đại học của họ luôn đứng nhất nhì thế giới.

Vì vậy, kết hợp với “ba công khai”, Bộ GD-ĐT cần có cuộc “tuyên chiến” quyết liệt với những tiêu cực trong công tác quản lý giáo dục trên cơ sở những thống kê chính xác và nghiên cứu sâu sắc về thực trạng giáo dục đại học. Còn nếu cứ “giơ cao đánh khẽ” kiểu “yêu cầu báo cáo” hay “phạt rồi cho tồn tại”… thì e rằng tiêu cực sẽ ngày một nhiều và chất lượng giáo dục sẽ đi xuống.         

Trọng Nghĩa

LTS Dân trí - Đã có nhiều ý kiến đóng góp về sự giảm sút chất lượng giáo dục đại học do sự phát triển quá vội vàng các trường đại học ở rất nhiều địa phương chưa bảo đảm những điều kiện cần thiết để mở trường.

Các cấp quản lý giáo dục phải chịu trách nhiệm trước hết về tình trạng đó.

Đã thấy sai rồi thì phải sửa và sửa kiên quyết. Không thể cho mở thêm bất kỳ một trường đại học nào nếu chưa thẩm định được kỹ lưỡng những điều kiện khả thi. Tất cả những trường, nhất là các trường ngoài công lập, phải nghiêm chỉnh thực hiện “Ba công khai” theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT và Bộ có trách nhiệm thẩm định nghiêm túc; nếu trường nào không đạt yêu cầu thì phải sáp nhập hoặc giải thể. Đương nhiên việc này không dễ và để lại những hệ lụy phải khắc phục. Nhưng đấy là điều cần thíêt để vực dạy nền giáo dục đại học đang ngày càng sa sút chất lượng vì tình hình “loạn trường”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm