Làm sai cũng bằng phá hoại
(Dân trí) - Đền thờ Lý Chiêu Hoàng ở Đình Bảng - Bắc Ninh được tu bổ bằng cách đập nát hoàn toàn. Chuyện không thể tưởng tượng đó đã có thật, xảy ra ngay trên chính vùng đất có bề dày văn hóa - lịch sử Bắc Ninh.
Đơn vị quyết định san phẳng di tích là UBND phường Đình Bảng, là chủ đầu tư công trình tu bổ di tích nhưng thực sự là xây mới hoàn toàn. Họ quá gan, vài cán bộ của một phường lại dám quyết định đập bỏ một di tích thì quả là làm chuyện tày trời.
Mọi lý giải của họ đều không thuyết phục, bởi vì không có một kiểu tu bổ nào dại dột như thế, và không có lối xử lý với di tích tàn bạo như vậy. Từ nay, ngôi đền di tích Lý Chiêu Hoàng biến mất, con cháu mai sau chỉ còn thấy được trong phim ảnh.
Nhiều tượng phật, cổ vật trong các khu di tích đó bị trộm cắp, thất thoát, chuyển từ tài sản quốc gia thành của riêng. Đình Đông Húc, xã Đông Quang, huyện Ba Vì -Hà Nội bị mất đôi hạc cổ, đẹp và cao lớn nhất trong hệ thống đình 4,5 m. Nhiều nơi, cổ vật được xích lại nhưng cũng vẫn bị mất như đình Đông Viên. Rồi một pho tượng quý ở chùa Bút Tháp bị mất, sau này phải tạc lại để thay thế. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ trong vòng một tháng, mất tới 1000 pho tượng cổ, 37 đạo sắc phong gốc, bốn hạc thờ và nhiều hiện vật cổ quý hiếm khác.
Việt Nam không có nhiều di tích, hiện vật cổ quý hiếm, nhưng việc gìn giữ và bảo vệ quá yếu kém nên những thứ quý giá ít ỏi đó tiếp tục bị phá hoại hoặc đội nón ra đi. Giữ gìn di tích như giữ gìn hồn vía của dân tộc, thậm chí là giữ bảo vật chứng minh chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Điển hình mới nhất là tờ lệnh quý của Vua Minh Mạng sắc phong cho gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi cách đây 175 năm. Đây là một trong những chứng cứ góp phần củng cố thêm vào hồ sơ tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo di tích văn hóa không thể làm bừa. Việc này chỉ được giao cho người giàu trí tuệ, có văn hóa, tình yêu nghề nghiệp và có tinh thần trách nhiệm với đất nước.
Lê Chân Nhân