Ký ức thời chiến

(Dân trí) - Đọc những dòng chia sẻ ngùn ngụt ý chí “sẵn sàng” của những thành viên 8x, 9x... thế hệ chúng tôi như được sống lại trong bầu không khí hào hùng của một thời hoa lửa với những ký ức thời chiến như đã ngấm vào máu thịt, mãi mãi không thể phai mờ…

Ký ức thời chiến - 1

Nhà văn Bảo Ninh (ảnh trên cùng, góc trái) cùng những gương mặt liên quan tới bộ phim được làm dựa theo nội dung tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" (ảnh: Tvol.com)
 

Một thời đạn bom…   

 

Chưa từng trực tiếp cầm súng, nhưng tôi cũng đã biết thế nào là “chiến tranh đâu phải trò đùa”. Thời đó cách đây đã vài chục năm rồi, khi mấy chị em tôi rất mừng rỡ vì nghĩ được thoát khỏi vòng cương tỏa của cha mẹ, leo lên đoàn xe chở trẻ nhỏ đi sơ tán khỏi thủ đô Hà Nội.

 

Những ngày xa nhà đầu tiên tưởng như đã hút cạn nước mắt của bao trẻ thơ từ cái thời xa lắc ấy, nhưng không phải. Tôi nhanh chóng nếm trải khoảnh khắc kinh hoàng đầu đời, khi cha con tôi bị kẹt giữa cảnh bom rơi đạn nổ, pháo sáng chói lòa xé toạc trời đêm trong chuyến về quê nội miền Trung đón bà già yếu ra phụng dưỡng.

 

Vốn là một cựu chiến binh, ba tôi vừa lựa thế nằm có thể che chắn mảnh bom, mảnh pháo cho đứa con mới tí tuổi đầu, vừa hối hả dặn dò: Nếu ba mất, con phải tìm đường vào làng nhờ người lớn giúp đỡ…

 

Cha con tôi tai qua nạn khỏi, nhưng trái tim non nớt của tôi đã lưu một vết cứa. Đó là ánh mắt căm hờn và uất hận của những người dân làng vừa chạy bom trở về, phải chứng kiến nhà cửa mình biến mất trong đống tro vẫn còn đỏ rực tàn lửa. Chỉ có tiếng trẻ nhỏ khóc, còn người lớn mắt ai cũng khô khốc.

 

Rồi tôi đã biết thế nào là cố nuốt vào trong mà nước mắt vẫn trào tuôn khi phải tiễn những chàng trai ưu tú nhất lớp, nhất trường lên đường nhập ngũ. Nhiều người không thể trở về dù đã trao gửi lời hẹn ước…

 

Khối lớp 10 Trưng Vương B, Hà Nội của chúng tôi hồi ấy, giờ vẫn còn những bạn Ngọ “ngố”, bạn Thành “ghi đông”, bạn Sơn “bẹt”, bạn Bình “lãng tử si tình”… chưa biết nằm lại nơi đâu. Qua lâu rồi cái thời “tuổi trẻ của chúng ta đã đi qua chiến tranh”, vậy mà mỗi lần đọc những tin nhắn của thế hệ trẻ hôm nay muốn tìm mộ những ông, những bác, những chú đã hy sinh, tôi lại thấy như có những mũi kim đâm nhoi nhói trong lòng.

 

Nghiệp làm báo sau này có giúp luyện cho tôi trở nên cứng cỏi hơn, nhưng trước những nỗi đau tôi vẫn như chẳng có gì chống đỡ. Nước mắt vẫn chảy, tim vẫn nhói buốt, đầu óc vẫn quay cuồng khi phải làm những tin xấu về thiên tai, khủng bố, xung đột vũ trang…

 

Và mỗi lần hồi tưởng lại thời máu lửa mình có phần từng trải qua ấy, tôi lại nhớ tới hình ảnh đôi tay của một người thầy trong nghề báo của mình. Ông từng là phóng viên chiến trường ở bên kia chiến tuyến. Giải thích về những vết sẹo vòng vèo trên đôi cánh tay, ông kể: đó là dấu tích của một lần trực tiếp làm tin về một trận đánh, trên đường trở về máy bay trực thăng bị trúng đạn. Ông và các đồng nghiệp may mắn giữ được mạng sống nhờ quấn chặt hai tay vào móc sắt, nghiến răng chịu những cú quăng quật chí mạng trên không trung dẫu bị dây dù buộc nghiến siết đứt thịt da, máu chảy ròng ròng.
 
Ký ức thời chiến - 2
Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thành - đại đội 4 pháo cao xạ bảo vệ thủ đô,1972  (ảnh của phóng viên ảnh chiến trường Chu Chí Thành)

 

Một thời hòa bình

 

Ký ức thời chiến một lần nữa trở lại trong tôi ở mãi tận... Hà Lan – một trong những quốc gia vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố lọt vào danh sách danh sách 11 nước đứng đầu thế giới về chất lượng sống.

 

Thầy giáo người Đức Peter Prufer biết tôi thích đọc sách, ông tâm sự đã rất xúc động khi đọc cuốn Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Việt Nam Bảo Ninh. “Đó là cuốn sách hay nhất về chiến tranh mà tôi được biết” – quay mặt đi dấu vội những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi, thấy sẽ sàng nói.

 

Tôi cũng bắt đầu yêu thích Bảo Ninh sau khi đọc cuốn sách đó khi nó vừa ra đời năm 1990 với cái tên Thân phận của tình yêu. Tôi luôn dõi theo những tiến triển liên quan đến sách, càng mừng hơn khi một năm sau nó là một trong ba tác phẩm đoạt giải văn chương của Hội nhà văn Việt Nam. Rồi kể từ năm 1993, nó đến tay người đọc thế giới dưới cái tên của bản dịch tiếng Anh The Sorrow of war.

 

Và mới đây nhất, hồi tháng 5 vừa qua Bảo Ninh trở thành nhà văn đầu tiên của Việt Nam được nhật báo Nihon Keizai Shimbun, thuộc tập đoàn truyền thông Nikkei (Nhật Bản), tôn vinh với Giải thưởng châu Á 2011 dành cho cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh.

 

Tôi từng sang Nhật đưa tin về diễn đàn Tương lai châu Á do Nihon Keizai Shimbun tổ chức tại Tokyo.  Tại bữa tiệc tối chào đón đồng nghiệp các nước nhân dịp ấy, ông Chủ tịch Nikkei khi nghe giới thiệu tôi là phóng viên Việt Nam, cũng đã hỏi tôi “có cảm nhận được The Sorrow of war từ tận sâu thẳm trái tim mình không?”

 

Tôi đáp là có, nhưng cũng hiểu rằng chưa tự dấn thân thì tôi chưa thể nào thấu hiểu được những đắng cay (dù có xen lẫn ngọt bùi) trôi theo dòng hồi ức của nhân vật chính Kiên - một người lính trinh sát sống sót trở về sau chiến tranh.

 

Song dứt khoát là tôi không bao giờ muốn các thế hệ sau mình phải nếm trải, chịu đựng dù chỉ một phần những gì Kiên từng phải trải qua thời đã xa ấy.  Các thế hệ trước chúng tôi đã làm tất cả để biến thời đạn bom thành thời hòa bình cho chúng tôi. Chúng tôi không thể chỉ hưởng thụ  mà còn có nghĩa vụ phấn đấu gìn giữ hòa bình, để bàn giao lại cho các thế hệ kế tiếp những điều tốt đẹp hơn nữa, và kế tiếp là hơn nữa nữa…

 

Làm gì cho Tổ quốc hôm nay

 

Trước những diễn tiến mới liên quan đến vấn đề biển Đông, tôi đã đọc rất nhiều ý kiến sục sôi tâm huyết của cả những cựu chiến binh, công nhân viên chức, người lao động và đặc biệt là của các bạn trẻ thế hệ 8X, 9X...
 
Đúng là chúng ta không thể chấp nhận được những hành động của phía Trung Quốc đang làm phức tạp và gây căng thẳng ở biển Đông như khẳng định của tất cả bạn đọc.

 

Nhưng trước những câu hỏi: "Thanh niên cần phải làm gì để bảo vệ biển đảo Tổ quốc", "Tuổi trẻ chúng tôi nên biểu thị lòng yêu nước như thế nào cho có ý nghĩa thiết thực nhất"… Từ những trải nghiệm của chính mình và cũng như của nhiều bạn đọc thuộc các thế hệ đi trước, chúng tôi chia sẻ với câu trả lời của thạc sĩ Hoàng Việt - chuyên gia nghiên cứu biển Đông, giảng viên trường Đại học Luật TP HCM tại tọa đàm "Thanh niên với biển đảo Tổ quốc" diễn ra tối 15/6 tại TP HCM, thu hút hơn 500 bạn trẻ tham gia.

 

Báo Thanh Niên ngày 16/6 dẫn lời thạc sĩ Việt một lần nữa nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam luôn giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hòa bình, đồng thời nêu cụ thể: "Nếu chúng ta xây dựng đất nước giàu mạnh, thanh niên được giáo dục tốt, có định hướng và đoàn kết thì chúng ta sẽ kết nối khối sức mạnh lớn đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo".

 

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước - Trưởng bộ môn Luật quốc tế, Trường đại học Luật TP HCM, cũng nêu rõ: hiện nay vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ quốc gia là vấn đề pháp lý, đặc thù và hết sức quan trọng. Việc phổ biến kiến thức cho thanh niên là để họ có nhận thức đúng theo quy định của pháp luật quốc tế.

 

"Việc không được trang bị, nắm vững kiến thức pháp lý thì hành động thể hiện lòng yêu nước của người dân rất dễ đi chệch với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến các chính sách ngoại giao nhất quán của Đảng và Nhà nước" – tiến sĩ Phước nhấn mạnh.

 

Chúng tôi cũng ủng hộ ý kiến của chị Trần Hoàng Khánh Vân - Bí thư quận 10 rằng: lòng yêu nước của mỗi thanh niên cần thể hiện lúc này là một hạt nhân tuyên truyền đến người thân, bạn bè để khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc, góp đá xây dựng Trường Sa
 
Ký ức thời chiến - 3
Các thành viên chuyến tàu “Tuổi trẻ vì biển đảo thân yêu” thắp hương trên mộ các liệt sĩ ở đảo Trường Sa Đông (ảnh: Lê Đức Dục, báo Tuổi Trẻ)
 
Cũng như vậy, Dang Thi Trang chanhleo_cofuthuynho_91@yahoo.com bày tỏ:

 

Trước một nước láng giềng như Trung Quốc, Việt Nam ta cần có chiến lược khôn khéo để bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước.  Trung Quốc tỏ ra luôn muốn gây hấn với các nước láng giềng, muốn bành trướng thế lực. Nhưng tôi tin rằng thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ sẽ đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta, quyết tâm giữ vững độc lập tự do theo truyền thống của ông cha ta...

 

Thiệp:  bós_conection@yahoo.com phân tích:

 

Tham vọng của TQ thì chúng ta cũng như nhiều người khác đã quá rõ! Nhưng không có nghĩa nước lớn có thể bắt nạt nước nhỏ. Đã có không ít minh chứng về chuyện này. Tôi mong và tin rằng Đảng và Nhà nước sẽ có những đối sách đúng đắn, tránh xảy ra chiến tranh. Chúng ta đã mất mát quá nhiều vì chiến tranh, lúc này thì đàm phán hòa bình vẫn là cách tốt nhất...

 

Thanh Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm