Bạn đọc viết:

Kỳ thú gia đình nhiều đời dựng vườn, trồng cây nuôi “chim trời”

(Dân trí) - Đã bao đời qua, các thế hệ trong gia đình anh Vũ Văn Ngân ở Nghệ An đã thay nhau chăm sóc, bảo vệ vườn chim tự nhiên hàng chục nghìn con. Mùa mưa bão, người “bảo mẫu” phải thức cả đêm trông chim. Có người biết vườn “chim trời” của anh có nhiều chim quý nên đến hỏi mua với giá tiền tỉ nhưng anh quyết không bán bởi anh nghĩ, đời ông cha mình nghèo còn bảo vệ được vườn chim...

“Bảo mẫu” của hàng chục nghìn con “chim trời”

Chiều vừa buông xuống, tiết trời se se lạnh cũng là lúc chúng tôi tìm đến nhà anh Vũ Văn Ngân (xã Lý Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) để tận mắt mục sở thị khu vườn 2 ha mà gia đình anh dùng để bảo vệ các loài chim. Ngay đầu làng, chúng tôi đã trông thấy đàn chim đang bay lượn phía trên khu vườn cùng với tiếng kêu râm ran khắp một vùng. Cánh đồng lúa rộng thênh thang trước nhà anh cũng là nơi kiếm ăn hàng ngày của rất nhiều loài chim. Quanh khu vườn là một con suối hàng ngày vẫn róc rách chảy khiến chúng tôi liên tưởng  như một hòn đảo nhỏ giữa ngôi làng. Trong vườn, người “bảo mẫu” trồng rất nhiều cây tre, tràm, bạch đàn… để cho chim làm nơi trú ngụ và sinh sản. Chính vì vậy qua mỗi năm, số lượng đàn chim tìm về đây làm nới sinh sống đông hơn.

Dẫn chúng tôi ra vườn chim thăm quan anh Ngân chia sẻ: “Chim trong vườn rất đa dạng, ngoài cò, cói còn có hàng chục loài khác như sếu, vạc, vàng anh, sáo... Chim về đây ở từ thời ông nội tôi, đến đời bố tôi thì chúng có đến hàng chục ngàn con, nhiều nhất là cò. Mấy năm gần đây, người ta săn bắn dữ quá nên đàn chim cũng bị ảnh hưởng, hiện còn khoảng 5.000 con thường xuyên về ở và làm tổ sinh sản”. Anh nhớ lại lúc xưa khi khu vườn còn ít cây, đàn cò bay về không có chỗ trú chân là chúng kêu suốt đêm. Nghe tiếng chim kêu thấy thương lắm, vì vậy mà cứ mỗi năm vợ chồng anh lại trồng thêm cây xanh để chúng làm tổ.

Chiều xuống 
Chiều xuống đàn cò bay về khu vườn của gia đình anh Ngân.

Loài cò rất khôn ngoan, nếu là người lạ vào vườn là lập tức chúng bay hết, chính vì vậy chúng tôi đành phải quan sát từ xa. Nhưng ngược lại, khi anh Ngân đưa chúng tôi ra tận tổ của chim thì chúng không hề hoảng sợ, Anh cho biết : “Gia đình tôi ba đời nay làm bạn với chim nên quen rồi, vì thế khi đến gần chúng không sợ và bay đi”.

Những hôm bão về mưa to gió lớn, những con chim bị gió làm rơi khỏi tổ nằm la liệt khắp vườn, vợ chồng anh phải ra đem chúng vào đốt lửa lên sưởi cứu sống chúng rồi chờ khi bão tan mới đem chúng trở lại tổ của mình. “Những đêm mưa gió, vợ chồng lại ra vườn rọi đèn khắp nơi xem chim con có bị rơi không. Những lúc ấy cũng thấy vất vả lắm nhưng nghĩ đến những con chim non chết vì lạnh vợ chồng tôi không đành lòng”, anh Ngân tâm sự.

Loài cò rất hiền cho dù chim con có bỏ sai tổ chúng cũng không cắn cò con, khi đấy cò mẹ sẽ ngửi hơi của cò con và đến cắp về đúng tổ của mình. Mỗi tổ có khoảng hai đến bốn chú cò con, khi đến giờ ăn mà chưa thấy cò mẹ về là chúng kêu vang cả làng. Mùa sinh sản loài cò thường phải bay đi xa để kiếm thức ăn về cho con nên nhiều khi có đi mà không có về. Nhiều năm chăm lo đàn cò con nên những tổ mà cò mẹ bị săn bắt không về nữa là anh nhận ra ngay. Những lúc như vậy, anh lại mang cả tổ vào nhà để chăm sóc. Hàng ngày anh thường dặn vợ khi đi chợ phải nhớ mua cá về để cò con ăn. Nhiều lúc chợ không có cá đồng anh lại phải mang chài ra sông để bắt cá về nuôi lũ cò con. Sau khi cò con có thể tự kiếm ăn được anh lại thả chúng về với tự nhiên. Cứ như vậy, anh Ngân không nhớ nổi tự tay mình đã nuôi lớn bao nhiêu chú cò tội nghiệp mất mẹ.

Hàng năm, cứ vào mùa sinh sản của loài cò không chỉ có đàn cò đã ở đây lâu năm còn có các đàn cò khác cũng bay về đây để xây tổ, vì vậy thời gian này là lúc vườn anh có nhiều chim nhất. Nhiều khi chúng đánh nhau để dành chỗ sinh sản vì số lượng rất lớn mà khu vườn chỉ vọn vẹn 2 ha. Những lúc như vậy anh lại phải trồng thêm các loài cây có tán rộng để chúng làm tổ. Trong làng hễ nhà ai có cây xanh mà không trồng anh liền xin về trồng trong khu vườn nhà mình. Anh nhẩm tính, chim tìm về khu vườn nhà anh cũng đã hơn 50 năm. Lúc ban đầu thì chỉ khoảng hai, ba đàn cỡ vài trăm con nhưng sau này chim ở đâu tìm về rất nhiều. Để bảo vệ chim dù hai vợ chồng anh bận việc đi vắng thì anh cũng phải tìm bằng được người trông hộ thì mới dám đi.

Biết được chim tìm về vườn anh nhiều nên các tay thợ săn cũng theo đó mà tìm đến. Lợi dụng những lúc vợ chồng anh đi vắng, người khác trông hộ thì họ lại tìm cách săn chim đang trú ở vườn. Những lúc như vậy khi nghe được tin có người đang săn chim ở vườn, anh lại vội vã chạy về để bảo vệ đàn chim.

Cách đây vài năm, có một nhóm người săn chim cảnh đã theo dấu đàn chim sáo từ huyện bên về đến tận nhà anh nơi mà đàn chim trú ngụ và sinh sản. Trong đàn chim sáo có nhiều con có bộ lông màu trắng rất quý hiếm. Những tay săn chim rất muốn bắt được đàn chim ấy nên gặp anh để thương lượng nhưng anh nhất quyết không đồng ý. Để họ có thể bỏ đi và từ bỏ ý định đó, anh đã phải giết gà mời họ ăn cơm để bày tỏ công việc mà mình đang làm. Thấy anh là người chân thành nên họ đã bỏ đi và không quay lại săn bắn sáo nữa. Giờ đây, đàn sáo đó đã lên tới hăng trăm con. Cứ chiều lại, chúng lại bay về lũy tre giữa khu vườn để trú ẩn.

Từ chối tiền tỷ để bảo vệ chim

Anh Ngân đang giới thiệu về những loại “chim trời” trong khu vườn của gia đ
Anh Ngân đang giới thiệu về những loại “chim trời” trong khu vườn của gia đình anh bao thế hệ qua.

Hoàn cảnh gia đình anh Ngân cũng không mấy khá giả, ngoài thu nhập từ dăm ba sào ruộng ra anh cố gắng làm thêm nghề sửa xe và mở thêm quán bán hàng tạp hóa để có đủ tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Trước đây, do cuộc sống quá khó khăn lại cần tiền để giải quyết công việc, có người khuyên anh nên bán đi nửa mảnh vườn chứ để cũng không làm gì. Nhưng khi nghĩ đến đàn chim anh lại không nỡ bán. Anh sợ khi bán đi người ta sẽ chặt hết cây để làm nhà thì chim sẽ không có chỗ để cư trú và bỏ đi.

Dù cuộc sống cũng đang vất vả nhưng anh cũng không dùng vườn chim vào mục đích kiếm tiền. “Nhiều người hỏi mua khu vườn với giá tiền cao  nhưng tôi không bán. Bán đi thì đàn chim, cò lấy gì ở. Đất có lành thì chim mới đậu, nhà mình có duyên thì chim mới đến trú ngụ, làm tổ. Vì thế có vất vả chút nhưng gia đình tôi vẫn có niềm vui là được chăm sóc, bảo vệ chim trời”,  anh Ngân tâm sự.

Biết gia đình anh có vườn chim với nhiều loài chim quý nên nhiều người từ xa lặn lội về ngỏ ý mua lại với giá bạc tỷ. Đối với những người nông dân như anh thì số tiền đấy thực sự rất lớn, dù có làm quần quật suốt đời nhưng chưa chắc có được số tiền ấy. Nhưng anh quyết định từ chối lời đề nghị này. “Đời ông cha mình nghèo còn bảo vệ được vườn chim để lại cho con cháu, không lẽ giờ mình không giữ nổi. Bán vườn đi thì đàn chim sẽ không còn chỗ trú ngụ, làm tổ, như vậy thì gia đình tôi vừa có tội với đàn chim vừa có lỗi với cha ông”, anh nói.

Năm này qua năm khác, anh vẫn cứ âm thầm bảo vệ chim mà không cần đến sự khen thưởng nào cho riêng mình. Ngày Tết, đàn chim bay lượn hót líu lo gọi xuân khiến anh cảm nhận được tình cảm và tấm lòng của những gì thuộc về trời đất…

Phượt Gia


 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm