Giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội:

Kiến nghị mở đường Trần Khát Chân kéo dài tới đê Nguyễn Khoái

(Dân trí) - UBND TP. Hà Nội cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng các tòa nhà cao 22 tầng tại 2 bên tuyến đường mới mở. Vì trong 8 năm nữa khi đất nước ta phát triển kinh tế tốt thì Thủ đô Hà Nội sẽ phải có 800 Tòa nhà cao tầng.

Kiến nghị mở đường Trần Khát Chân kéo dài tới đê Nguyễn Khoái
Đường Trần Khát Chân (Hà Nội) buổi sáng thường bị ùn tắc

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tuyến Đường Trần Khát Chân kéo dài tới đê Nguyễn Khoái phải được mở từ những năm 2000. Nhưng vì kinh phí GPMB tại Đường Xã Đàn là rất tốn kém khoảng 1.000 tỷ đồng cho 1Km đường, như vậy Ngân sách Nhà nước phải chi ra và một số nhà tự dưng ra mặt đường và hưởng lợi, dẫn đến quy hoạch 2 bên tuyến đường rất xấu. Thành phố Hà Nội đã rút kinh nghiệm việc mở Đường Xã Đàn trên và đã quy hoạch lại tuyến Đường Trần Khát Chân sẽ mở phải lấy vào hai bên 50m để có quy hoạch đẹp tại tuyến phố trên. Kế hoạch trên rất tốt nhưng khi tiến hành thực hiện thì lại vướng như sau:

Phương án 1: 9 Khu đất hai bên đường chỉ cho xây thấp tầng (9 tầng) thì ngân sách Nhà nước lại phải bỏ ra từ 300 đến 500 tỷ đồng. Hiện nay đang vướng vì lý do thứ nhất là Chính phủ giảm đầu tư công, lý do thứ hai cần điều chỉnh Luật Đất đai, Luật khiếu nại tố cáo cho phù hợp.

Phương án 2: 9 Khu đất hai bên đường cho xây cao 22 tầng như tòa nhà tại phố Trần Khát Chân hiện nay thì ngân sách Nhà nước không phải bỏ ra 1.000 tỷ đồng để GPMB như đường Xã Đàn. Nhưng hiện nay Thành phố chưa đồng ý phương án này vì theo quy hoạch không được xây cao tầng.

Theo ý kiến của các Chuyên Gia Quy hoạch, Tài Chính, Kinh tế như sau:

- Quy hoạch là nghệ thuật sắp sếp các khu đất hợp lý, thuận theo tự nhiên, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng nơi.

- Cho thí điểm làm 9 Tòa nhà cao 22 tầng tại tuyến phố trên. Người dân được tái định cư tại chỗ trong 9 Tòa nhà trên, chiếm khoảng 50% diện tích của các Tòa nhà. Người dân đồng thuận nhanh hơn vì được tái định cư tại chỗ không phải xáo trộn tái định cư ở nơi khác như Nam Trung Yên. Tiết kiệm Ngân sách Nhà nước (tại Hà Nội cần phải làm khoảng 200 Km đường như vậy. Khi làm được thì Ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiêm được 200.000 nghìn tỷ đồng), giảm lạm phát, kinh tế phát triển. Khi mở đường xong thì không bị ùn tắc đường tại tuyến phố trên và các tuyến phố xung quanh.

- UBND Thành phố Hà Nội cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng các tòa nhà cao 22 tầng tại 2 bên tuyến đường mới mở. Vì tại Thành phố Osaka Nhật Bản có 1.463 Tòa nhà cao tầng, Hồng Kông có 7.685 Tòa nhà cao tầng, Bangkok Thái Lan có 1.106 Tòa nhà cao tầng, hiện nay Thủ đô Hà Nội có khoảng 150 Tòa nhà cao tầng. Như vậy trong 8 năm nữa khi đất nước ta phát triển kinh tế tốt thì Thủ đô Hà Nội sẽ phải có 800 Tòa nhà cao tầng. Nhưng khi các tuyến đường được mở thêm 200 tuyến phố (tương đương 200 Km đường) thì sẽ không còn ùn tắc giao thông như hiện nay vì đã tăng tỷ lệ đường Giao thông hiện nay từ 8% lên 20% sau khi mở thêm 200 tuyến Đường, Phố tại Thủ đô Hà Nội.

Vì vậy, UBND Thành phố Hà Nội nên báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay để triển khai ngay thí điểm mở đường Trần Khát Chân kéo dài và bán 9 khu đất 2 bên đường, cho phép xây các tòa nhà hỗn hợp cao 22 tầng (trong Tòa nhà phải có Siêu thị, Nhà trẻ để phục vụ người dân tại đó).

Sau khi triển khai tốt sẽ rút kinh nghiệm thêm và sẽ triển khai làm tốt hơn tại 200 tuyến phố khác sẽ mở theo quy hoạch đã phê duyệt, tại các quận, huyện.

Thăng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm