Khi văn hóa phong bì trong giáo dục làm mờ truyền thống "tôn sư trọng đạo"
(Dân trí) - "Tôi cho rằng văn hóa phong bì đã làm mờ truyền thống tôn sư trọng đạo, ảnh hưởng đến tính khách quan của người giảng dạy và dặn lòng mai này nếu thành giáo viên sẽ cố gắng xóa bỏ văn hóa này".
"Hiện nay, nhiều công ty giảm việc làm, cắt giảm nhân công, kinh tế nhiều gia đình khó khăn. Bởi vậy, cô mong ngày 20/11, phụ huynh đừng lo lắng chuyện quà cáp cho thầy cô. Cô sẽ không nhận hoa, quà, phong bì hay bất cứ tặng phẩm nào vào ngày 20/11, kể cả trước hay sau này 20/11. Cô vẫn luôn yêu thương và dạy học sinh bằng hết trách nhiệm của mình", đó là lời nhắn của một giáo viên cấp tiểu học tại huyện Củ Chi (TPHCM) dịp 20/11 vừa qua.
Tương tự, một giáo viên bậc THCS tại Củ Chi cũng gửi trả phong bì cho phụ huynh kèm tấm thiệp với nội dung như sau: "Xin chân thành cảm ơn tình cảm của phụ huynh dành cho giáo viên chủ nhiệm (GVCN). GVCN xin ghi nhận tình cảm của phụ huynh, còn quà thì xin được gửi lại phụ huynh, mong phụ huynh thông cảm".
Trong khi đó, một giáo viên lại quyết tâm không nhận quà, phong bì từ phụ huynh, học sinh sau khi nhận món quà là miếng xà bông cùng lá thư của cậu học trò nghèo với thông điệp ngây thơ, thuần khiết: "Cô ơi, sau này cô đợi con làm giám đốc nha cô!".
Đó là 3 câu chuyện điển hình, truyền tải thông điệp nhân văn được các giáo viên truyền đi trong dịp hiến chương các nhà giáo Việt Nam vừa qua. Họ ghi nhận tình cảm, tấm lòng từ học sinh và toàn thể phụ huynh, song không muốn ngày này trở thành gánh nặng về tài chính với nhiều gia đình, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn. Sự nhân văn, ấm áp giàu tình người của các cô đã chạm tới trái tim của nhiều người.
Rơi nước mắt trước hành động của các thầy cô
Bình luận sau khi đọc những chia sẻ của giáo viên, độc giả Ngọc Vy Nguyễn Lê viết: "Em đã khóc khi đọc bài viết này. Khóc vì cảm động, khóc vì hạnh phúc, vì trên đời ít ra vẫn còn rất nhiều thầy cô sống bằng cái tâm, biết suy nghĩ cho người khác. Giáo viên nào cũng như vậy thì đỡ cho phụ huynh biết mấy. Xin cảm ơn các thầy các cô và trân trọng tấm lòng của các cô các thầy ạ".
"Sự cảm thông, thấu hiểu của thầy cô với học trò rất đáng trân trọng. Thực tế ở TPHCM, công chức, viên chức trong ngành giáo dục nhờ "cơ chế đặc thù" nên thu nhập của thầy cô đã giảm bớt khó khăn rất nhiều, việc thầy cô không nhận quà để chia sẻ khó khăn của phụ huynh là thật sự quý giá. Xin cám ơn Thầy Cô!", độc giả Trần Lan chia sẻ.
Có chung cảm xúc, người dùng Lương Tuấn Thu viết: "Đọc bài mà thấy chực trào nước mắt. Đồng cảm cùng em học sinh tặng cô cục xà bông, cảm phục những suy nghĩ của nhà giáo chân chính. Cảm ơn vì câu chuyện đẹp!".
"May quá, vẫn còn những ngọn nến trong đêm, vẫn còn những nhà giáo tận tụy với nghề. Xin gửi đến cô giáo ngàn lời tri ân vì sự dũng cảm", chị Trần Thị Thu nhắn nhủ.
"Tình cảm cậu học sinh và tâm tư của cô giáo khiến cho giọt nước mắt cảm động đã lăn xuống má người đọc", anh Vũ Anh Tuấn bình luận.
"Cảm phục trước sự thay đổi trong suy nghĩ của cô. Chỉ cần trò chăm - ngoan - giỏi, đó mới là món quà quý giá mà học trò dành tặng cô. Chúc cô nhiều sức khỏe", bình luận từ độc giả Thuy Duong.
Trong bối cảnh quà cáp, phong bì dần trở thành "văn hóa" và là điều bình thường trong xã hội ngày này, nhiều độc giả chua chát thừa nhận rằng, việc giáo viên từ chối nhận phong bì vốn là điều "bình thường", song nay điều bình thường đó lại trở nên "bất thường" và được nhắc tới. Họ bùi ngùi nhớ về ngày xưa, thời mà mỗi dịp 20/11, học trò lại tặng thầy cô những món quà đơn sơ, giản dị, không mang nặng tính vật chất nhưng chất chứa tình cảm, sự biết ơn.
Nhớ về ngày đi học, độc giả Tuấn Đỗ viết: "Thật đáng trân quý. Tôi rất quý thời đó đi học, ngày 20/11 đến nhà cô ăn uống, cả lớp góp tiền mua tặng cô một sấp vải may áo dài. Và năm nào cũng vậy, hoặc trái cây, hoặc con gà, rất vô tư và tình cảm".
Chung cảm nghĩ, độc giả Hồ Ân bình luận: "Ngày trước đi học còn nghèo khó, đến lễ xin bố mẹ chút ít cùng các bạn trong lớp mua những món quà lưu niệm thật ý nghĩa. Giờ mới có con đi học mẫu giáo đã phải phong bì rồi, cũng theo như phong trào, cũng bấm bụng phải theo những người có điều kiện, nhiều khi không muốn vẫn phải đi".
"Hiểu đúng thì ngày 20-11 là ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam. Lẽ ra ngày đó, các cháu chỉ cần tặng thầy cô giáo những tiết mục văn nghệ, những bông hoa, cành hoa tươi thắm kèm theo những lời chúc, lời chào cho những người dạy dỗ mình. Các con chưa làm ra tiền mà lại phải tặng những thứ phải mua bằng tiền, thật phi giáo dục ngay trong môi trường giáo dục", người dùng Thuan Vũ Văn nêu quan điểm.
"Tôi có một người bạn thân làm giáo viên, trước đây bạn dạy ở quê và không bao giờ nhận quà từ phụ huynh, chỉ nhận hoa. Sau đó cả gia đình bạn chuyển lên thành phố, bạn tâm sự rằng cứ đến lễ tết là thấy buồn vì phải nhận quà. Bạn đã thử làm như nếp cũ là không nhận quà nhưng không làm đc vì nhiều lý do, trong đó có 1 lý do: bị Hiệu trưởng nhắc nhở và đồng nghiệp xa lánh, kỳ thị. Bản thân tôi cũng là phụ huynh, từ xưa đến nay tôi chỉ tặng quà cho giáo viên của con duy nhất ngày 20/11 hàng năm, còn tất cả những ngày lễ khác tôi không tặng gì", độc giả Ngahoang kể lại.
Còn anh Nguyên Võ lại nhìn câu chuyện dưới góc độ châm biếm: "Chuyện bình thường bây giờ thành chuyện bất thường".
Trải lòng của những nhà giáo
Sau khi Dân trí đăng tải các bài viết về những câu chuyện trên, nhiều độc giả là giáo viên, người hoạt động trong nghề giáo dục cũng bình luận, chia sẻ câu chuyện của bản thân. Chị Hồ Diễm viết: "Tôi là giáo viên, nhiều năm nay tôi cũng không nhận phong bì của phụ huynh và thấy đó là một việc bình thường".
"Tốt lắm cô đồng nghiệp trẻ ạ. Tôi dạy môn Anh hơn 20 năm qua, hiếm khi nhận phong bì của phụ huynh. Trừ những trường hợp đặt biệt là phụ huynh quá thiết tha trả ơn khi tôi giúp con họ đạt thành tích ngoài mong đợi, còn lại, tất cả học trò đều truyền tai nhau và không bận tâm đến việc tặng thầy phong bì nữa. Từ khi còn đi học, tôi đã nhìn ra văn hóa phong bì đã làm mờ văn hóa tôn sư trọng đạo, làm ảnh hưởng đến tính khách quan của người giảng dạy đối với học trò. Tôi đã dặn lòng mai này có thành giáo viên sẽ cố gắng xóa bỏ văn hóa này. Giờ đã thực hiện được, nhưng chỉ hơi buồn là những đồng nghiệp khác lại cho tôi là giả tạo, dị hợm.
Tôi cũng có 2 con nên hiểu nỗi lo tài chính của phụ huynh khi những ngày lễ, Tết đến. Bao nhiêu thầy cô là bấy nhiêu ám ảnh. Nên tôi mong mỏi chúng ta hãy học theo phương tây mà quên đi hủ tục này. Chúc cô giáo trẻ sức khỏe và nhiệt huyết, không bao giờ nguôi với trách nhiệm người chèo đò nhé", thầy giáo Tai Tran tâm sự.
"Và tôi cũng như thế. Những em nào tặng hoa và quà be bé, xinh xinh thì tôi nhận bằng cả tấm lòng. Còn phong bì thì tôi gửi lại. Các em không tự làm ra tiền, tôi bảo các em chỉ cần chăm ngoan, học tốt, kính trọng, lễ phép với thầy cô, cha mẹ là tôi vui rồi", chủ tài khoản 7 NKT viết.
"Đồng cảm với cô giáo. Trước đây, khi chưa có điện thoại thì 20/11 hay tết ta mình đều nói với học sinh là không tiếp các em khi còn đang đi học. Sau này các em đi làm rồi thì về lúc nào cũng được đón tiếp", độc giả Có Nguyễn Văn chia sẻ.
Hoàng Linh