Hưng Yên: Người dân đối mặt "án tử" bệnh tật vì hiểm hoạ ô nhiễm môi trường

(Dân trí) - Nghề tái chế nhựa tại thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên giúp người dân giàu lên. Nhưng vì chỉ chú trọng vào kinh tế mà bỏ qua môi trường tự nhiên, nên người dân nơi đây đang phải đối mặt với ô nhiễm nặng nề và bệnh tật.

Làng tái chế nhựa Minh Khai được hình thành từ năm 1985, phát triển mạnh nhất từ năm 1990 trở lại đây. Cả thôn có 958 hộ gia đình làm nghề tái chế nhựa phế liệu và phân loại phế liệu (trong đó có đến 75% hộ gia đình tái chế nhựa ngay tại nhà, không tập trung, nguồn nước thải và rác thải chưa được xử lý được xả trực tiếp ra sông ngòi).

Khu vực cổng chào biến thành khu tập kết nhựa tái chế
Khu vực cổng chào biến thành khu tập kết nhựa tái chế

Môi trường ngày một ô nhiễm và “chết dần” khiến số lượng người dân mắc các bệnh về mắt, phổi, ung thư, bệnh ngoài da ngày một tăng lên, năm sau cao hơn năm trước.

Có mặt tại làng tái chế nhựa có thể nhìn thấy hàng loạt ống khói san sát từ các cơ sở tái chế nhựa bất kể ngày đêm đua nhau nhả khói lên trời, tiếng máy nghiền nhựa chạy ầm ầm, hai bên đường những kiện hàng được người dân xếp chồng lên nhau, những dãy núi rác khổng lồ tràn xuống lòng đường. Càng đi sâu vào trong làng, mùi khét, mùi xú uế bốc lên càng nồng nặc.

Từ đường lớn...
Từ đường lớn...

Không những thế, nước thải từ các cơ sở tái chế nhựa không được xử lý mà thải trực tiếp ra sông ngòi, khiến nguồn nước sinh hoạt tại làng nghề Minh Khai nói riêng và thị trấn Như Quỳnh nói chung ô nhiễm trầm trọng. Tại nhiều điểm có cắm biển “cấm đổ rác” nhưng vẫn trở thành nơi tập kết rác khổng lồ gồm túi ni lông, nhựa chết…

Nếu tính cả thôn, mỗi ngày có đến 70 - 100 tấn rác thải, chủ yếu là bao bì, chai, cốc nhựa, sản phẩm liên quan đến nhựa y tế, không loại trừ nguồn rác thải độc hại được tái chế bị lẫn trong đó.

Tuy nhiên, các hộ sản xuất này đều không có giải pháp bảo vệ môi trường. Sau 17 năm hoạt động, lượng rác thải lưu cữu cần xử lý đã lên đến vài chục tấn rác và hiện đang chất thành núi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, còn có lượng rác thải phát sinh càng ngày càng nhiều đang được đốt tự do, không đảm bảo quy định.

Đến đường nhỏ... đâu đâu cũng thấy rác thải nhựa
Đến đường nhỏ... đâu đâu cũng thấy rác thải nhựa

Người dân tại làng Khoai (nơi cách làng nghề Minh Khai khoảng 1km) luôn luôn phải đóng kín cửa để giảm mùi khét, khói bụi và tiếng ồn từ làng tái chế nhựa gây ra.

Theo ông Phan Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh: “Hiện tại, vấn đề môi trường ở làng nghề tái chế nhựa Minh Khai đang ở mức báo động đỏ. Cả thôn chỉ có khoảng 100 cơ sở thành lập Cty TNHH, có giấy phép kinh doanh, số còn lại là tự phát. Số lượng người dân mắc các bệnh về mắt, phổi, ung thư không ngừng gia tăng.

Hàng nghìn tấn rác vẫn còn tồn đọng từ năm này qua năm khác chưa được xử lý. Rác thải được vận chuyển từ khắp các tỉnh phía Bắc, thậm chí nhập lậu về từ các nước như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc… quỹ đất nông nghiệp đã bị công nghiệp chiếm dụng tới 65%.

Con sông bị ô nhiễm nặng nề ở làng nghề tái chế
Con sông bị ô nhiễm nặng nề ở làng nghề tái chế

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND thị trấn Như Quỳnh đã triển khai một số biện pháp như: ký cam kết với các hộ kinh doanh, mở lớp tập huấn phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường; phát trên loa truyền thanh; giao ban hàng tháng, chỉ đạo xây dựng tổ vệ sinh thu gom rác thải về tập kết tại bãi của thôn Minh Khai để tránh vứt rác bừa bãi…

Nơi cấm đổ rác biến thành bãi tập kết rác thải
Nơi cấm đổ rác biến thành bãi tập kết rác thải

Bên cạnh đó, UBND thị trấn Như Quỳnh đã kiến nghị và đề xuất cấp kinh phí để xây dựng hệ thống tiêu thoát nước, di chuyển toàn bộ rác thải, cũng như đề nghị cấp có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn, cấm nhập khẩu các loại rác thải phế liệu từ nước ngoài vào làng nghề Minh Khai và xây dựng quy chế kiểm soát hoạt động thu, gom rác, tái chế nhựa đối với làng nghề và cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai. Quy hoạch mở rộng dự án làng nghề thôn Minh Khai để di chuyển toàn bộ các hộ vào sản xuất tập trung…

Kiến nghị và đề xuất là vậy, còn có thực hiện được những giải pháp trên hay không còn phụ thuộc vào cơ quan chức năng huyện Văn Lâm và tỉnh Hưng Yên.

Minh Tuyến