Hưng Yên: Lùm xum vụ cho thuê tài chính hơn 10 năm vẫn chưa thi hành án xong

(Dân trí) - Suốt hơn 10 năm, bà Đỗ Thị Hải Yến - Giám đốc Cty TNHH Hà Văn, tỉnh Hưng Yên gửi đơn lên các cơ quan tố tụng tố cáo ông Phạm Tuấn Chiêm - Nguyên thẩm phán TAND Tối cao có dấu hiệu sai phạm trong vụ án mà bên bà Yến là bị đơn khiến công ty Hà Văn đối diện với nguy cơ phá sản.

Trong hồ sơ kêu cứu gửi đến Toà soạn báo Dân trí, bà Đỗ Thị Hải Yến - Giám đốc Cty TNHH Hà Văn cho biết, Cty Hà Văn có thuê của Cty Kexim 20 máy dệt bít tất mới; 2 máy xén viền tự động mới và một máy sấy định hình đã qua sử dụng cùng các tài sản khác trị giá 400 ngàn đô la Mỹ.

Tuy nhiên, trong quá trình hai bên đang thương lượng về thời điểm thuê do chưa chuyển giao kỹ thuật xong, Cty Kexim đã khởi kiện Cty Hà Văn tại TAND tỉnh Hưng Yên. Các ngày 1-2 & 5/6/2000, TAND tỉnh Hưng Yên đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên trong bản án kinh tế số 1/STKT. Sau khi xét xử, Cty Hà Văn có đơn kháng cáo vào ngày 9/6/2000, cùng đó Cty Kexim cũng có đơn kháng cáo liên quan đến vụ án.

Đơn kêu cứu của Công ty Hà Văn gửi báo Dân trí đề nghị làm sáng tỏ sự việc.
Đơn kêu cứu của Công ty Hà Văn gửi báo Dân trí đề nghị làm sáng tỏ sự việc.
Đơn kêu cứu của Công ty Hà Văn gửi báo Dân trí đề nghị làm sáng tỏ sự việc.

Hưng Yên: Lùm xum vụ cho thuê tài chính hơn 10 năm vẫn chưa thi hành được
Văn bản của Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng gửi đến Ban cán sự Đảng TAND Tối cao  giải quyết về nội dung khiếu nại của Công ty Hà Văn.

Ngày 4&5/12/2000, Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đưa vụ án ra xét xử do thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm làm chủ toạ. Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 176/PTKT với nội dung sửa bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Hưng Yên theo hướng: Chấp thuận kháng cáo của Cty Kexim xác nhận hợp đồng thuê số K98006 ngày 27/4/1998 giữa Cty Kexim và Cty Hà Văn có hiệu lực toàn bộ.

Bà Yến cho rằng, phiên toà Phúc thẩm do thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm xét xử có dấu hiệu sai phạm gây thiệt hại lớn cho Cty Hà Văn. Theo đó, Cty Hà Văn đã nhiều năm liền “đệ đơn” lên các cơ quan chức năng để mong được soi xét lại bản án mà phía Cty Hà Văn đề nghị.

Ngay sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của bà Đỗ Thị Hải Yến, Cục điều tra VKSND Tối cao và các cơ quan chức năng liên quan đã vào cuộc để điều tra làm rõ các nội dung mà bà Yến tố cáo.

Theo đơn tố cáo, vụ án phúc thẩm số 176/KTPT ngày 4-5/12/2000 của TAND Tối cao tại Hà Nội mà ông Phạm Tuấn Chiêm làm chủ toạ phiên xét xử, cùng các thẩm phán Trần Quốc Tú và Nguyễn Huy Chương đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng, trái pháp luật dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp, gây thiệt hại nặng nề cho Cty TNHH Hà Văn.

Cụ thể, theo nội dung tố cáo, thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã bỏ qua những sai phạm trong việc thực hiện hợp đồng thuê số K98006 ngày 27/4/1998 của Cty cho thuê tài chính Kexim Việt Nam (viết tắt Cty Kexim) là chấp nhận văn bản không có giá trị pháp lý của Cty Kexim, trong việc xác định ngày bắt đầu thuê thiết bị gồm: 23 máy dệt bít tất, một bộ hệ thống thiết kết mẫu có tổng giá trị lên đến 402.404 USD (tương đương khoảng hơn 4 tỷ đồng Việt Nam tại thời điểm đó).

Bà Yến cho biết, xuất phát từ hợp đồng mà Cty Hà Văn thực hiện thoả thuận thuê thiết bị của Cty Kexim mang số K98006. Hợp được các bên thống nhất ký kết theo đúng cam kết ban đầu, tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng, do có yếu tố mang tính chủ quan và khách quan đến từ cả 2 bên, dẫn đến thời gian thuê thiết bị giữa 2 đơn vị chưa được thiết lập theo đúng qui định của hợp đồng ký kết mang số K98006.

Bản án phúc thẩm của TAND Tối cao do ông Phạm Tuấn Chiêm tuyên bị khiếu nại.
Bản án phúc thẩm của TAND Tối cao do ông Phạm Tuấn Chiêm tuyên bị khiếu nại.

Đến ngày 20/10/1999, Cty Kexim đơn phương ra thông báo có 4 nội dung gồm: Cty Hà Văn đã vi phạm hợp đồng thuê K98006 và Kexim công bố hợp đồng bị chấm dứt kể từ ngày 20/10/1999.

Theo đó, Kexim đã yêu cầu Cty Hà Văn buộc phải ngưng sử dụng tài sản thuê của hợp đồng thuê số K98006. Kexim sẽ phát mãi tài sản thế chấp như qui định trong hợp đồng thế chấp số K98006-MC ngày 15/6/1998 và ra tối “hậu thư” yêu cầu Cty Hà Văn phải giải quyết hợp đồng thuê bằng cách thanh toán toàn bộ dư nợ, tiền lãi và các chi phí khác theo qui định trong hợp với tổng số tiền là 446.262,21 USD cho Cty Kexim.

Tuy nhiên, tại quyết định của bản án phúc thẩm số 176/KTPT ngày 4-5/12/2000 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội do ông Phạm Tuấn Chiêm đã lại tuyên Cty Hà Văn được giữ lại toàn bộ tài sản thuê mua và phải thanh toán trả cho Cty kexim số tiền 537.956,89 USD.

Lý giải lý do Cty Hà Văn tố cáo ông Phạm Tuấn Chiêm, bà Đỗ Thị Hải Yến cho rằng: “Tại thời điểm Cty tôi bị kê biên về tài sản và Cty Kexim lại có văn bản phong toả ngân hàng thì chúng tôi lấy đâu ra tiền để thực hiện bản án này. Mặt khác, do tài chính Cty tôi chỉ đủ đầu tư cơ sở vật chất nên buộc chúng tôi phải đi thuê thiết bị để phục vụ sản xuất. Điều này, chúng tôi đã thực hiện đúng theo luật Doanh nghiệp”.

Cũng theo bà Yến, một nội dung đáng ngạc nhiên trong bản án số 176/KTPT là việc Toà phúc thẩm yêu cầu Cty Kexim phải giải toả công văn phong toả ngân hàng được Cty Kexim ký gửi các tổ chức tín dụng và ngân hàng ngày 8/11/1999 thì cho đến tận hơn 15 năm sau (năm 2014), Cty Hà Văn vẫn không thể tiếp cận được các tổ chức tín dụng trong nước để vay vốn ngân hàng, phục vụ việc kinh doanh làm ăn của Doanh nghiệp, khiến hàng trăm cán bộ công nhân viên Cty Hà Văn phải lao đao hơn một thập kỷ qua.

Thông báo của Công ty Kexim gửi đến các tổ chức tín dụng ngân hàng.
Thông báo của Công ty Kexim gửi đến các tổ chức tín dụng ngân hàng.

Thông báo của ngân hàng về việc không cho công ty Hà Văn vay vốn.
Thông báo của ngân hàng về việc không cho công ty Hà Văn vay vốn.

Cho biết quan điểm pháp lý liên quan đến vụ án, luật sư Đỗ Ngọc Quang (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, Bản án kinh tế số 176/KTPT của thẩm phán TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên kê biên tài sản thuộc diện thế chấp, cùng toàn bộ thiết bị máy móc, nhà xưởng và các tài sản của Cty Hà Văn để đảm bảo thi hành án là hoàn toàn không phù hợp với thực tế quan hệ hợp đồng giữa 2 Cty.

Hai là Toà phúc thẩm tuyên việc Cty Hà Văn được giữ lại toàn bộ tài sản và phải thanh toán trả cho Cty Kexim số tiền 537.956,89 USD thì lại hoàn toàn vô lý, vì chẳng nhẽ đã buộc Cty Hà Văn phải mua lại máy móc thiết bị của Cty Kexim, sau đó kê biên luôn tài sản để đảm bảo Cty Hà Văn trả tiền cho Cty Kexim hay sao?

Luật sư lập luận, bằng các căn cứ theo qui định pháp luật, tôi cho rằng bản án phúc thẩm kinh tế số 176/KTPT ngày 4-5/12/2000 của TAND Tối cao tại Hà Nội là không khách quan, vi phạm tố tụng và trái pháp luật, làm xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Cty Hà Văn, khiến tình trạng sản xuất Cty bị đình trệ, hàng trăm công nhân rơi vào cuộc sống khổ cực vì mất việc, lương thấp dẫn đến các tệ nạn không đáng có, còn Cty thì đứng trước tình thế phá sản.

Thông báo của ngân hàng về việc không cho công ty Hà Văn vay vốn.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Cục trưởng cục Thi Hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên làm việc với PV Dân trí về những nội dung khiếu nại.

Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Cục trưởng cục Thi Hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên. Ông Khanh cho biết, bản án do Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tuyên liên quan đến tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính giữa Cty Kexim và Cty Hà Văn có những điểm bất thường. Khi tiếp nhận nội dung bản án để thi hành án, Cục Thi hành án chúng tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị lên TAND Tối cao và cơ quan liên quan cùng UBND tỉnh Hưng Yên để kiểm tra và xem xét giải quyết nhưng cho đến nay, sau hơn 10 năm kể từ khi có quyết định của Toà Phúc thẩm Tối cao, Cục thi hành án tỉnh Hưng Yên vẫn chưa thể thi hành xong bản án này.

Cho biết quan điểm về bản án của Toà Phúc thẩm, ông Khanh cũng đề đạt nguyện vọng được TAND Tối cao và các cơ quan chức năng xem xét lại theo đúng qui định pháp luật về những nội dung khiếu nại của các bên liên quan trong vụ án tranh chấp về kinh tế này.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ kêu cứu, báo Dân trí kính chuyển nội dung khiếu nại của bà Đỗ Thị Hải Yến đến TAND Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng cục thi hành án xem xét, giải quyết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị liên quan trong vụ án có dấu hiệu lùm xum, kéo dài hơn một thập kỷ xẩy ra trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. 

Trong một diễn tiến khác, liên quan đến việc xét xử oan sai đối với ông Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang, mới đây Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã chính thức tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm, sinh năm 1949, có địa chỉ tại huyện Gia Lâm - Hà Nội để điều tra về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên là thẩm phán, chủ toạ phiên toà xét xử vụ án “giết người” theo kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Thanh Chấn, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên - Bắc Giang vào ngày 27/7/2004.


Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế