Hà Tĩnh mình ơi! Sự học có sa sút thật không?

Điều mà bất cứ người Hà Tĩnh xa quê nào cũng đau đáu trong lòng đó là dù ở đâu trên mọi miền đất nước hay tận chốn hải ngoại xa xôi luôn tự hào là được sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống hiếu học, mà nay gợn lên nỗi băn khoăn…

Đất nghèo nuôi chữ, người Hà Tĩnh đi ra luôn được ngẩng cao đầu vì truyền thống quê hương. Đặc biệt, từ khoảng 5, 6 năm lại đây, hàng năm đến các kỳ thi quốc gia, các dịp tổng kết năm học hoặc những lúc Xuân về Tết đến, Hội đồng hương Hà Tĩnh ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, luôn được mát lòng mát dạ vì thành tích của ngành giáo dục đào tạo tỉnh nhà, thành tích học tập của con em quê mình.

 

Vậy mà, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của Hà Tĩnh bị tụt so với năm ngoái đến 15%. Trả lời phỏng vấn của Đài Phát thanh và Truyền hình của tỉnh nhà, ông Nguyễn Khắc Hào, NGƯT, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã phát biểu: “... kết quả thi tốt nghiệp như vậy là hợp lý, chứng minh tỉnh đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp rất nghiêm túc, đúng thực chất theo đúng tinh thần của Bộ” (xin xem http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/06/853484/).

Những lời chấn an đó chưa làm yên lòng người dân Hà Tĩnh ở xa quê, khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT những năm trước đều nằm ở mức trên dưới 90% mà năm nay chỉ đạt 73,53% của hệ THPT và 21,99% của hệ Bổ túc THPT? “Có thể nào cho là “hợp lý” khi cả hai hệ trượt tốt nghiệp đến gần 8.000 thí sinh - khoảng 1.300.000 dân số?
 
Ông giám đốc cho rằng “hợp lý” là vì năm nay “tỉnh đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp rất nghiêm túc, đúng thực chất theo tinh thần của Bộ”, vậy những năm trước, tại Hà Tĩnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức không nghiêm túc hay sao?

Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung của Bộ GD-ĐT không hề được triển khai tại Hà Tĩnh hay sao?
 
Và ông giám đốc giải thích như thế nào về chất lượng thi tốt nghiệp năm nay, khi mà trong khoảng 6 năm qua, Hà Tĩnh nổi đình, nổi đám về thành tích giáo dục đào tạo như: liên tục dẫn đầu Cụm thi đua Bắc Miền Trung, liên tục trong 2 năm học (2005 - 2006, 2006 - 2007) nhận cờ Dẫn đầu phong trào thi đua của Chính phủ,
 
Được tặng cờ xuất sắc về cuộc vận động “Hai không”, thành tích học sinh giỏi, thành tích xây dựng trường chuẩn quốc gia...? Có lẽ, những thành tích đó là do “phù phép” ra chăng?

 

Nếu ông giám đốc cho rằng Hà Tĩnh tổ chức thi cử nghiêm túc nên kết quả thấp, vậy cả nước không nghiêm túc hay sao? Năm nay, trong và sau khi thi, trên tất cả các kênh thông tin, tôi chưa thấy một sự phản ánh, đánh giá chính thức nào về sự không nghiêm túc của bất cứ một địa phương nào đó trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT?
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Nếu kết quả của các địa phương trong kỳ thi này tăng giảm thất thường thì tuy không có thông tin chính thức của báo chí, nhưng giải thích như ông giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cũng còn được người ta thông cảm, chia sẻ.

Ừ, thì chắc là cũng còn nhiều nơi thi cử đang lộn xộn, nên kết quả nó mới như thế. Đằng này, đại đa số các địa phương trên phạm vị toàn quốc đều tăng tỷ lệ tốt nghiệp so với năm trước; tỷ lệ tăng hoặc giảm của họ là khá hợp lý so với truyền thống, tiềm lực mà họ vốn có.
 
Trong khi đó, ở Hà Tĩnh, năm học 2006 - 2007, năm học đầu tiên thực hiện Chỉ thị 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động “hai không” của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp chỉ là 77% thế mà đột nhiên năm học 2007-2008 tăng vọt lên 89% (đợt 1) để rồi năm học 2008 - 2009 lại đột ngột giảm đến 15%. Sự tăng giảm đột ngột như thế nói lên điều gì nếu không phải là không phản ánh đúng thực chất chất lượng giáo dục phổ thông tại Hà Tĩnh.
 
Rõ ràng khi thực hiện chủ trương chống tiêu cực, chống bệnh thành tích trong giáo dục của Bộ thì ngay lập tức quan chức ngành giáo dục Hà Tĩnh đã nhạy cảm điều chỉnh tỷ lệ để cho có vẻ phù hợp nhưng đến lúc thấy gánh nặng áp lực của dư luận xã hội lớn quá (lại sợ ảnh hưởng đến thành tích?!) thì năm tiếp theo lại điều chỉnh cho tăng vọt lên. Sự điều chỉnh này là hiện hữu vì tuy có thanh tra, giám sát của Bộ nhưng việc thi, việc chấm đều do cơ quan quản lý giáo dục địa phương đứng ra tổ chức.

Một ví dụ điển hình là kết quả chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2008 của Hà Tĩnh đã được chấm phúc tra và Bộ GD-ĐT đã có công văn phê bình việc Hà Tĩnh chấm sai lệch điểm quá lớn, khiến cho năm học 2007 - 2008 ngành giáo dục-đào tạo Hà Tĩnh bị mất điểm thi đua khá nhiều.
 
Nếu không có sự chỉ đạo mà giám khảo tự ý làm sai lệch đến mức như thế thì chứng tỏ đội ngũ cán bộ giáo viên ở đây đã suy thoái nặng nề về chất lượng chuyên môn và ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp; bởi số cán bộ giáo viên được điều đi chấm thi là số đã được tuyển chọn theo các tiêu chí khắt khe của Bộ.
 
Nói thế, chứ tôi tin rằng đội ngũ cán bộ giáo viên tỉnh nhà đâu đến tệ như vậy. Chắc là họ cũng bị oan, bị rơi vào tình thế bất khả kháng. Cứ xem tình hình coi thi năm nay của Hà Tĩnh thì rõ. Phần chìm của tảng băng trôi không hẳn là sự lạnh lùng nghiêm khắc thực hiên quy chế. Để rút ra kết luận này, xin quý vị độc giả xem bài viết sau đây của ông Trọng Nghĩa http://dantri.com.vn/c202/s202-330462/tu-ky-thi-tot-nghiep-thpt-vua-qua.htm.

 

Sẽ còn nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề được đặt ra làm đau đầu quan chức giáo dục Hà Tĩnh về kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Nếu tỉnh nhà không nghiêm túc làm rõ nguyên nhân và có giải pháp quyết liệt thì e rằng tình trạng thi cử của con em chúng ta năm sau còn tệ hại hơn.

Không biết truyền thống địa linh nhân kiệt của tỉnh nhà nay còn được tiếp tục phát huy hay không? Đấy là điều mà những người dân Hà Tĩnh xa quê phải đau đáu suy nghĩ.

 

                                                                                    Lê Thị Na
16A-Phạm Đình Hổ-Hà Nội

 

LTS Dân trí - Đọc bài viết trên đây của chính người con Hà Tĩnh, thật lòng chúng tôi cũng thấy trăn trở không hiểu vì sao sự học ở một vùng đất vốn nổi tiếng về truyền thống hiếu học lại chưa phát huy tốt truyền thống vẻ vang của mình.

 

Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cũng như kết quả sắp tới của kỳ thi đại học, tỉnh Hà Tĩnh nên nhìn nhận lại một cách thật khách quan, nghiêm túc về chất lượng dạy và học của bậc học phổ thông để từ đó tìm ra những biện pháp thỏa đáng, có hiệu quả nhằm phát huy những lợi thế vốn có của truyền thống hiếu học cũng như khắc phục bằng được những mặt còn thiếu sót, tồn tại trong giáo dục.

 

Mong rằng tỉnh Hà Tĩnh luôn giữ vững và phát huy tốt truyền thống của vùng đất hiếu học nổi tiếng của cả nước, đã sinh ra đại thi hào Nguyễn Du và nhiều danh nhân tiêu biểu khác.