Giáo viên cần có kỹ năng sống
Nhìn lại những chuyện buồn về mối quan hệ thầy trò xảy ra trong thời gian qua, có thể thấy nguyên nhân về phía người thầy còn thiếu kỹ năng sống cũng như kỹ năng sư phạm.
Qua những vụ việc khiến cho người thầy vi phạm đạo đức nhà giáo phần lớn là do học sinh không chịu khó học tập, hay quậy phá trong giờ học, ngỗ nghịch, vô lễ. Phần lớn “nạn nhân” của người thầy trong nhiều vụ việc là những học sinh “cá biệt”. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể biện hộ cho những sai phạm của người thầy, trái lại phần nào đó cho thấy kỹ năng sống, kỹ năng sư phạm của nhiều người thầy thiếu và yếu.
Bởi lẽ, học sinh “cá biệt” trường nào, lớp nào cũng có, (chỉ trừ trường chuyên lớp chọn là không có hoặc có nhưng rất ít). Trong đời đi dạy người thầy nào cũng phải đối mặt với học sinh “cá biệt”, cũng gặp phải những tình huống sư phạm éo le, nhưng tại sao “tai nạn” lại xảy ra với người này và không với người khác? Tôi cho rằng việc nhiều người thầy thiếu kỹ năng sống, thiếu và yếu cả kỹ năng sư phạm là nguyên nhân dẫn đến những “tai nạn” đáng tiếc mà báo chí phản ánh thời gian qua.
Hãy hình dung nếu thiếu và yếu kỹ năng sống thì điều gì sẽ xảy ra nếu trong những tình huống sư phạm khó khăn? Cụ thể, khi giáo viên đang giảng bài, học sinh cười đùa, ngỗ nghịch, giáo viên nhẹ nhàng nhắc nhở thì thường em học sinh đó sẽ nghe lời; trái lại nếu giáo viên lớn tiếng nạt nộ thì sẽ phản ứng với thái độ vô lễ (do bị xúc phạm trước tập thể), lúc này người thầy không kiềm chế được rất dễ nóng nảy bạt tai học trò. Hay khi học sinh không học bài, giáo viên nên tìm hiểu nguyên nhân, không nên phũ phàng cho 0 điểm và không cho cơ hội gỡ điểm, làm thế học sinh đó sẽ ghét thầy giáo và tiềm ẩn nguy cơ có những hành động “trả đũa”. Khi đó giáo viên sẽ bị đặt vào những tình huống sư phạm khó khăn có thể gặp “tai nạn”.
Ngược lại, trong những trường hợp học sinh ngỗ nghịch, vô lễ, nếu giáo viên gặp riêng nhẹ nhàng phân tích phải trái đúng sai thì tin chắc rằng học sinh sẽ biết nghe lời, và lần sau sẽ không tái phạm, thậm chí sẽ rất tôn trọng giáo viên. Bởi giáo viên hành xử như thế là thể hiến sự tôn trọng học sinh và khi được thầy cô tôn trọng thì nhất định học sinh sẽ càng tôn trọng thầy cô.
Trong giảng dạy, đánh giá cho điểm, giáo viên nên thể hiện sự công tâm, nếu giáo viên thiên vị những học sinh học thêm mình thì nhiều em sẽ coi thường. Những giáo viên thiếu sự công tâm sẽ dễ gặp “tai nạn” bởi những học sinh bất phục gây ra.
Khi làm công tác chủ nhiệm, học sinh vi phạm bị giáo viên bộ môn ghi tên vào sổ đầu bài và trừ điểm thi đua của lớp, giáo viên nên lắng nghe ý kiến học sinh, tìm hiểu nguyên nhân, gia cảnh của em học sinh đó để tìm ra giải pháp tốt nhất. Thế nhưng, trong thực tế nhiều giáo viên không lắng nghe ý kiến học sinh, không quan tâm tìm hiểu nguyên nhân, cứ hễ học sinh vi phạm là xử lý theo “luật” (mà đôi khi “luật” là do giáo viên đề ra), khiến học sinh không phục nên dễ có những hành động vô lễ. Vì thế, nếu thiếu đi sự quan tâm, gần gũi học sinh thì người thầy sẽ dễ rơi vào những tình huống sư phạm có thể gây “tai nạn” cho mình.
Bản thân tôi cũng là một giáo viên, cũng nhiều lần đối mặt với học sinh “cá biệt” và những tình huốn
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Xin được nêu ra một ví dụ. Cách đây chưa lâu, tôi gặp phải một tình huống mà rất nhiều đồng nghiệp ái ngại. Hôm đó, trong giờ ra chơi khi đi ngang một lớp học, tôi thấy một học sinh nam ngồi xổm trên ghế giáo viên. Tôi bước vào lớp nhắc nhở em này không nên làm như vậy. Khi tôi ra khỏi lớp thì cả lớp la hét để phản đối (và có lẽ để chọc tôi nữa vì tôi là một giáo viên còn khá trẻ). Tôi quay lại thì các em im lặng, nhưng khi tôi quay lưng đi ra các em lại tiếp tục la hét.
Tôi vào lớp cầm một cây thước nhựa dài 15cm, dày chưa tới 1mm đánh nhẹ hai cái vào tay một học sinh nữ để các em trật tự và hiểu rằng la hét như vậy là không nên, chứ tôi không hề có ác ý và thái độ của tôi lúc đó cũng rất đúng mực chứ không “hung dữ” gì.
Tôi biết làm vậy là sai theo Luật giáo dục. Nhưng cái sai của tôi đã trở nên hết sức nghiêm trọng khi em học sinh bị tôi đánh vào tay nói trên báo cáo với giáo viên chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng về hành vi “đánh học sinh” và yêu cầu tôi phải xin lỗi, nếu không sẽ “khiếu nại, tố cáo” với báo chí!
Dù tôi và thầy hiệu trưởng giải thích thế nào thì em học sinh nữ này vẫn không thể “tha thứ” cho hành vi của tôi và yêu cầu tôi phải xin lỗi em trước lớp. (Cần nói thêm tôi không dạy lớp em học sinh này nên tôi và em chắc chắn không có sự mâu thuẫn cá nhân). Sau đó, tôi và thầy hiệu trưởng phải mất đến hai lần trò chuyện phân tích phải trái, đúng sai thì em học sinh đó mới hiểu và mọi chuyện mới êm đẹp.
Trong câu chuyện của tôi, nhiều đồng nghiệp cho rằng việc làm của em học sinh đó là “vô lễ”. Nếu người thầy không có tấm lòng bao dung, dân chủ, tôn trọng, lắng nghe học sinh mà dùng cái quyền của mình để xử lý thì em học sinh đó sẽ không phục, và với bản tính nông nổi hiếu thắng của tuổi trẻ rất có thể em học sinh đó sẽ làm to chuyện, hoặc có hành động nông nổi sai trái.
Vì vậy, để tránh những “tai nạn nghề nghiệp” đáng tiếc, tôi nghĩ làm nghề giáo rất cần có kỹ năng sống, kỹ năng sư phạm. Những kỹ năng đó không phải tự nhiên mà có mà được hình thành qua quá trình người thầy nghiêm túc học hỏi, rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức và nhân cách
Phạm Được (Đà Nẵng)
LTS Dân trí - Kỹ năng sống là điều cần thiết đối với mọi người để giữ được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, với mọi người, tạo điều kiện thuận lợi trong công việc cũng như sự thoải mái trong cuộc sống.
Làm giáo viên, chịu trách nhiệm giáo dục toàn diện học sinh, kể cả giáo dục kỹ năng sống, cho nên Người Thầy cần biết tâm lý học trò, nắm vững phương pháp sư phạm và đương nhiên cần có kỹ năng sống để không mắc những sai lầm đáng tiếc trong môi trường giáo dục.