Doanh nghiệp nhựa 'dở chiêu' khai man, lách thuế
Lẽ ra phải kê khai sản phẩm theo trọng lượng nhưng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu (NK) thanh nhựa uPVC lại kê khai theo thanh, mét dài (m) để “qua mặt” cơ quan hải quan. Vì vậy, việc áp thuế đã không chính xác, làm thất thu nhiều tỷ tiền thuế của nhà nước.
Doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể sản xuất các sản phẩm nhựa uPVC chất lượng cao, giá hợp lý. Ảnh: NN |
Nhiều doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam đang bị “tố” vì có biểu hiện gian lận trong nhập khẩu thanh nhựa uPVC từ Trung Quốc. Biểu hiện gian lận được chỉ ra là: Kê khai không đúng trọng lượng, quy chuẩn, khai man giá, tránh thuế. Những “thương vụ” NK trót lọt, đã giúp các doanh nghiệp NK có đầu vào thấp hơn, cạnh tranh không lành mạnh với hàng sản xuất trong nước, vì thế mà doanh nghiệp trong nước lao đao, nhà nước thì thất thu thuế.
Tờ khai số 2036, ngày 23/8/2012, của Công ty TNHH MTV H. T mở tại Chi cục Hải quan Ga Yên Viên ghi: Thanh nhựa định hình uPVC màu trắng, dài 5.8m, rộng 8 -< 11cm, hiệu Trung Quốc. Tờ khai này kê khai giá thanh nhựa chỉ 0,44 USD/m. Tỷ giá là 20.828 VND/USD, (Một mét thanh nhựa giá 9.160đồng).
Theo các chuyên gia ngành nhựa, việc kê khai như trên có dấu hiệu bất thường, gian lận, bởi thanh nhựa uPVC mã SF106, trọng lượng thanh 1.58kg/m, giá bán tại Trung Quốc là 1,3 USD/kg. Với mức giá đó và tỷ giá 20.828 VND/USD, giá trị thực tế 1 mét thanh nhựa NK phải là 42.780đồng (gấp hơn 4 lần giá thực tế).
Theo tính toán của doanh nghiệp ngành nhựa, nếu như giá thành 1 m sản phẩm chỉ là 9.160 đồng, điều này cũng đồng nghĩa với việc mức thuế NK nhà nước thu được chẳng đáng là bao. Còn với giá là 42.780 đồng, thì mức thuế nhà nước thu được sẽ cao hơn nhiều.
Tại tờ khai số 11436 mở ngày 10/8/2012, tại hải quan khu vực 3, Hải Phòng của Công ty TNHH Thương mại Hà Phương, ghi tên hàng hóa là thanh nhựa plastic profiles đã định hình, chưa gia công khoét lỗ, sẻ rãnh ký hiệu FR 106. Với tỷ giá 20.828 VND/USD, thành tiền cho 1 thanh là 155.585 đồng.Với tờ khai nói trên, doanh nghiệp đã khai theo thanh để tính thuế. Một thanh 5.8m x 1.61 kg/m, thanh tiền sẽ là 9.338 kg/thanh.
Trên thực tế, giá của sản phẩm trên thị trường quốc tế là 1.483 USD/kg. Đây là mức giá mà DN khác ở Việt Nam đã mua vào tháng 8/2012. Vậy giá thực tế của thanh nhựa là là 288.431 đồng/thanh, cao hơn hẳn so với cách tính và áp thuế ở mức 155.585 đồng như nói trên. Với cách tính đó, nhà nước đã thất thu tới 46% số tiền thuế đáng ra đã thu được từ số lượng hàng và hợp đồng nhập khẩu của doanh nghiệp.
Không ít tờ khai được mở tại Hải quan Quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) cũng có những dấu hiệu nghi vấn, trốn thuế khi doanh nghiệp khai giá chỉ bằng 22% giá trị hàng hóa. Theo các tờ khai khác như 2522 mở tại Hải quan cửa khẩu Bắc Luân (Quảng Ninh) ngày 29/8/2012, giá trị hàng hóa cũng chỉ bằng 20% giá trị thực. Tờ khai 1471 ngày 13/4/2012 tại chi cục Hải quan Gia Thụy – Hà Nội cũng có nhiều dấu hiệu khác thường…
Nhiều doanh nghiệp nhập tới hàng chục, hàng trăm tấn nhựa uPVC cùng lúc. Đại diện một số doanh nghiệp ước tính, mức thuế thất thu của nhà nước sẽ không chỉ vài trăm triệu đồng, mà lên đến cả trăm tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Lập, Chủ tịch HĐQT, Công ty TNHH TM Hà Phương cho rằng, doanh nghiệp ông kê khai giá sản phẩm như vậy là đúng hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc. Ông Lập cũng khẳng định, công ty ông có truyền thống hợp tác với các đối tác Trung Quốc nên được hưởng giá thấp hơn các doanh nghiệp khác. Nói về mức giá hàng NK thấp khác thường so với hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu thanh nhựa cùng loại, ông Lập cho rằng, trong kinh doanh, chuyện mua được giá đắt, rẻ là bình thường.
Ông Bùi Thẩm Châu – Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á cho rằng, hiện tượng gian lận như nói trên của doanh nghiệp là do chạy theo lợi nhuận. Không ít doanh nghiệp thuê xưởng “thổ phỉ” ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc để gia công.
“Có doanh nghiệp đã khai gian để trốn thuế. Cụ thể như xe hàng có trọng lượng hàng khoảng 20 tấn doanh nghiệp nhập khẩu chỉ khai báo lượng hàng là 5 - 6 tấn. Đơn giá mua một đằng, họ khai báo một nẻo. Mua ở nước ngoài có thể hơn 1.100 USD nhưng về Việt Nam chỉ khai báo còn khoảng 700 USD hoặc 800 USD. Việc khai giá thấp, số lượng hàng ít đi ... cũng đồng nghĩa với thuế của nhà nước bị thất thu”, ông Châu cho biết.
Cũng theo ông Châu, hiện nay nước ta đang đẩy mạnh thực hiện chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, việc các doanh nghiệp khai man giá, khai man trọng lượng, nhập hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc sẽ nguy hại tới muôi trường sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Khi các thanh nhựa nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn sẽ gây độc hại với môi trường sống và cho con người. Kiểu lừa đó giúp doanh nghiệp kiếm lời chút ít, nhưng người tiêu dùng phải mua hàng kém chất lượng giá cao.
Liên quan đến các tờ khai có những dấu hiệu bất thường, một lãnh đạo của Chi cục Hải quan ga Yên Viên cho rằng, việc NK thanh nhựa như nói trên của doanh nghiệp thuộc “luồng vàng” – luồng miễn kiểm tra thực tế. Do trước đó đã có tiền lệ NK đối với mặt hàng thanh nhựa đó nên Hải quan không kiểm tra thực tế hàng hóa.