Đặt tên cho những con đường
(Dân trí) - “Cái gì của mình mà người khác thường xuyên sử dụng?” Có những câu hỏi con trẻ đôi khi người lớn ta cũng phải tắc tị nhưng đáp án lại rất đơn giản. “Cái tên” - Giải đáp cho câu hỏi trên là một ví dụ.
Trong cuộc sống, những gì chung chung đều hay làm ta nhầm lẫn. Chỉ khi gắn với cái tên, nó mới dễ dàng nhận biết hơn. Tên đường phố xuất hiện ngày một phổ biến cũng bởi lí do đó.
Cùng với quá trình đô thị hoá, đường sá xuất hiện ngày càng nhiều. Yêu cầu đặt tên đường ra đời cũng vì lẽ đó. Tôi từng bị lạc đường và bó tay toàn tập khi nhận được lời chỉ dẫn thế này: "Đi thẳng, rẽ phải, có một con đường sau đó rẽ trái sang đường khác, qua hai ngõ rồi tiếp tục rẽ phải..." Sau hai tiếng mày mò, tôi phải rẽ, ngoặt, qua đường này, rồi đến đường kia mới tìm được nơi muốn đến.
Nếu mỗi con đường gắn với một cái tên như hiện nay, chắc hẳn không đến nỗi tôi lại rơi vào hoàn cảnh oái oăm như vậy. Tên đường thường gắn với các danh nhân lịch sử, nhà thơ - nhà văn, các sự kiện tầm cỡ... giúp ta hiểu thêm về lịch sử đất nước - con người Việt Nam. Thế là, phần nào tên đường giúp giảm bớt thực trạng đáng buồn: Dân ta chưa rõ sử ta.
Đặt tên đường vốn là việc làm hay song cách thực hiện của nó còn nhiều vấn đề đáng bàn cãi. Hiện nay, một thực tế khá phổ biến là việc đặt tên đường chưa hợp lí. Thế mới có chuyện: Những tên tuổi lớn của đất nước đôi khi nằm trơ trọi ở nơi không đáng thấy...
Ngược lại, có con đường trung tâm lại mang những cái tên chưa đủ tầm cỡ của nó. Tôi vẫn còn áy náy mãi về câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng lại bị bỏ mặc. Đã đến lúc, nước ta cần có một cơ quan đảm nhận việc đặt tên đường sao cho thật chuẩn xác. Bởi đơn giản, đặt tên đường là vấn đề mang tính văn hoá, giáo dục của nước nhà.
Mỗi người, mỗi sự kiện... đều có sự khác nhau. Tuyệt nhiên, không ai muốn mình bị trùng lặp với người khác cả. Ngay những con đường cũng vậy. Thật chẳng có ý nghĩa gì khi đường Hồ Chí Minh cũng giống đường Nguyễn Trãi lại tương tự đường Đống Đa... Điều cốt lõi là những người đặt tên đường phải có tiêu chí cụ thể để gắn biển.
Ví như: Đã mang tên Hồ Chí Minh, đường phải đảm bảo chất lượng tốt thế nào? Vỉa hè rộng, nhiều cây xanh ra làm sao?... Chúng ta cũng cần có những con đường mang màu sắc riêng gắn với tên gọi của nó. Chỉ một bia đá, tượng tưởng niệm, hay trồng những loài cây khác nhau như ý tưởng của thành phố hoa - Đà Lạt... Tôi tin rằng: Tên đường sẽ thêm phần có ý nghĩa. Đặc biệt, nó chấm dứt thực tế đáng phải suy nghĩ: Người dân biết đường song lại không nhớ tên đường!
Cùng với tỉnh - thành phố, các huỵên thị cũng đang ráo riết đua nhau đặt tên đường. Đi khắp nơi, tôi có cảm giác ngờ ngợ, khi thấy cách đặt tên đường mang tính khuôn mẫu. Hầu như, thành phố, huyện, thị nào cũng có những tên đường nghe đến độ quen tai như: Hùng Vương, Lý Thường Kiêt, Nguyễn Trãi... Thiết nghĩ, nếu một số huyện thị mạnh dạn lấy tên các vị lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng... ở chính địa phương đặt tên cho đường phố, có thể lại mang nhiều ý nghĩa. Không biết hay dở thế nào nhưng ít nhất nó cũng gần gũi hơn với người dân bản địa.
Đặt tên đường cần một thì việc làm đẹp tên đường lại cần mười. Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ nếu như tên các danh nhân, sự kiên lớn... lại phải nằm ở những con đường nhiều tệ nạn xã hội, rác bẩn hay xuống cấp trầm trọng... như một số đường hiện nay. Thiết nghĩ, tên đường đã là nét đẹp văn hoá thì người dân ở đường phố đó phải biết sống và đấu tranh vì văn hoá, truyền thống dân tộc.
Đặt tên đường - công việc xưa nay đã làm nhiều. Song nó đáng được nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các cấp chính quyền. Hàng ngày, hàng giờ chúng ta đã đối mặt và dần quen biết với loạn: Loạn tham nhũng, loạn thành tích...Tôi chỉ mong chúng ta không vấp phải cái loạn nhỏ nhưng lại dễ dàng làm lố bịch văn hóa nước nhà - loạn tên đường.
Trương Quang Hiệp