Đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú, tôi có được đưa mẹ đi cấp cứu ở Hà Nội?
(Dân trí) - Tôi ở Yên Bái và đang bị cấm đi khỏi nơi cơ trú, vừa tối nay mẹ tôi bệnh nên phải đi cấp cứu dưới Hà Nội. Giờ tôi muốn đi chăm mẹ mấy ngày thì có được không? phải xin phép ở những đâu?
Trả lời:
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, cấm đi khỏi nơi cư trú là một biện pháp ngăn chặn được áp dụng phổ biến nhằm ngăn chặn các mối nguy hiểm cho xã hội, ngăn chặn tội phạm tiếp tục xảy ra.
Theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự, cấm đi khỏi nơi cư trú là việc yêu cầu bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng không được đi ra khỏi nơi cư trú nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Theo đó, biện pháp ngăn chặn này được áp dụng đối với trường hợp:
- Phạm tội ít nghiêm trọng;
- Bị can, bị cáo phạm tội lần đầu nhưng đối tượng phải có nơi cư trú rõ ràng, có thái độ khai báo thành khẩn với cơ quan điều tra.
Khi áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải tiến hành lập giấy cam đoan bị can, bị cáo không đi khỏi nơi cư trú của mình và phải có mặt tại cơ quan có thẩm quyền nếu có giấy triệu tập.
Trường hợp bị can, bị cáo có lý do chính đáng để tạm thời rời khỏi nơi cư trú thì phải có sự đồng ý, xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú và phải có giấy phép của cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Ai có quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những người sau đây có quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp.
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp.
- Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Đồn trưởng Đồn biên phòng.
Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú là bao lâu?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 123 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015:
"Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù".
Theo đó, có thể thấy thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú tại mỗi giai đoạn được quy định như sau:
- Giai đoạn điều tra: Do Cơ quan điều tra quyết định nhưng không được quá thời hạn điều tra;
- Giai đoạn truy tố: Do Viện kiểm sát quyết định nhưng không được quá thời hạn truy tố;
- Giai đoạn xét xử: Do Tòa án quyết định nhưng không được quá thời hạn xét xử.
- Người bị kết án phạt tù: Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Bị cấm đi khỏi nơi cư trú có được đưa người thân đi cấp cứu ở xa?
Điểm a khoản 1 Điều 123 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 nêu rõ, người bị cấm đi khỏi nơi cư trú không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 5 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự thì:
"Trường hợp bị can, bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội quản lý họ và phải có giấy cho phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú".
Như vậy, Luật sư Tiền cho biết, theo quy định trên, trong trường hợp bạn đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, để được đưa mẹ đi lên viện ở Hà Nội điều trị bệnh cần liên hệ, xin phép chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc đơn vị quân đội quản lý để được sự đồng ý và cấp giấy phép để được tạm thời đi khỏi nơi cư trú.