"Cuộc chiến" cho sự tồn tại thực sự của môn Đạo đức
(Dân trí) - Đạo đức nhà giáo, đạo đức học sinh là một vấn đề bức xúc của ngành giáo dục trong năm 2006 và 2007. Giải quyết vấn đề này thế nào đang là một câu hỏi vô cùng khó của ngành giáo dục.
Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, nên bắt đầu công việc này từ những bài học đạo đức trong nhà trường phổ thông. Với những bài học đạo đức, cả thầy và trò sẽ trở nên trong sáng hơn.
Tuy nhiên, khi mổ xẻ đến các bài học đạo đức trong nhà trường phổ thông, đã có "ngồn ngộn" rắc rối hiện ra đến mức Sở GD - ĐT TP.HCM vừa phải đề xuất Bộ GD - ĐT viết lại sách giáo khoa môn học này. Diễn đàn Khuyến học & Dân trí xin được giới thiệu một số ý kiến về "cuộc chiến" vì sự tồn tại thực sự cho môn Đạo đức trong nhà trường phổ thông.
Giáo sư Nguyễn Chung Tú: Tương lai sẽ phải trả một giá đắt!
"Thiếu sót lớn nhất của giáo dục phổ thông hiện nay là vấn đề giáo dục đạo đức. Cần đặt nặng vấn đề giáo dục đạo đức ở bậc tiểu học và THCS. Thời của tôi, 90% hoạt động là thiên về đạo đức. Từ lớp một, học sinh đã học ráp chữ với những câu như " Không thầy đố mày làm nên", "Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"...
Bậc THCS, mỗi tuần phải có ít nhất hai giờ dạy luân lý. Đây là hai bậc học cần được đặt nền tảng đạo đức, để khi học lên nữa, các em tự xây dựng ý thức cho mình và có những hành vi tốt.
Sự thay đổi của đời sống kinh tế đã làm biến đổi một số thang giá trị. Nếu chúng ta không nhanh chóng điều chỉnh những lệch lạc trong tâm hồn, nhân cách các em bằng biện pháp hữu hiệu là xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm, tăng cường giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, lòng nhân ái... thì tương lai đất nước sẽ phải trả một giá vô cùng đắt..."
Thạc sỹ Phạm Hồng Nhung, chuyên viên Viện Kỹ thuật Bưu điện: Thời của "nén bạc đâm toạc tờ giấy"?
Tôi từng du học tại Mỹ và được biết giáo dục Mỹ cũng có một môn học bắt buộc có tên gọi Government. Môn này của Mỹ hiểu nôm na giống như môn Giáo dục Công dân (GDCD) của cấp THPT. Trong môn Government, học sinh được yêu cầu đọc báo rất nhiều để nắm bắt tình hình về chính trị, kinh tế của bang, của toàn nước Mỹ, của thế giới. Để đảm bảo, học sinh được kiểm tra hàng tuần về các bài báo đã đọc, điểm có thể coi như điểm kiểm tra miệng của Việt Nam. Thật đáng tiếc vì điều này là không hề có trong môn Giáo dục công dân và môn Đạo đức ở Việt Nam.
Thực ra việc giáo dục con trẻ về đạo lý, đạo đức và cách sống ngày nay là tuân thủ pháp luật không có gì mới mẻ ở ta vì chúng ta vẫn có câu: Tiên học lễ, hậu học văn. Song tại sao càng ngày việc dạy và học môn Đạo đức càng chểnh mảng trong nhà trường? Chắc có lẽ vì kỳ phùng địch thủ của "tiên học lễ hậu học văn" là "nén bạc đâm toạc tờ giấy" dạo này có vẻ đang ở đỉnh cao phong độ!
Nếu ngành Giáo dục không có những động thái kịp thời để xốc lại thì tôi e rằng cuộc chiến giữa "tiên học lễ hậu học văn" sẽ thua đối thủ của mình là "nén bạc đâm toạc tờ giấy" mất!
Lê Minh Hương, giáo viên trường Việt Nam - Cu Ba: Điều đáng suy nghĩ trong một tỷ lệ nghịch
- Chương trình, SGK môn Giáo dục công dân quá nặng về lý thuyết kiến thức giáo dục pháp luật, triết học cho học sinh. VD: Bài "Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế" dài tới mấy nghìn từ nhưng chỉ gói gọn trong 45 phút!
- Những bài có bài tập tình huống thì chỉ có... 10 phút dành cho học sinh thảo luận theo nhóm.
- Có quá nhiều bài học "cao siêu", vượt quá khả năng của lứa tuổi học trò như bài " Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ở lớp 7 đưa ra một loạt vấn đề lớn, những khái niệm vượt sự hiểu biết của lứa tuổi. |
Vấn đề khó khăn lớn nhất của giáo viên dạy bộ môn Đạo đức hay môn Giáo dục công dân là học sinh cho rằng đây là một môn phụ. Học thì có học nhưng trong tất cả các kỳ thi từ tốt nghiệp cho đến vào ĐH, CĐ đều không thi môn đạo đức.
Hiện nay, khi một học sinh có biểu hiện sai trái về đạo đức thì xã hội phê phán rằng bộ môn GDCD đã không hoàn thành trách nhiệm. Nhưng ít ai nghĩ rằng, vấn đề chính lại nằm trong nội dung chương trình.
Chương trình chỉ chú trọng đến những bài học tư tưởng chính trị lớn lao mà bỏ quên những điều rất đời thường - biết sống, biết tôn trọng người khác... Cách khắc phục tốt nhất là phải thay đổi phương pháp giáo dục của môn GDCD. Chương trình phải thật sự có ích cho học sinh, là một hành trang đầy đủ để các em tự tin bước vào cuộc đời.
3 lý do và 2 định hướng của Sở GD - ĐT TPHCM
Sở GD - ĐT TPHCM vừa có kiến nghị lên Bộ GD - ĐT viết lại sách giáo khoa Đạo đức trong chương trình giáo dục phổ thông. Có 3 lý do để Sở GD - ĐT TPHCM đưa ra kiến nghị này. Đó là:
1. So với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay của đất nước, cần phải có sự xem xét một cách khoa học về nội dung chương trình để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trong trường phổ thông.
2. Chương trình giáo dục đạo đức hiện nay xuyên suốt từ tiểu học cho đến THCS và THPT quá tải nhưng chưa làm rõ được các yêu cầu hình thành nhân cách, xây dựng người công dân tốt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, làm nổi bật những phẩm chất cơ bản của con người mới đáp ứng với yêu cầu xã hội...
3. Môn đạo đức chưa đạt chất lượng đồng đều trong nhà trường phổ thông hiện nay. Nội dung chương trình quá tải những kiến thức về triết học, về luật pháp nhưng lại còn thiếu những vấn đề thực hành kỹ năng sống. Tính hệ thống của chương trình cũng chưa được thể hiện rõ.
Các hướng để viết lại sách giáo khoa môn đạo đức cũng được Sở đề xuất là:
1. Phải xác định những phẩm chất cơ bản của con người mới. Phải trả lời được câu hỏi: Những phẩm chất nhân, lễ, nghĩa, trí, tín trước đây, ngày nay là gì? Trên cơ sở đó mà thiết kế chương trình từ thấp tới cao, từ chuyện kể đến thực hành (ví dụ giáo dục lòng nhân cho học sinh tiểu học là những câu chuyện kể, còn đối với học sinh bậc học cao hơn là những tình huống, cách đối xử thế nào là lòng nhân...), phân tích theo vòng tròn đồng tâm từ bậc tiểu học cho đến THCS, THPT.
2. Cách trình bày cần làm rõ các khái niệm đạo đức với pháp luật và kỹ năng sống cho người công dân mới. Điều quan trọng là chương trình phải gọn nhẹ, cơ bản là tạo điều kiện để giáo viên hướng dẫn cho học sinh thực hành, không nên sa đà quá nhiều nội dung ở mức độ thông tin theo kiểu kinh điển hàn lâm.
Đoàn Trần (thực hiện)