Cụ ông xin rút hộ nghèo, chuyện đàn dê đi lạc và bàn cân lòng tự trọng

(Dân trí) - Hơn 80 tuổi, ông cụ nghèo khó cũng viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Dù khó khăn, anh nông dân không nhận quà từ thiện vì “nhiều người còn khó khăn hơn”. Hay như gã giang hồ sau khi nhận án tử hình vẫn cố dặn vợ xoay tiền nộp phạt kẻo “chết rồi còn nợ nhà nước”.

Cụ Lang Văn Tần (83 tuổi) xin ra khỏi danh sách hộ nghèo vì không muốn kìm hãm sự phát triển của xã hội và để làm gương cho con cháu.
Cụ Lang Văn Tần (83 tuổi) xin ra khỏi danh sách hộ nghèo vì không muốn kìm hãm sự phát triển của xã hội và để làm gương cho con cháu.

Cuối năm, ở nhiều làng quê sôi sục bình xét hộ nghèo. Nhiều nhà cố “giành” lấy một suất hộ nghèo để hưởng thêm vài chế độ ưu đãi của nhà nước dù thực sự họ không nghèo đến nỗi ấy. Bất giác tôi nhớ cụ Lang Văn Tần (83 tuổi), sống đơn thân ở xã miền núi Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An. Căn nhà, mà phải gọi là căn lều mới đúng vì nó được làm bằng tre nứa với bức vách thủng lổ chỗ, không có gì đáng giá ngoài cái giường và chăn gối cũ kỹ. Do hoàn cảnh đặc biệt của cụ nên năm nào xóm cũng đưa tên cụ vào danh sách xét duyệt hộ nghèo. Năm nay cũng không ngoại lệ.

Thế nhưng khi tiểu ban xét duyệt hộ nghèo của xóm chưa kịp bình xét để gửi danh sách lên xã thì đã nhận được đơn xin ra khỏi hộ nghèo của cụ Tần. Cái lý do mà cụ đưa ra là không muốn kìm hãm sự phát triển của xã hội và để làm gương cho thế hệ con cháu. Và “bản thân tôi xét thấy cứ trông chờ vào chính sách này là không thể được”.

Tôi lại nhớ đến người cha nghèo khổ ở quê lúa Yên Thành (Nghệ An) khi từ chối chiếc xe đạp mà chương trình Hành trình nhân ái tặng cho con trai mình. Con trai anh Hà Văn Minh (xã Hồng Thành, Yên Thành, Nghệ An) bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, năm nay học lớp 9. Nhà anh Minh có khó khăn không? Chắc chắn là rất khó khăn. Nhưng tôi tin chắc anh không nghèo, ít nhất là về lòng tự trọng.

Lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của cụ ông đơn thân 83 tuổi.
Lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của cụ ông đơn thân 83 tuổi.

Người cha giàu lòng tự trọng ấy là viết đơn xin chuyển món quà là chiếc xe đạp mà chương trình Hành trình nhân ái dành cho con trai mình. Không phải vì ông chê món quà mà bởi vì “còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn”. Người cha ấy đã dạy cho con trai một bài học về lòng tự trọng, rằng dù khó khăn đến đâu, khi nhìn xuống sẽ thấy nhiều người còn khó khăn hơn mình. Và sống là hãy biết chia sẻ bởi cuộc sống là một chuỗi đền ơn tiếp nối, sống nghĩa là nhận yêu thương và cho đi yêu thương.

Tôi lại nhớ đến tử tù Phan Đình Tuấn, một gã giang hồ cộm cán thành Vinh, người vừa phải nhận bản án từ hình vì mua bán trái phép 110 bánh heroin. Chắc hẳn bạn sẽ hỏi, một gã giang hồ buôn những 110 bánh heroin - từng đó ma túy đã giết chết bao nhiêu người, đẩy bao nhiêu gia đình vào cảnh khốn cùng thì chết có gì mà phải nói.

Nhưng tôi vẫn muốn nói về Tuấn, không phải để bênh vực cho gã, mà để người ta hiểu thêm một khía cạnh rất khác của gã giang hồ này.

Cùng với bản án tử hình, Phan Đình Tuấn bị phạt hành chính 300 triệu đồng. Nếu như nhiều tử tù khác cố gắng tẩu tán tài sản để không bị kê biên hoặc chây ỳ để không phải thi hành hình phạt bổ sung thì Phan Đình Tuấn lại khác. Gã đón nhận bản án tử hình bằng sự điềm tĩnh, như thái độ “dám làm dám chịu” của một gã giang hồ biết luật chơi của mình. Trước khi dẫn về phòng biệt giam, gã cố dặn vợ “xoay" tiền mà nộp phạt nhé, đừng để chết rồi mà còn phải nợ Nhà nước”.

Người cha từ chối món quà mà chương trình từ thiện tặng cho con mình vì còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn.
Người cha "từ chối" món quà mà chương trình từ thiện tặng cho con mình vì "còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn".

Tột lại nhớ đến ông “quan xã” Vi Văn Chân (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong, Quỳ Châu, Nghệ An). Ông không nghèo, chắc hẳn là vậy vì nhà nước trả lương cho ông, mức lương ấy vượt chuẩn nghèo vừa nới rộng. Thế nhưng ông Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong này đã phù phép biến vợ mình từ một người khỏe mạnh thành một người khuyết tật vận động nặng để hàng tháng hưởng trợ cấp 270 nghìn đồng. Chưa hết, dù đã có đất đai, vườn tược, ông Chân còn tranh thủ “bao” luôn 300 mét đất nghĩa trang - chỗ vốn được dành cho người quá cố.

Tôi lại nhớ đến chuyện 12 con dê trong số 24 con dê hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế đã “đi lạc” vào chuồng nhà ông Đỗ Minh Quý - Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa). Tất nhiên sau khi bị phát hiện, số dê này đã được cấp lại cho những hộ thực sự nghèo. Ông Bí thư Huyện ủy chắc chắn cũng không nghèo và đàn dê thì cũng không thể ngẫu nhiên mà đi lạc vào chuồng của nhà ông.

Tôi lại nhớ đàn gà hơn 1.200 con đáng lẽ cấp cho các hộ nghèo xã Quế An (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đã “đi lạc” vào nhà 20 cán bộ xã này, trong đó có nhà ông Bí thư Đảng ủy, ông Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch Hội Nông dân xã. Tất nhiên, đàn gà này cũng không thông thuộc đường đi lối lại để bỗng nhiên “lạc” hết vào nhà “quan”!

Lòng tự trọng của người đàn ông đơn thân 83 tuổi, lòng tự trọng của người cha đang bạc mặt kiếm tiền chữa bệnh cho con, lòng tự trọng của một tử tù và lòng tự trọng của một số cán bộ, nếu đặt lên bàn cân, bên nào sẽ nặng hơn?

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm