Công dân đặc biệt
(Dân trí) - Vụ án về thầy hiệu trưởng ở một tỉnh miền núi phía bắc và một số quan chức mua dâm nữ sinh là một vết thương quá sâu chưa kịp hàn miệng thì vụ thầy hiệu phó ép nữ sinh lại xảy đến. Thật khó giữ được sự bình tĩnh …
Vụ việc thầy hiệu phó của một trường THPT ở thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bị tố cáo đã dụ dỗ và quan hệ với một nữ sinh một lần nữa làm bức xúc dư luận. Các bậc phụ huynh, những người quan tâm đến giáo dục thực sự lo lắng vì đạo đức học đường đang xuống cấp nghiêm trọng.
Các vụ bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh của toàn xã hội, nữ sinh lập băng nhóm thanh toán nhau như côn đồ, nam sinh dùng dao đâm chết bạn học trên đường phố. Nỗi ám ảnh đó chưa được xóa tan thì dồn dập nhiều vụ tống tình nữ sinh lại ập tới.
Vụ án về thầy hiệu trưởng ở một tỉnh miền núi phía bắc và một số quan chức mua dâm nữ sinh là một vết thương quá sâu chưa kịp hàn miệng thì vụ thầy hiệu phó ép nữ sinh lại xảy đến. Thật khó giữ được sự bình tĩnh trước những vụ việc trái ngược luân thường đạo lý như vậy.
Liên quan đến vụ thầy hiệu phó ở Vĩnh Phúc, có nhiều tình tiết cần phải làm rõ vì thầy cho rằng gia đình ép thầy viết bản tự thú, thầy có đưa nữ sinh đi hát nhưng không có quan hệ.
Việc có hay không hành vi cưỡng bức quan hệ tình dục của thầy hiệu phó và nữ sinh kia cần phải chờ đợi kết luận điều tra của các cơ quan chức năng, nhưng ở đây cần có cái nhìn nghiêm khắc về đạo đức hơn là về hành vi phạm tội.
Bởi vì, là một thầy giáo và là hiệu phó của một trường THPT, lại đưa học sinh nữ đi hát karaoke, ép uống rượu bia, người thầy như vậy có xứng đang không?
Thầy giáo đưa nữ sinh vào quán karaoke vào các buổi tối thì liệu đó trong sáng không hay chứa đựng ý đồ xấu?
Là một thầy giáo, đúng ra phải khuyên nhủ học trò tránh xa các loại vui chơi vô bổ và dễ bị sa ngã, về nhà học hành và giúp đỡ cha mẹ. Thầy hiệu phó đã không làm được như thế.
Những vụ việc như trên tuy không phố biến, nhưng có tác động xấu đối với môi trường giáo dục. Người thầy dần dần bị mất đi sự kính trọng, cha mẹ không còn niềm tin đối với nhà trường, đó là sự mát mát lớn nhất và nguy hiểm nhất.
Một xã hội mà hình ảnh của người thầy bị hoen ố, niềm tin vào giáo dục học đường bị lung lay thì thế hệ trẻ sẽ chịu nhiều thiệt thòi, nhân cách cá nhân cũng như nhân cách xã hội bị đe dọa.
Một công dân bình thường có hành vi vi phạm pháp luật thì pháp luật sẽ xử lý tùy theo mức độ phạm tội. Nhưng đối với người thầy, không phải xử lý theo pháp luật là xong, mà nó gây nhiều hệ lụy khác. Bởi vì người thầy là một công dân đặc biệt, được giao nhiệm vụ giáo dục các công dân khác. Cho nên người thầy không chỉ sống theo pháp luật mà còn vì sứ vụ giáo dục rất thiêng liêng của mình.
Lê Chân Nhân