Bạn đọc viết:

Con đường gốm sứ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long xuống cấp thảm hại

(Dân trí) - Sau hai năm khánh thành, con đường gốm sứ lung linh, huyền ảo ngày nào đã trở thành dĩ vãng trong lòng người dân Hà Nội bởi công trình đang xuống cấp với tốc độ chóng mặt.

Con đường Gốm sứ Hà Nội là một trong những công trình nghệ thuật lớn để chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Công trình này đã được tổ chức Guiness công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới.

Con đường gốm sứ đẹp lung linh khi mới khánh thành
Con đường gốm sứ đẹp lung linh khi mới khánh thành

“Trước đây, lần nào tôi đi qua tôi cũng chiêm ngưỡng vào những bức tranh trên này, nó gợi cho tôi những nét văn hóa đẹp của Thăng Long - Hà Nội. Nhưng bây giờ tôi chỉ muốn đi thật nhanh qua vì nhiều chỗ có mùi khó chịu lắm, nước ố chảy ra vỉa hè, nhiều chỗ còn bong, nứt nữa”, bà Lê Kim Hoa (Quận Long Biên) chia sẻ.

Con đường gốm sứ trải dài gần 4km đã che đi những bức tường bê tông màu xám cũ kỹ, nhưng nay nó đã xuất hiện những vết hoen ố, bong tróc, rạn nứt báo hiệu sự xuống cấp nghiêm trọng của công trình này. Nhiều vết nứt kéo dài cả chục mét làm mất đi giá trị vốn có của con đường. Mặc dù đã trải nhiều lần khắc phục sửa chữa nhưng vẫn dễ nhận ra vết chắp vá thô sơ.

Những vết nứt, hoen ố và bong tróc
Những vết nứt, hoen ố và bong tróc

Rất nhiều quán nước tận dụng chân con đường làm nơi buôn bán, kinh doanh. Họ sử dụng khoảng không gian phía trước những bức tranh gốm sứ để làm kho chứa hàng.

Thậm chí trên hoa văn của bức tường, người ta còn tận dụng làm nơi dán áp phích, tờ rơi để quang cáo cho muôn loại dịch vụ.
 
Nhiều điểm bị đóng cọc sắt từ gây mất mỹ quan
Nhiều điểm bị đóng cọc sắt từ gây mất mỹ quan

Giữa những chân cột đèn cao áp hay trạm dừng xe bus tiếp giáp với tranh gốm sứ trên tường đã biến thành nhà vệ sinh công cộng cho nhiều vị khách qua đường. Những điểm này bốc lên mùi khai nồng nặc. Trước đây, rất đông du khách đến tham quan, vãn cảnh và chụp ảnh lưu niệm thì nay rất hiếm để bắt gặp những cảnh này.

Nguyễn Văn Cảnh, sinh viên trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Tôi thường xuyên đợi xe bus trên con đường này, trước thì thấy nhiều khách du lịch đến chụp ảnh, ngắm nghía lắm nhưng nay họa hoằn mới thấy một vài người. Tôi chỉ thấy họ đứng lại một chút rồi đi ngay”.

Khách qua đường coi con đường này là nơi “phóng uế”
Khách qua đường coi con đường này là nơi “phóng uế”

Như vậy, dù rất có giá trị về văn hóa lịch sử, nhưng sức hấp dẫn của con đường gốm sứ ngày càng giảm đi bởi sự thiếu ý thức, trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn của tất cả mọi người.

Bài và ảnh: Vũ Thúy - Trần Hằng