Tiêu điểm:

Coi chừng hiệu lực trên giấy

Từ 1/9, Nghị định 73/2010 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội (thay thế Nghị định 150/2005) sẽ có hiệu lực, nhiều vi phạm được điều chỉnh hình phạt tăng gấp đôi so với trước.

Đối với hành vi ảnh hưởng đến việc giữ vệ sinh môi trường như đổ rác hoặc bất cứ vật gì vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng sẽ bị phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng.                

Hành vi vứt rác, xác động vật nơi công cộng, chỗ có vòi nước, ao, giếng nước ăn; tự ý đốt chất thải nguy hiểm nơi công cộng chịu mức phạt tương tự. Đối với các vi phạm trật tự công cộng như có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; hành vi gây mất trật tự nơi công cộng; thả trâu, bò, ngựa, chó hoặc động vật khác trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng cũng tăng lên từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Tuy nhiên, quy định của pháp luật thì phải rõ rằng, không thể định tính. "Lời nói thô bạo", "trêu ghẹo người khác", "xúc phạm danh dự" quả thật rất khó định lượng. Thế nào là trêu ghẹo, thế nào là thô bạo hay xúc phạm danh dự thì phải đặt trong tình huống cụ thể, đôi khi chỉ có hai đối tượng giao tiếp mới cảm nhận được. Chưa kể, lời nói gió bay, người vi phạm có thể chối một câu, một chữ là câu chuyện hoàn toàn khác.

Cũng từ 1/9, Nghị định 75 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa cũng quy định việc đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử văn hóa và nơi công cộng khác có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đã có nhiều ý kiễn, diễn đàn bàn về hành vi này và chỉ ra những tác động tiêu cực của nó như khuyến khích mê tín dị đoan, làm ô nhiễm môi trường, dễ gây ra hỏa hoạn và đặc biệt là rất lãng phí, mỗi năm người dân chi ra hàng chục tỉ đồng mua về để đốt thành tro bụi. Vì thế, việc ban hành quy định để hạn chế việc đốt vàng mã cũng là cần thiết.

Ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hành vi của người dân, hỗ trợ chính quyền quản lý xã hội được tốt hơn và xây dựng đất nước văn minh hơn là  việc cần làm, nhưng nếu các quy định đó không thực sự đi vào cuộc sống thì trở thành không có giá trị. Ví dụ đối với các quy định trên, câu hỏi đầu tiên là lực lượng nào để kiểm tra và xử phạt, liệu có xử phạt được hay không và nếu người dân không chấp hành thì cưỡng chế bằng cách nào?

Chính phủ đã có quy định xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng gần một năm qua, chưa có thông tin xử phạt bất kỳ ai, người hút thuốc lá nơi công cộng vẫn rất nhiều. Vậy thì quy định để làm gì? Và coi chừng, Nghi định 73 và Nghị định 75 cũng chỉ có hiệu lực trên giấy.

Lê Chân Nhân