Chuyện vợ chồng giai đoạn "ông bà anh yêu nhau thời chưa có ti vi"

Khả Vân

(Dân trí) - Giai đoạn "ông bà anh yêu nhau thời chưa có tivi" khi kết hôn, chỉ cần về ở với nhau hoặc tổ chức đám cưới trước sự chứng kiến của họ hàng hai bên là thành vợ, thành chồng.

Bài hát "ông bà anh yêu nhau thời chưa có tivi" đã là bài hit chiếm sóng, khuynh đảo thị trường âm nhạc một thời gian dài bởi sự chân thành, đơn giản của tình yêu thủa xa xưa. Cũng chính từ sự đơn giản này mà các quan hệ hôn nhân của "ông bà anh" thời ấy thường không có việc đăng ký kết hôn.

"Ông bà anh" chỉ cần về ở với nhau hoặc tổ chức đám cưới trước sự chứng kiến của họ hàng hai bên là thành vợ, thành chồng.

Chuyện vợ chồng giai đoạn ông bà anh yêu nhau thời chưa có ti vi - 1

"Ông bà anh yêu nhau thời chưa có ti vi" (Ảnh: Kim Ơi).

Ở góc độ Pháp luật, từ khi Luật Hôn nhân gia đình năm 1959 có hiệu lực ngày 13/01/1960 quy định: "Việc kết hôn phải được Ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của bên người con trai hoặc bên người con gái công nhận và ghi vào sổ kết hôn. Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị về mặt pháp luật" thì việc không đăng ký kết hôn theo thủ tục hành chính là hành vi vi phạm quy định hình thức về việc kết hôn.

Tuy nhiên, theo Luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội, do những yếu tố lịch sử như chiến tranh, khó khăn trong việc thiết lập hệ thống hộ tịch trong phạm vi cả nước, nhận thức hạn chế của người dân mà Pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực hôn nhân gia đình quy định, việc vi phạm điều kiện đăng ký kết hôn tùy vào từng mốc thời gian sẽ dẫn tới hệ quả pháp luật cộng nhận mối quan hệ hôn nhân đó là hợp pháp hay không.

Giai đoạn trước khi có Luật hôn nhân gia đình

Mốc thời gian là trước ngày 13/01/1960 đối với miền Bắc, trước ngày 25/03/1977 đối với miền Nam. Đây là giai đoạn chưa có, chưa áp dụng pháp luật về hôn nhân gia đình của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Do chưa có pháp luật của về hôn nhân gia đình của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên các quan hệ hôn nhân thời kỳ này không chịu sự điều chỉnh bởi quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 1959. Các quan hệ hôn nhân không đăng ký, không tổ chức đám cưới, nhiều vợ, nhiều chồng, kết hôn, kết hôn trong phạm vi ba đời… vẫn được pháp luật sau này công nhận là hôn nhân hợp pháp.

Các quyền nghĩa vụ về tài sản: tài sản chung, tài sản riêng, phân chia tài sản; quyền nhân thân: ly hôn, quyền nuôi con, cấp dưỡng được tòa án giải quyết trên cơ sở xác định công nhận quan hệ hôn nhân hợp pháp và áp dụng pháp luật tại thời điểm vụ việc tranh chấp được tòa án thụ lý, giải quyết.

Giai đoạn có Luật hôn nhân gia đình năm 1959, năm 1986, 2000, 2014

Giai đoạn này gồm các mốc thời gian:

Thứ nhất: Thời kỳ hôn nhân thực tế diễn ra

Mốc thời gian là từ ngày 13/01/1960 đối với miền Bắc, từ ngày 25/03/1977 đối với miền Nam (ngày Luật hôn nhân gia đình năm 1959 có hiệu lực) đến trước ngày 03/01/1987 (ngày 03/01/1987 là ngày Luật hôn nhân gia đình năm 1986 có hiệu lực).

Các văn bản pháp luật giai đoạn này sử dụng từ "Hôn nhân thực tế" để chỉ quan hệ hôn nhân có vi phạm về điều kiện hình thức đăng ký kết hôn.

Để được công nhận là "Hôn nhân thực tế" gồm các điều kiện: 1) Quan hệ hôn nhân được xác lập nhưng không được đăng ký kết hôn hợp pháp tại cơ quan có thẩm quyền; 2) Quan hệ hôn nhân phải tuân thủ điều kiện kết hôn, không vi phạm điều cấm; 3) Hai bên đã chung sống hàng chục năm có tài sản chung hoặc con cái chung.

Pháp luật chỉ khuyến khích họ đăng ký kết hôn. Nếu họ không đăng ký kết hôn nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện về nội dung như trên thì Pháp luật vẫn công nhận họ là vợ chồng hợp pháp.

Thời điểm công nhận quan hệ vợ chồng hợp pháp với các trường hợp này được tính từ ngày họ bắt đầu xác lập quan hệ chung sống. Việc áp dụng pháp luật hôn nhân gia đình tương ứng với thời điểm xảy ra các mối quan hệ, giao dịch nhân thân, tài sản.

Các điều kiện này được xác định dựa trên các văn bản pháp lý sau:

Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20-1-1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình có hướng dẫn rằng việc kết hôn không đăng ký có vi phạm về thủ tục kết hôn nhưng không coi là việc kết hôn trái pháp luật; nếu có một hoặc hai bên xin li hôn, thì Tòa án xử như việc xin li hôn theo Điều 40.

Kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị tổng kết công tác Tòa án năm 1995 có hướng dẫn những cặp chung sống với nhau không đăng ký đã chung sống hàng chục năm có tài sản chung hoặc con cái chung thì có thể coi là hôn nhân thực tế.

Sau này tại Văn bản số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của Tòa án nhân dân tối cao "Gỉai đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1998" sử dụng từ "Hôn nhân thực tế" để chỉ quan hệ vợ chồng có vi phạm về điều kiện hình thực đăng ký kết hôn.

Chuyện vợ chồng giai đoạn ông bà anh yêu nhau thời chưa có ti vi - 2

Các văn bản pháp luật giai đoạn này sử dụng từ "Hôn nhân thực tế" để chỉ quan hệ hôn nhân có vi phạm về điều kiện hình thức đăng ký kết hôn.

Đến ngày 09/06/2000, tại Nghị Quyết số 35/2000/NQ-QH 10 của Quốc Hội về việc thi hành luật Hôn nhân gia đình năm 2000 có nêu: "Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000";

Tuy vậy, hiện nay vẫn còn tồn tại cách hiểu: cứ chung sống như vợ chồng với nhau trước ngày 03/01/1987 thì được công nhân là "Hôn nhân thực tế" là vợ chồng hợp pháp mà không kèm điều kiện gì khác. Pháp luật không buộc mà chỉ khuyến khích những người này đi đăng ký kết hôn, nên dù không đăng ký, có vi phạm gì về điều kiện kết hôn thì thực chất họ vẫn có mối quan hệ vợ chồng.

Cách hiểu này là không chuẩn xác bởi lẽ các văn bản được nêu trên chỉ điều chỉnh, xử lý cho các trường hợp sống chung như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà vi phạm điều kiện về mặt hình thức không kết hôn. Các văn bản này không có nội dung, thẩm quyền điều chỉnh về nội dung điều kiện kết hôn.

Khi Luật hôn nhân gia đình năm 1959 có hiệu lực, chỉ có trường hợp cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trước giải phóng lấy vợ hai mới không phải tuân thủ điều kiện kết hôn. Còn mọi trường hợp kết hôn khác từ giai đoạn này đều phải tuân thủ điều kiện kết hôn.

Từ khi có Luật hôn nhân gia đình năm 1959 hôn nhân thực tế vi phạm điều kiện kết hôn được coi là hợp pháp phải thỏa mãn điều kiện kết hôn, không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Đến đây có thể xác định Hôn nhân thực tế là quan hệ hôn nhân được xác lập giữa hai người, có đủ điều kiện kết hôn, không vi phạm điều cấm của pháp luật, chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.

Thứ hai: Thời kỳ nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng diễn ra từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001.

Tại điểm b, khoản 3, Nghị Quyết số 35/NQ-QH10 về việc thi hành Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định: "Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết. Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng".

Tại giai đoạn này các văn bản pháp luật sử dụng từ "Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng " để chỉ quan hôn nhân có vi phạm về điều kiện hình thức đăng ký kết hôn.

Để được công nhận là "Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng " gồm các điều kiện: 1) Quan hệ hôn nhân được xác lập nhưng không được đăng ký kết hôn hợp pháp tại cơ quan có thẩm quyền; 2) Quan hệ hôn nhân phải tuân thủ điều kiện kết hôn, không vi phạm điều cấm; 3) Thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận; Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Pháp luật chỉ công nhận họ là vợ chồng khi họ vẫn vi phạm điều kiện về hình thức không đăng ký kết hôn trong thời gian từ ngày 01/01/2001 đến ngày 01/01/2003. Còn nếu sau ngày 01/01/2003 họ vẫn không đi đăng ký kết hôn, còn vi phạm điều kiện về hình thức thì Pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.

Thứ ba: Thời kỳ nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng diễn kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở về sau.

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm nêu trên, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Đặc thù của quan hệ hôn nhân là diễn ra trong thời gian rất dài, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật liên quan. Các hệ quả pháp lý đối với các quan hệ này đến nay vẫn còn giá trị và thậm chí mới phát sinh. Việc tìm hiểu xác định quan hệ hôn nhân hợp pháp có ý nghĩa quan trọng để xác định quyền, nghĩa vụ hợp pháp về tài sản, nhân thân của các cá nhân có liên quan trong các quan hệ hôn nhân vi phạm điều kiện không đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.