Cho phép nổ súng trong trường hợp đặc biệt là rất cần thiết

Chúng ta cần phải tách bạch việc ngăn chặn khả năng người thi hành công vụ lạm dụng quyền hành của mình và việc phải duy trì những biện pháp cần thiết và hữu hiệu để những người này thay mặt nhà nước, thay mặt nhân dân đấu tranh chống tội phạm.

Cho phép người thi hành công vụ được phép nổ súng trong một số trường hợp đặc biệt là một trong những biện pháp cứng rắn cần thiết đó, Ths, luật sư Trịnh Văn Quyết, TGĐ công ty Luật SMiC nói.

Vậy có nghĩa ông hoàn toàn ủng hộ việc dự thảo Nghị định quy định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ trong đó có quy định công an được bắn vào người chống hành công vụ?

Qua theo dõi tranh luận của mọi người, tôi thấy ai cũng có lý lẽ của mình cả. Những người phản đối nêu lên quan ngại về khả năng lạm dụng của người thi hành công vụ gây thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của người vi phạm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng khi đưa ra đề xuất nào đó thì chúng ta phải xem xét tới đòi hỏi thực tế của nó. Tình hình hiện tại cho thấy số vụ chống người thi hành pháp luật diễn ra ngày càng nhiều, với tính chất rất nguy hiểm. Đã có nhiều chiến sỹ cảnh sát phải hy sinh vì không có đủ công cụ hữu hiệu và quyền hành cần thiết để bảo vệ chính mình và người xung quanh. Rất nhiều người xung quanh vì thế đã bị thương vong khi hành vi nguy hiểm của người vi phạm không được ngăn chặn kịp thời. Xét trong bối cảnh đó, tôi cho rằng chúng ta cần phải ủng hộ đề xuất trên của Bộ Công an.

Ths, luật sư Trịnh Văn Quyết
Ths, luật sư Trịnh Văn Quyết

Chúng ta cần phải tách bạch việc ngăn chặn khả năng người thi hành công vụ lạm dụng quyền hành của mình và việc phải duy trì những biện pháp cần thiết và hữu hiệu để những người này thay mặt nhà nước, thay mặt nhân dân đấu tranh chống tội phạm. Cho phép người thi hành công vụ được phép nổ súng trong một số trường hợp đặc biệt là một trong những biện pháp cứng rắn cần thiết đó.

Tuy nhiên, đây là một nội dung mới, khá nhạy cảm vì hậu quả áp dụng có thể làm người vi phạm bị thương, thậm chí bị tước đoạt tính mạng. Cơ quan soạn thảo nên lấy ý kiến thật rộng rãi trong nhân dân và xem xét rất kỹ về tính hợp hiến, hợp pháp và đặc biệt là phải chỉnh sửa làm sao điều luật phải thật rõ ràng tránh bị lạm dụng trước khi chính thức trình Chính phủ ban hành.

Xin ông nói rõ hơn về những yếu tố mà cơ quan soạn thảo cần xem xét khi trình Chính phủ thông qua đề xuất này?

Tôi xin bàn tới hai nhóm yếu tố.

Thứ nhất là phải xem xét đến tính hợp hiến, hợp pháp của đề xuất. Một quy định mà không phù hợp với Hiến pháp và các văn bản luật hiện hành chắc chắn sẽ bị phản đối kịch liệt.

Điều 71 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe”. Mặc dù việc pháp luật cho phép người thi hành công vụ - người nhân danh và đại diện cho nhà nước – sử dụng những biện pháp nhất định ngăn chặn tội phạm là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân nói chung, việc quy định lỏng lẻo về những trường hợp cho phép người thi hành công vụ nổ súng lại có thể xâm hại đến sức khỏe và tính mạng của người dân, tạo ra tâm lý bất an trong nhân dân. Xét ở chừng mực nào đó thì sẽ có người lý luận đề xuất này đã xâm phạm tới quyền hiến định của công dân.

Điều 15 và Điều 16 của Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi năm 2009 đã quy định hai trường hợp cho phép người khác, bao gồm cả người thi hành công vụ áp dụng những biện pháp phòng vệ chính đáng, và biện pháp ngăn chặn thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì những người này phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cùng trên tinh thần đó, Điều 22 Pháp lệnh số 16/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định người thi hành công vụ chỉ được nổ súng trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết; chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.

Tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc quy định trường hợp được phép nổ súng trực tiếp theo hướng này.

Thứ hai là phải chính sửa làm sao quy định thật rõ ràng trường hợp nào thì được nổ súng.

Dự thảo Nghị định cần quy định rõ hơn chống người thi hành công vụ ở mức độ nào thì được áp dụng “công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật” và ở mức độ nào thì được “nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm”. Rõ ràng định nghĩa về “chống người thi hành công vụ” nêu tại Khoản 2 Điều 3 của Dự thảo Nghị định và bản thân quy định tại Khoản 2 Điều 18 như bạn vừa trích dẫn là đang rất rộng.

Chúng ta hãy thử cùng phân tích quy định tại Khoản 2 Điều 18. Với dự thảo hiện tại, người thi hành công vụ chỉ cần có “căn cứ thực tế” cho thấy “có dấu hiệu của tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” thì đã được “nổ súng trực tiếp” vào người có hành vi chống người thi hành công vụ rồi. Quy định này có phần chưa rõ ràng, phạm vi rộng và để tạo sự chủ quan cho người thi hành công vụ.

Theo tôi, Dự thảo Nghị định nên được xây dựng theo hướng đấu tranh, ngăn chặn nhằm trấn áp tại chỗ chứ không phải là thông qua các biện pháp này mà xử lý người chống người thi hành công vụ. Càng quy định rõ các trường hợp được phép nổ súng thì càng tránh được khả năng lạm dụng.
 
Thời gian qua đã có nhiều ý kiến tranh luận về dự thảo Nghị định quy định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ do Bộ Công an đề xuất. Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo này là quy định tại Khoản 2 Điều 18, cụ thể như sau: “Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ”.
Theo Anh Phương
Pháp luật Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm