Chia tài sản thừa kế là chứng khoán như thế nào?
(Dân trí) - Người thân trong gia đình tôi có tham gia đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, hiện tại người đó chết và không để lại di chúc, vậy tôi cần làm gì để được thừa kế loại tài sản này?
Trả lời
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết: Chứng khoán là một loại tài sản, người sở hữu chứng khoán khi chết không lập di chúc để lại cho người thừa kế thì chứng khoán sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
Những người được hưởng di sản thừa kế, phần di sản thừa kế của từng người được hưởng sẽ xác định theo điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trình tự, thủ tục khai nhận thừa kế chứng khoán bao gồm các bước cơ bản sau:
Bước 1: Người nhận thừa kế cần đến Công ty chứng khoán - nơi người để lại di sản mở tài khoản chứng khoán để yêu cầu cung cấp xác nhận số dư tài khoản giao dịch. Người nhận thừa kế cần cung cấp giấy chứng tử của người chết, giấy tờ tùy thân, giấy tờ thể hiện mối quan hệ nhân thân với người để lại di sản như Giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh.
Công ty Chứng khoán sẽ cung cấp cho người thừa kế Văn bản xác nhận số dư trong tài khoản chứng khoán của người để lại di sản.
Bước 2: Các đồng thừa kế mang theo giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản, giấy xác nhận số dư tài khoản, giấy chứng tử của người chết đến Văn phòng công chứng để làm thủ tục.
Văn phòng công chứng sẽ tiến hành lập văn bản Niêm yết di sản thừa kế, thực hiện niêm yết văn bản thừa kế này tại UBND cấp xã, phường, thị trấn trong thời hạn 15 ngày. Hết thời gian trên mà không ai có ý kiến gì về bỏ sót người hưởng di sản thì UBND phường sẽ đóng dấu xác nhận hoàn thành việc niêm yết. Sau đó Văn phòng công chứng sẽ lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Dựa trên văn bản này, người được nhận di sản thừa kế liên hệ với cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế Thu nhập cá nhân (TNCN). Cách tính thuế như sau: TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x thuế suất 10%. Trong đó thuế nhập tính thuế từ thừa kế là phần giá trị tài sản nhận thừa kế vượt trên 10 triệu đồng mỗi lần nhận.
Khi nộp xong thuế, cơ quan thuế sẽ cấp Biên lai nộp thuế cho người nhận thừa kế.
Bước 3: Người thừa kế nộp văn bản khai nhận di sản thừa kế, Biên lai nộp thuế, giấy tờ tùy thân đến Công ty nơi mở tài khoản chứng khoán. Thực hiện kê khai thông tin, mở tài khoản chứng khoán và tiếp nhận phần chứng khoán được thừa kế.
Trên đây là những trình tự thủ tục cơ bản để bạn thực hiện việc khai nhận, phân chia di sản thừa kế đối với chứng khoán. Mong rằng những thông tin này thực sự hữu ích đối với thắc mắc của bạn.