Chàng thanh niên có 15 tỷ đồng cùng 3 "yêu sách" trước kết hôn: Anh là ai?
(Dân trí) - Mình là nam 30 tuổi, có tài sản bao gồm bất động sản và công ty riêng trị giá trên 15 tỷ đồng. Mình sắp kết hôn và muốn lập hợp đồng tiền hôn nhân với các yêu cầu sau.
- Cả 2 độc lập tài chính và mình không muốn mất một đồng nào cho vợ nếu ly hôn.
- Mình muốn giành toàn bộ quyền nuôi con nếu ly hôn.
- Cài các điều khoản làm sao cho nếu mình có ngoại tình hay phạm lỗi gì cũng không ảnh hưởng đến tài sản và quyền lợi.
Mong được các bạn tư vấn và hỗ trợ mình nếu ai làm được nhé.
Trên đây là nội dung bài viết tìm luật sư hỗ trợ cho nhu cầu cá nhân của một người dùng mạng xã hội. Bài viết hiện đang được chia sẻ rộng rãi và thu hút nhiều lượt bình luận của cư dân mạng, trong đó đại đa số đều cho rằng "yêu sách" mà người đàn ông này đưa ra là không thể chấp nhận được vì thể hiện sự coi thường với người bạn đời tương lai của mình.
"Trao gửi cả cuộc đời và cả hạnh phúc cho người ta, thì thực sự vài tỷ thậm chí vài chục tỷ cũng không hẳn là gì đâu. Đúng là không có tiền thì không sống được đấy nhưng không phải lúc nào cũng sống vì tiền. Sống mà không trung thực, còn tính chuyện ngoại tình mà không bị bắt lỗi, rồi đề phòng trước sau thì mời anh ở một mình cho xong đi ạ", một tài khoản lên tiếng.
"Có suy nghĩ ích kỷ và không tin tưởng vào hôn nhân thì đừng lấy vợ, sinh con đẻ cái làm gì cho khổ họ ra. Làm như phụ nữ bầu bí sinh đẻ dễ dàng và không thiệt thòi gì hay sao mà anh đòi ôm hết quyền lợi vào mình, đẩy khó khăn cho người khác thế?".
"Anh đưa ra những yêu sách rất chặt chẽ và có lợi cho bản thân nhưng vẫn còn sơ hở đấy. Giành toàn bộ quyền nuôi con nhưng con ai anh không quan trọng đúng không ạ?", một ý kiến hài hước được đưa ra.
Đại đa số đều không đồng tình với "yêu sách" thứ 2 và 3, nhưng điều số 1 lại được nhiều người cho rằng đó là việc có lý và nên làm. "Có 15 tỷ chưa là gì ở xã hội này, nhưng mà tầm 30 tuổi có trên 15 tỷ thì cũng hơn bao người rồi đó. Tôi chả bênh vị hảo hán kia đâu nhưng điều đó là thực tại rồi, giờ giả dụ bạn 30 tuổi, gây dựng cả cơ đồ được trên 15 tỷ xong có chồng và ly hôn, mất một khối tài sản mà mình tự gây dựng cho người khác thì bạn nghĩ sao? Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra được: chồng lừa vợ, vợ lừa chồng không phải ít đâu, nợ nần rồi bắt đối tác trả nhiều lắm, vì vậy người này suy xét vấn đề tài chính trước hôn nhân là hoàn toàn có lý. Việc thật người thật từ cuộc sống xung quanh với trên báo đầy, không biết bảo vệ bản thân chỉ có thiệt thôi. Cuộc sống hôn nhân nó đầy rủi ro chứ không phải như ngôn tình anh em hạnh phúc bên nhau trọn đời đâu".
Từ đó, câu chuyện nên hay không lập hợp đồng tiền hôn nhân được nhiều người đưa ra bàn luận.
"Muốn vợ chồng bền vững, hãy có thỏa thuận tiền hôn nhân"
Đó là quan điểm của chị Trần Thị Thanh Nga, một cán bộ chiến lược của tổ chức phi chính phủ UNFPA tại Việt Nam.
Chị Nga cho biết, vợ chồng chị cũng có những thỏa thuận tiền hôn nhân. Ví dụ như nhà của hai người ra sao, những tài sản chung thì như thế nào, con chung ra sao,... Thậm chí cả mèo chung cũng cần được giải quyết ra sao nếu hai đứa không còn ở bên nhau.
"Tình yêu thật sự thiêng liêng và không nên để những tranh cãi vật chất làm hỏng đi sự thiêng liêng đó. Chính vì thế, mình cần thỏa thuận trước để tránh tranh cãi", chị Nga chia sẻ.
Từng công tác tại một số quốc gia phát triển trong thời gian dài, chị Nga chia sẻ, hợp đồng tiền hôn nhân thường được các tỷ phú, người nổi tiếng hay giới nhà giàu sử dụng nhằm bảo vệ tài sản trước những biến cố không lường trước. Quy định của hợp đồng này khá rộng và đa dạng, nhưng thường tập trung vào hai vấn đề chính là chia tài sản và tiền trợ cấp sau ly hôn.
Ngoài hợp đồng tiền hôn nhân, các cặp vợ chồng cũng có thể xây dựng hợp đồng phân chia và bảo vệ tài sản sau hôn nhân. Loại hợp đồng này có mục đích tương tự như hợp đồng tiền hôn nhân nhưng được ký sau khi hai vợ chồng đã kết hôn.
Theo chị Nga, các cặp vợ chồng trẻ thường không chú ý đến hợp đồng tiền hôn nhân khi họ vẫn chưa có khối tài sản đủ lớn. Hậu quả là vấn đề nảy sinh khi thu nhập của gia đình tăng lên và cặp vợ chồng này quyết định ly hôn. Những tranh chấp tài sản sẽ phát sinh và rất khó để phân chia ai đúng, ai sai hay tài sản nào nên thuộc về người nào.
Việc ký trước hợp đồng tiền hôn nhân sẽ bảo vệ tài sản cũng như quy định vợ chồng sẽ nhận được gì nếu ly hôn, hoặc tiền trợ cấp là bao nhiêu. Thỏa thuận này không chỉ bảo vệ tài sản chính đáng cho mỗi bên mà còn giúp phân chia rõ ràng quyền lợi của vợ chồng sau khi chấm dứt hôn nhân.
Các tỷ phú phương Tây thường phân chia khá rõ ràng giữa kinh doanh và tình cảm. Bên cạnh đó, những nhà tư vấn luật pháp của họ cũng thường khuyến nghị cặp đôi ký hợp đồng tiền hôn nhân trước khi cưới. Thậm chí, điều này dường như đã trở thành điều hiển nhiên trong các cuộc hôn nhân tầm cỡ, ví dụ trong cuộc hôn nhân với con gái của một tỷ phú, Brooklyn Beckham cũng đã được yêu cầu phải ký hợp đồng tiền hôn nhân; hay như cựu tổng thống Donal Trumph, tuy đã trải qua hai lần đổ vỡ nhưng việc ly hôn với hai người vợ cũ của ông lại trôi qua nhẹ nhàng, ít tổn thất, hạn chế tranh cãi nhờ vào việc lập hợp đồng tiền hôn nhân.
Để toàn quyền giành nuôi con khi ly hôn, phải có đủ 4 yếu tố
Luật sư Vũ Văn Tiến - Công ty Luật Olympic cho biết, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định về nguyên tắc và điều kiện để dành quyền nuôi con khi ly hôn hoặc sau khi ly hôn như sau:
Thứ nhất: Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con;
Thứ hai: Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con (tức Tòa án phải hỏi ý kiến của con);
Thứ ba: Khi ly hôn hoặc sau khi ly hôn cha mẹ có quyền thỏa thuận người trực tiếp nuôi con hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con;
Thứ tư: Trường hợp cha mẹ không thỏa thuận được, thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt tốt nhất cho con. Theo đó, các điều kiện nuôi con sẽ dựa vào 02 điều kiện mà cha mẹ phải chứng minh như sau:
+ Điều kiện về vật chất: Ăn uống, chỗ ở, điều kiện sinh hoạt, học tập,… mà mỗi bên có thể dành cho con. Tòa án thường căn cứ vào thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ để xác định việc này. Nên người giành quyền nuôi con phải cung cấp chứng cứ cho Tòa án để chứng minh;
+ Điều kiện về thời gian và tinh thần: Dành thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, sự hi sinh vì con. Tòa án thường căn cứ vào nhân cách đạo đức, học vấn, công việc, thời gian và cách thức quan tâm, dạy dỗ con cái của cha mẹ. Người dành quyền nuôi con phải chứng minh thông qua người làm chứng, ý kiến của nhà trường, ý kiến của cơ sở y tế,…;