Cần coi trọng phát triển kỹ năng cho người học

Xu hướng giáo dục trên thế giới hiện nay, đặc biệt ở các nước phát triển về giáo dục như Canada, Thụy sĩ, Pháp, Bỉ,…đều nhằm phát triển kỹ năng của người học chứ không còn dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức.

Nói cách khác, họ chú trong đến cái mà người học có thể làm được với cái mà người học biết chứ không còn dừng lại ở việc « lập lại » kiến thức bằng cách học thuộc lòng. Vậy vì sao phải tập trung phát triển kỹ năng của người học ? Vì trước hết kỹ năng chính là bội số chung giữa môi trường giáo dục và môi trường lao động hay nói đúng hơn kỹ năng chính là yêu cầu của xã hội đặt ra đối với giáo dục.

Vậy kỹ năng là gì mà lại trở thành mục tiêu sư phạm nhắm đến trong hầu hết các cấp giáo dục của các nước tiên tiến ?

Theo De Ketele (2006), kỹ năng chính là khả năng xác định, kết hợphuy động hợp lý các nguồn nội lực (kiến thức, kỹ năng thực hiện, kỹ năng sống (thái độ ứng xử, giao tiếp, kỹ năng trưởng thành) và ngoại lực (thông tin trên internet, tài liệu, dụng cụ, con người,…) của một cá thể để giải quyết thành công tổ hợp tình huống-vấn đề haynhiệm vụ phức hợp.  

Định nghĩa trên cho ta thấy « kiến thức » không còn là mục tiêu cuối cùng nhắm đến trong giáo dục (thể hiện qua hiểu biết) mà nó trở thành nguồn lực để người học huy động vào để giải quyết thành công vấn đề trong một tình huống mà họ phải đối mặt (=kỹ năng). Và người học hình thành kỹ năng khi và chỉ khi :

 -  Được đối đầu với những tình huống-vấn đề hay những nhiệm vụ phức hợp và trong một hoàn cảnh vừa bị hạn chế vừa có được nguồn lực (kiến thức, kỹ năng, cách cư xử, khả năng thay đổi) ;

- Có khả năng huy động (xác định, kích hoạt, kết hợp) một cách hợp lý các nguồn lực phù hợp để giải quyết loại vấn đề đó hay hoàn thành loại nhiệm vụ đó ;

- Đảm bảo ý niệm về chất lượng của quá trình thực hiện và các mục tiêu của kỹ năng.

Cũng từ khái niệm trên đã xuất hiện thêm một khái niệm nữa là tình huống vấn đề. Tình huống vấn đề hay còn gọi là tình huống học tập và tình huống hòa nhập. Nó là một nhiệm vụ phức hợp mà học sinh gặp trong môi trường lao động được giáo viên đề xuất cho người học để phát triển hay để cấu trúc một hay những kiến thức, kỹ năng làm, kỹ năng sống và các kỹ năng khác. Vì thế hiện nay, một công đoạn không thể thiếu trong quy trình đào tạo của hầu hết các trường, các trung tâm đào tạo thuộc hệ thống giáo dục châu Âu là soạn thảo các tình huống học tập và hòa nhập này để phát triển kỹ năng của người học.  

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Xin lấy ví dụ về một tình huống cho bài giảng « Phân tích và phân vùng ổ đĩa cho một máy vi tính xác định » của môn tin học bậc cao đẳng bằng cách so sánh với dạng bài tập trong phương pháp truyền thống để chúng ta thấy được vai trò và ý nghĩa của tình huống vấn đề này là gì.

Theo cách tiếp cận của phương pháp truyền thống:

« Em hãy phân vùng ổ đĩa C cho trước thành nhiều ổ đĩa trong một máy tính bằng cách sử dụng phần mềm…X, Y, Z».

Để giải quyết được nhiệm vụ này, người học trước hết được học lý thuyết về ổ đĩa, dữ liệu, phần mềm phân vùng,..được giáo viên hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện và sau đó thực hiện các thao tác trên máy.  Người học được xem như một cá thể thụ động và chỉ cần lắng nghe, ghi nhớ và lập lại những thao tác của thầy để thực hiện thành công nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên trên thực tế, dù các em có thực hiện được những thao tác bằng cách sử dụng các phần mềm đi chăng nữa thì các em vẫn lúng túng khi phải đối mặt với loại nhiệm vụ này trong công việc sau này bởi lẽ nó không có điều kiện, không có ngữ cảnh (tách biệt với thế giới bên ngoài) vì thế các em thậm chí không biết bắt đầu từ đâu mà còn có thể gây ra những sai lầm với khách hàng như làm mất dữ liệu, mất dung lượng ổ đĩa,…cũng vì thế các em sẽ trở nên thụ động và khó thích nghi với công việc sau này.

Và tình huống học tập nhằm phát  triển kỹ năng:

« Bạn là kỹ thuật viên tin học trong một công ty chuyên sửa chữa và cung cấp máy tính và bạn phụ trách thực hiện phân vùng ổ đĩa cho một khách hàng với điều kiện là không làm mất dữ liệu.

Trên ổ đĩa của khách hàng chỉ có một phân vùng C với dung lượng là 120G, khách hàng yêu cầu chia thành 3 phân vùng C, D và E bằng nhau mà vẫn đảm bảo toàn vẹn dữ liệu ».

Để giải quyết được tình huống này, người học:

-         Với tư cách là kỹ thuật viên tin học, người học được tổ chức làm việc theo nhóm và các nhóm đặt câu hỏi làm sáng tỏ yêu cầu (dung lượng của các phân vùng, tầm quan trọng của dữ liệu, nơi lưu dữ liệu, thời gian thực hiện cần thiết,…). Lúc này giáo viên đóng vai khách hàng trả lời những câu hỏi liên quan đến những yếu tố trên.

-         Các nhóm tổng hợp và xử lý thông tin (chọn lựa và sắp xếp thông tin), khách hàng (do giáo viên cung cấp).

-         Thảo luận nhằm xác định giải pháp tối ưu để phân vùng ổ đĩa (bằng cách sử dụng phần mềm hay các thảo tác trực tiếp) mà không mất dữ liệu đảm bảo yêu cầu của khách hàng.

-         Đại diện của các nhóm lên trình bày về giải pháp thực hiện của nhóm mình đồng thời các nhóm khác chú ý đặt câu hỏi làm sáng tỏ và phản biện nếu cần.

-         Các nhóm sẽ soạn thảo báo cáo về các giai đoạn thực hiện.

-         Và cuối cùng các nhóm sẽ thực hành thao tác theo các giai đoạn và quy trình do chính các em đã tìm ra.

Như vậy ta thấy người học được xem như một cá thể có ý thức, chủ động vì chính người học sản xuất ra kiến thức qua nghiên cứu, thảo luận và đóng góp xây dựng kiến thức riêng cho mình bằng chính vốn hiểu biết và những thông tin thiết yếu hay tài liệu do giáo viên cung cấp. Giáo viên đóng vai trò kích thích, hướng dẫn người học tham gia xây dựng nội dung học tập, chỉnh sửa và đào sâu những phần kiến thức của người học nhằm hình thành không chỉ kiến thức chuẩn mà còn kỹ năng xử lý, kỹ năng sống (là điều một người chuyên môn phải có để đạt được chất lượng trong hành động như thái độ thể hiện qua hình thể, thái độ quan hệ và chất lượng ứng xử) và kỹ năng trưởng thành của người học.

Như vậy học tập qua giải quyết các tình huống vấn đề, chúng ta có thể giải quyết ba vấn đề lớn của giáo dục:

-         Phát triển kỹ năng người học bằng cách dạy người học biết cách huy động những hiểu biết vốn có và những kiến thức tiếp thu được  trong một tình huống thực tế mà các em sẽ gặp trong công việc, trong đời sống hàng ngày như thế nào.

-         Tạo ý nghĩa cho việc học thông qua tình huống học tập vì tình huống đó không chỉ bao gồm những nội dung kiến thức cần nắm mà còn liên hệ thực tế vì nó xuất phát từ những tình huống thực tế mà các em sẽ gặp phải trong công việc, các em được đặt mình vào vị trí mà  sau này sẽ phải đảm nhận, được làm quen với nó. Và các em biết được tại sao mình phải học cái đó.

-         Và điều đặc biệt quan trọng mà lâu nay chúng ta không chú trọng đó là hình thành kỹ năng sống của người học qua giao tiếp, trao đổi, thảo luận với bạn bè trong quá trình học tập nhằm nâng cao kỹ năng ứng xử một cách phù hợp trong công việc. Ví dụ trên, các em được đặt vào vị trí giao tiếp với khách hàng (do giáo viên đóng vai), các em được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phục vụ, tạo được mối quan hệ tốt với khách hàng để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc.

 

                                                            Trịnh Văn Cuờng
Cán bộ Dự ánVN102-APEFE Trường CĐCN Phúc Yên

LTS Dân trí - Mục tiêu của việc học thời nay không chỉ để biết (có kiến thức) mà quan trọng hơn là để làm việc và chung sống, cho nên dạy kỹ năng theo định nghĩa của De Ketele được dẫn ra trong bài viết trên đây, là điều rất cần thiết trong các trường đại học và cao đẳng. Nói cách khác, đấy cũng là cách dạy và cách học giải quyết vấn đề theo tình huống sát với thực tế, giúp cho sinh viên không những nắm sâu kiến thức mà còn nắm vững kỹ năng xử lý tình huống cũng như kỹ năng giao tiếp và làm việc tập thể. Đấy là cơ sở quan trọng giúp cho sinh viên tốt nghiệp có thể thích ứng nhanh với công việc và trưởng thành nhanh trong môi trường mói.

Bài viết trên đây nhấn mạnh xu hướng của giáo dục trên thế giới hiện nay là nhằm phát triển kỹ năng của người học chứ không dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức. Đấy là xu thế tất yếu của nền giáo dục đương đại mà nhà trường của chúng ta, nhất là các trường đại học và cao đẳng, cần phải quan tâm nhiều hơn để vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh thực tế nước ta.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm