Cần chế tài tạo thói quen tuân thủ luật pháp

(Dân trí) - Trước khi trách người dân vô ý thức chúng ta hãy thẳng thắn nhìn lại để xem luật của ta đã thực sự nghiêm? Những người thi hành công vụ đã làm hết trách nhiệm? Nếu đã làm tròn nghĩa vụ tại sao người dân vẫn vô tư phạm luật?...

Không thể phủ nhận việc chúng ta hàng ngày vẫn chứng kiến một bộ phận người dân biết mình đang phạm luật giao thông đường bộ mà vẫn cố tình vi phạm. Họ bất chấp pháp luật và kể cả sự có mặt của những người thi hành công vụ, vẫn vượt đèn đỏ, vẫn đi ngược chiều cũng như không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy...

 

Vì thế mà chúng ta cần kết hợp biện pháp tăng cường tuyên truyền ý thức tham gia giao thông của người dân, với việc phải có những chế tài xử lý thật nghiêm những ai cố tình vi phạm luật pháp nói chung và vi phạm luật giao thông đường bộ nói riêng.

 

Ngay sau khi bài viết Hầm đi bộ tiền tỉ “ế khách” của tác giả Quang Phong và Mai Châm đăng trên Dân trí ngày 29/3, đã có rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến về tòa soạn nêu cả những bức xúc và kiến nghị về biện pháp xử trí thực trạng này.
 
Cần chế tài tạo thói quen tuân thủ luật pháp - 1

Có hầm dành cho người đi bộ nhưng họ vẫn thản nhiên cắt mũi xe trên mặt đường
(Ảnh: Quang Phong - Mai Châm)

 

Tất cả do quản lí yếu kém, an ninh và vệ sinh dưới các đường hầm từ lâu đã không tốt, tạo thành quan niệm ăn sâu trong suy nghĩ mọi người dân. Tôi là đàn ông còn ngại xuống đó, huống gì phụ nữ và trẻ em. Tăng cường chất lượng và quản lí, có thêm 1 số dịch vụ nhỏ trong đường hầm để thu hút sự quan tâm người dân, tạo dựng niềm tin và thói quen sử dụng”- kanawan: kienguyen.hd@gmail.com.

 

“Theo tôi, khi nhà nước đã xây dựng những đường hầm đi bộ có giá trị lớn và là đường dành riêng cho người đi bộ, thì song song cần phải có chế tài thật nghiêm. Khi phát hiện người nào đi trái đường thì xử lý thật nặng, cứ đánh vào kinh tế thì sẽ làm cho ý thức của người dân được cải thiện. Chứ trong khi đó những nơi vùng cao, vùng sâu vùng xa đến trường học các em còn không bằng cái nhà tạm. Vậy mà Nhà nước chi hàng tỷ đồng ra để làm đường đầu tư cho thành phố, người dân lại không chịu thực hiện thì quả là điều rất đáng buồn. Vì người dân cứ băng qua đường gây tai nạn giao thông thì không biết còn phải nói như thế nào nữa”.  ngothithuychinh: ngothithuychinh@gmail.com.

   

Ở các nước phát triển cảnh sát họ đi tuần tra nườm nượp trên đường và đứng chốt ở những nơi đông người qua lại để ngăn chặn và xử lý người vi phạm! Còn ở Việt Nam có khi tìm cảnh sát để nộp phạt cũng khó lắm. Và ý thức của phần lớn cộng đồng lại không được tốt nên những chuyện như trên là hoàn toàn bình thường!” – Dâu tây: congchuakieungao2002@yahoo.com.
 
Cần chế tài tạo thói quen tuân thủ luật pháp - 2

Hầm dành cho người đi bộ ở đường Khuất Duy Tiến luôn đóng cửa và nhếch nhác.
(ảnh nguồn: cand.com.vn)

 

Ý thức vẫn là ý thức. Nhận thức về ý thức của một số người dân mình thật kém. Vừa an toàn, vừa văn minh mà vẫn không nhận thức được?” -  Dương Tiến: ttduong149@yahoo.com.

 

“Theo tôi có lẽ do thói quen của người dân như vậy. Bản thân tôi hôm trước có đi bộ từ trước cổng trung tâm Hội nghị Quốc gia vào BigC, thực sự là tôi định băng qua đường rồi, may là cậu bạn nhắc là có hầm dành cho người đi bộ tôi mới nhớ ra, tức là trong đầu tôi vẫn chưa có thói quen sẽ dùng hầm để qua đường. Vậy nên tôi thiết nghĩ các cấp quản lý nên có động thái tuyên truyền, khuyến khích hoặc quảng bá lợi ích của hầm thì người dân sẽ sử dụng thường xuyên hơn, lợi ích vậy mới xứng đáng với số tiền nhà nước và nhân dân bỏ ra chứ!” -Xuân Anh: anhlx911@yahoo.com.

 

 Qua việc này chúng ta thấy rằng đừng đổ lỗi cho cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam kém. Nhà nước đã đầu từ rất bài bản và rất tốt mà người dân vẫn ngang nhiên thể hiện sự vi phạm giao thông, thể hiện sự thiếu văn hóa giao thông. Để giải quyết tình trạng "ế ẩm" như thế này, thiết nghĩ phải có chế tài và phương pháp thích hợp để "rèn văn hóa" cho người dân ngay. Đề nghị lắp camera quan sát để có căn cứ xử phạt” - Q.Kính: mailto:raindop%20sun19@yahoo.com

 

Chúng tôi xin lấy ý kiến của bạn Nguyệt Sỹ: luatsuhsn2005@yahoo.com để thay cho lời kết:  Ở nhiều nước, việc đi bộ đã trở thành thói quen giúp tăng cường vận động (thay cho tập thể dục) để nâng cao sức khỏe, giảm ô nhiễm môi trường và hạn chế tai nạn giao thông. Để sử dụng có hiệu quả các hầm đi bộ cần phải tuyên tuyền nâng cao ý thức của người dân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tiến tới cấm các phương tiện giao thông như xe gắn máy vào nội thành, để giảm thiểu ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường như nhiều nước đang làm”. 

.........

 

Nguyệt Thu (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm