Căn bệnh “nói nhiều, làm ít”
“Nói nhiều, làm ít” đang là một căn bệnh phổ biến trong xã hội ta, nhất là trong giới quan chức, cán bộ, gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội.
Tiểu phẩm “Bệnh nói nhiều” (diễn viên Đức Khuê thủ vai chính-đạo diễn Lê Hùng) đã lọt vào tốp 3 tiểu phẩm xuất sắc nhất của Gala cười 2003 và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đông đảo công chúng. Tiểu phẩm đã “bắt” được một căn bệnh trầm kha của người Việt “bệnh nói nhiều”. Dĩ nhiên, song hành cùng với “bệnh” này là hiện tượng “làm ít”. Tương quan “nói” và “làm” là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con người nói chung và cán bộ nói riêng. “Nói chín thì nên làm mười. Nói mười làm chín kẻ cười người chê” (Ca dao). “Nói nhiều, làm ít” đang là một căn bệnh phổ biến trong xã hội ta, nhất là trong giới quan chức, cán bộ, gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội.
“Nói nhiều, làm ít” nên hiểu thế nào?
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Còn nếu nhận xét một số vị “làm ít” cũng chưa thật thỏa đáng. Có nhiều vị bận tối mắt tối mũi, đến nỗi có phóng viên hẹn gặp phải xếp lịch trước hàng tuần. Vậy là các vị làm việc nhiều, thậm chí rất nhiều, “quá tải”. Nhưng buồn thay, cái “làm” của không ít vị cũng rơi vào tình trạng nghịch lí “càng nhiều càng ít”: cái đáng làm, nên làm lại không làm, lại cứ say sưa, mê mải vào những việc vô bổ, hình thức, vụn vặt.
Có những cán bộ cứ đi họp suốt tháng, suốt năm vẫn chưa xong, có vị mỗi ngày nhận được 20 giấy mời họp, gồm các loại họp giao ban, họp tháo gỡ, họp quán triệt, họp kiểm điểm, họp sơ kết, họp tổng kết, họp định kỳ, họp đột xuất, họp phát động thi đua, họp quán triệt tinh thần nghị quyết cơ quan, họp bình bầu cuối năm và cả họp báo.
Theo thông tin của báo Hà Nội mới, mỗi ngày trên đất nước ta lãng phí khoảng 750 triệu đồng cho các cuộc họp kiểu như vậy. Nhiều cán bộ bận đến mức không có thời gian đọc báo, theo dõi thời sự, một vụ việc tiêu cực trong nội bộ cơ quan, ngành được báo chí phản ánh cũng không biết, đến khi nghe dư luận mới nháo nhào đi tìm báo để đọc. Bận đến mức một căn nhà không phép mọc lên lừng lững ngay cạnh cơ quan công quyền, một em bé bị hành hạ dã man hàng chục năm trời cũng “không biết”, đến khi báo chí vào cuộc thì mới chống chế: chúng tôi chưa nghe báo cáo, chưa có thông tin, sẽ kiểm tra…
Vì vậy, nên hiểu câu “nói nhiều, làm ít” theo tương quan “cần và có”: cái mọi người “cần” thì cán bộ không hoặc chưa có và ngược lại. Đây là một căn bệnh trầm kha của không ít người và thực tiễn đang đòi hỏi phải tìm ra căn nguyên và “thuốc đặc hiệu”.
Vì sao có chuyện “nói nhiều, làm ít”?
Rất đơn giản: vì ít làm, nên sinh ra nói nhiều. Theo chúng tôi, căn nguyên “ít làm” của các vị đã được “bắt bệnh” từ lâu. Đó là bệnh quan liêu, lười biếng, vô trách nhiệm, vô cảm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu. Kềnh càng. Kiêu ngạo. Chậm chạp. Làm cho qua chuyện. Ham chuộng hình thức” (Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. NXB Chính trị quốc gia. H.1995, trang 510).
Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Đó là nói suông, “nói vuốt đuôi”, “nói cho có”... Còn để “nói cho hay”, “nói cho trúng”, “nói để cho người ta nghe”, “nói có trọng lượng” không hề đơn giản. Một số cán bộ ngộ nhận “nói là làm”, lấy “nói” thay cho “làm” mà không hiểu rằng để “nói một” thì phải “làm mười”, nói mà không làm, nói không phải là kết quả của làm thì trở nên “nói nhiều”, vô bổ, thậm chí tai hại.
Ngoài những người lười biếng, ích kỉ, vô trách nhiệm, có nhiều người muốn làm nhưng “lực bất tòng tâm”, do bất tài, không có khả năng. Một số người ban đầu hăng hái, nhưng sau vấp phải những vấn đề nan giải từ thực tiễn nên nản lòng, thoái chí, bỏ công việc dở dang. Một số người có tư tưởng thỏa mãn với thực tại, bằng lòng với những cái đã có, không muốn có sự thay đổi, xáo trộn…
Những người có suy tưởng thoả hiệp dễ dãi thường không thích những người năng động, xông xáo, nhiệt huyết, thường không ủng hộ những việc làm của những người mà họ cho là “ngựa non háu đá” và chờ cơ hội những người đó gặp sai sót để chỉ trích, công kích… “Lý thuyết” của những người này là “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”!
Ở một số trường phổ thông, có những giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, không khoan nhượng trước những sai trái của học trò nên đôi khi gặp phải những rắc rối như bị khiếu kiện, trả thù…và hậu quả là phải chịu kỉ luật, bị hạ bậc thi đua. Còn những giáo viên làm ngơ trước những biểu hiện vi phạm kỉ cương của học sinh lại vô sự, thi đua bao giờ cũng xếp thứ hạng cao! Hậu quả là làm những người nhiệt tình, tâm huyết chán nản, gia nhập vào “đội quân” “dĩ hoà vi quí” cho yên chuyện.
Về mặt cơ chế, chúng ta chưa có những ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ đối với cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành…, lại thêm sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng nên thường xuyên xẩy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Chuyện một lá đơn của dân cứ đi vòng vèo từ xã lên huyện lên tỉnh rồi lại “kính chuyển” về xã là không hề hiếm. Vẫn tồn tại một “luật bất thành văn”: thành tích là của chung, đặc biệt là của cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhưng sai sót lại là của cá nhân, của một bộ phận cụ thể, và chỉ cá nhân, bộ phận ấy phải chịu trách nhiệm! Vì vậy, nẩy sinh tâm lí không muốn làm hoặc chỉ làm việc dễ, bảo đảm “chắc ăn”, từ chối việc khó khăn, phức tạp, không dám đột phá.
“Chữa bệnh” nói nhiều phải làm sao?
Nói nhiều làm ít chỉ là biểu hiện bề ngoài, “gốc bệnh” cần phải chạy chữa như Bác Hồ đã chỉ ra là chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, kiêu ngạo, bệnh hình thức. Vì vậy, phải thấm nhuần lời dạy của Bác cán bộ là đầy tớ của nhân dân cho nên “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. “Nói nhiều, làm ít” là có hại cho dân cho nước nên cần phải tích cực đấu tranh khắc phục.
Công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ cần chọn lựa những người có tâm huyết và khả năng, có thực tài. Khái niệm khả năng bao gồm uy tín của cán bộ, có trí tuệ, có sức thuyết phục, thu phục nhân tâm.
Cần đánh giá cán bộ thông qua những việc làm, kết quả cụ thể, cần đặt ra các tiêu chí cụ thể như: Hoàn thành bao nhiêu khối lượng công việc so với kế hoạch, lời hứa? Đã làm những việc gì? Kết quả ra sao? Có gì mới, tiến bộ so với trước? Dự định, kế hoạch tiếp theo là gì?... tránh hiện tượng nể nang, xuê xoa, “hoà cả làng”.
Cải tổ bộ máy hành chính, giảm bớt những khâu trung gian, tránh hiện tượng chồng chéo về chức năng quản lý, qui trách nhiệm rõ ràng đối với các chức danh cụ thể kèm theo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ cơ quan kiểm lâm chỉ vài người được giao nhiệm vụ quản lí một khu rừng mênh mông, trong hàng chục năm trời không thấy phản ánh gì, đến khi xẩy ra cháy rừng, phá rừng nghiêm trọng mới kêu ca “thiếu nhân lực, thiếu phương tiện, thiếu chế tài pháp lý…”.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh bệnh hình thức, qua loa trong công tác này. Phải kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục, tăng cường kỉ cương, phát huy dân chủ, công bằng, công khai. Chúng ta có một bộ máy thanh tra, kiểm tra khá hùng hậu nhưng các vụ việc tiêu cực thì phần lớn do báo chí phát hiện hay do quần chúng tố cáo. Đây là một nghịch lý cần được chấn chỉnh.
Một khi công tác cải cách hành chính phát huy hiệu quả và nhiệt tình của công chức được khơi dậy, chúng tôi tin rằng hiện tượng “nói nhiều, làm ít” sẽ bị đẩy lùi.
Trọng Nghĩa
LTS Dân trí - Bình thường, người ta “Nói” là để trao đổi thông tin, tỏ bày chính kiến, giao lưu tình cảm: còn nếu nói chỉ để xã giao, để “tuyên truyền”, “cổ động”, thậm chí để “giải thích” những điều mọi người đều biết, lại còn khua chân múa tay trước mặt đông đảo khán giả thì ôi thôi “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Chính vì vậy mà có những vị quan chức càng xuất hiện nhiều và càng nói nhiều thì càng mất uy tín trước đông đảo quần chúng. Cho nên trước khi nói, nhất là nói ở hội nghị, có đông người nghe thì phải biết liệu sức mình, trí tuệ của mình để nói cho xúc tích, ngắn gọn, có những thông tin mới cho người nghe và hơn thế, những điều mình nói ra không xa lạ với những điều mình làm. Chỉ như vậy thì những điều nói ra mới có sức thuyết phục, có sức cảm hóa người nghe.
“Nói đi đôi với làm”; “Nói ít, Làm nhiều” là những điều lúc sinh thời, Bác Hồ thường nhắc nhở mọi người chúng ta, trước hết là những cán bộ, đảng viên đều phải nghiêm túc thực hiện điều này.