Tư vấn pháp luật:
Các hãng taxi vừa thế chấp xe vào ngân hàng vừa bán xe trá hình cho tài xế là vi phạm pháp luật
(Dân trí) - "Tôi là một tài xế lái taxi cho hãng M tại Hà Nội. Khi tôi xin làm lái xe thì được trả lời phải mua xe của hãng, mua tên thương hiệu, đóng tiền logo và bộ đàm hàng tháng...Khi tôi nhận xe thì chỉ được bàn giao giấy cho phép sử dụng xe của Ngân hàng.
Bạn đọc: nguyenduccanhhy@ymail.com (Hà Nội) hỏi: Kính thưa mục tư vấn pháp luật báo Dân trí, hiện nay tôi và nhiều đồng nghiệp đang vướng vào vụ việc mà chưa biết phải làm thế nào.
Cụ thể, tôi là một tài xế lái xe taxi cho một hãng taxi M tại Hà Nội. Khi tôi đặt vấn đề để được tiếp nhận vào lái xe cho hãng thì đại diện của hãng taxi này nói là muốn trở thành lái xe của hãng thì hoặc là phải góp xe của cá nhân hoặc mua xe của hãng, mua tên thương hiệu, đóng tiền logo và bộ đàm hàng tháng... Để có công ăn việc làm tôi đã đồng ý và chấp nhận mua xe của hãng. Sau khi đã thỏa thuận dưới hình thức “giao xe”, “mua xe” tôi đã phải thanh toán toàn bộ tiền để mua chiếc xe đó cho hãng để có xe chạy. Khi chúng tôi nhận xe thì chỉ được Công ty “hãng” bàn giao xe, nhưng giấy tờ xe gồm đăng kiểm và pho to đăng ký xe và giấy cho phép sử dụng xe của Ngân hàng.
Như tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn bộ xe của tôi và các đồng nghiệp được mang tên Công ty, hiện Công ty “hãng” đang cầm cố, thế chấp tại Ngân hàng, trong khi đó chúng tôi đã thanh toán đầy đủ tiền mua xe cho Công ty, và bây giờ chúng tôi đang rất lo lắng vì chúng tôi chưa phải là chủ sở hữu chiếc xe của mình bỏ tiền mua, giấy tờ, hồ sơ gốc về chiếc xe của chúng tôi Ngân hàng đang giữ, liệu chúng tôi có bị rủi ro mất tài sản nếu Công ty phá sản hoặc thay đổi chủ sở hữu hay không, hoặc bị Ngân hàng kê biên bán chiếc xe đó của tôi không?
Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) trả lời:
Thứ nhất: Để bảo đảm quyền sở hữu, sử dụng chiếc xe taxi đó bạn phải yêu cầu công ty thanh toán hết tiền cho ngân hàng để làm thủ tục giải chấp đồng thời yêu cầu lấy toàn bộ giấy tờ gốc của chiếc xe đó về và làm thủ tục chuyển nhượng chiếc xe từ công ty sang tên bạn theo đúng quy định của pháp luật;
Vì tài sản của bạn là chiếc xe ô tô nên là đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng và phải làm thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật, giao dịch mua bán xe giữa bạn và công ty là chưa hoàn thành, chưa đăng ký sang tên.
Thứ hai: Liên quan đến việc cầm cố, thế chấp vì công ty bạn vẫn đang đứng tên chủ sở hữu chiếc xe đó, mà chiếc xe của bạn đã bị công ty sử dụng làm tài sản bảo đảm vay vốn tại ngân hàng trước khi công ty bán cho bạn. Về nguyên tắc việc mua bán, chuyển nhượng giữa bạn và công ty phải được sự chấp thuận của ngân hàng thì mới hợp pháp. Nhưng các bên thực hiện mua bán trước khi công ty tất toán cho ngân hàng hoặc chưa được sự chấp thuận của Ngân hàng là công ty đã vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp các khoản nợ của công ty đến hạn mà không có khả năng thanh toán thì ngân hàng hoàn toàn có quyền phát mại chiếc xe của bạn để thu hồi vốn, khi đó hợp đồng mua bán giữa bạn và công ty trở nên vô hiệu, rủi ro có thể dự đoán trước là khi hãng taxi này rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính mất khả năng thanh toán nợ đến hạn dẫn đến phá sản thì xe của bạn do ngân hàng định đoạt, việc bạn đòi lại khoản tiền đã mua xe của công ty là khó thực hiện vì khoản tiền mua xe đó không có bảo đảm, lúc này công ty đã mất khả năng thanh toán đối với các chủ nợ. Nếu vậy bạn có thể tố cáo Công ty về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.
Vấn đề thứ ba: Trong quá trình bạn sử dụng xe mà bạn muốn bán, chuyển nhượng chiếc xe đó cho người khác thì việc đó không thể thực hiện được, vì tại cơ quan đăng ký chiếc xe này và hồ sơ gốc tại ngân hàng chủ sở hữu chiếc xe không phải mang tên bạn, bạn chưa phải là chủ sở hữu nên bạn không có quyền định đoạt, nghĩa là bạn sẽ không chuyển nhượng được chiếc xe; Đặc biệt bạn có thể gặp rắc rối trong quá trình sử dụng chiếc xe nếu có rủi ro như tai nạn xẩy ra thì sẽ rất phức tạp vì khi này có sự liên đới của công ty, tức là hãng taxi cùng kết hợp thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bên thứ ba… thì bạn mới được lấy xe về nếu bị tạm giữ;
Việc hàng tháng bạn sử dụng và phải thanh toán tiền thương hiệu, bộ đàm, logo của công ty bạn phải thanh toán khoản tiền nhất định thì đó là sự thỏa thuận của các bên trong việc khai thác thương hiệu taxi sẽ được pháp luật ghi nhận và bảo hộ;
Vậy trong trường hợp của bạn, chúng tôi khuyên nếu bạn thực sự mong muốn loại trừ rủi ro thì bạn nêu yêu cầu công ty phải làm thủ tục sang tên chiếc xe đó cho bạn, nghĩa là bạn phải yêu cầu công ty giải chấp toàn bộ khoản vay liên quan đến chiếc xe của bạn tại Ngân hàng, lấy đầy đủ hồ sơ gốc của chiếc xe sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng sang tên cho bạn theo đúng quy định của pháp luật lúc đó bạn mới thực sự yên tâm đó là tài sản thuộc sở hữu của mình.
Nếu còn muốn hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bạn có thể ký kết hợp đồng hợp tác với hãng taxi mà bạn muốn để cùng có lợi trong hoạt động dịch vụ của mình.
Trân trọng!
Luật sư: Vi Văn Diện
Công ty Luật TNHH Thiên Minh
Phòng 212, Tòa Nhà N4A, Đường Lê Văn Lương - KĐT Trung Hòa Nhân Chính - Thanh Xuân (Hà Nội).
Điện thoại: 04.37725999/04.35641441 / Fax: 04.35641442.
Di động: 0916060626
Ban Bạn đọc