Bỏ trốn lúc đưa ra xét xử, bị cáo có thể phải ngồi tù nhiều thập kỷ!

(Dân trí) - “Khi bị bắt lại, Nguyễn Văn Trung sẽ bị xét xử về ba tội danh, khi tổng hợp hình phạt của ba tội danh bị cáo có thể phải đối mặt với mức án lên tới 25 năm tù”, luật sư Quách Thành Lực nhận định.

Công an TP Hà Nội đã ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Văn Trung (SN 1983, biệt danh Trung “điếu”) về hành vi “Trốn khi đang bị áp giải”.

Trước đó, sáng 18/6, khi được Công an quận Hà Đông áp giải lên phòng xét xử trong vụ án “Tàng trữ, sử dụng trái phép súng quân dụng và đe doạ giết người”, Nguyễn Văn Trung đã chạy trốn khỏi trụ sở TAND quận Hà Đông.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Hành vi của Nguyễn Văn Trung đã đủ yếu tố cấu thành tội trốn khi đang bị áp giải theo quy định tại điều 386 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong quá trình bỏ trốn Nguyễn Văn Trung có hành vi dùng vũ lực với người áp giải thì đối tượng sẽ đối mặt với mức án phạt tù đến 10 năm tù.

Bỏ trốn lúc đưa ra xét xử, bị cáo có thể phải ngồi tù nhiều thập kỷ! - 1

Trung “điếu” - bị cáo vừa bỏ trốn trong quá trình áp giải đến TAND quận Hà Đông.

Trong vụ án Tàng trữ, sử dụng trái phép súng quân dụng nếu có tổ chức thì mức án cao nhất có thể lên đến 12 năm, với  tội danh đe doạ giết người mức án có thể là 03 năm.

Như vậy khi bị bắt lại Trung sẽ bị xét xử về ba tội danh, khi tổng hợp hình phạt của ba tội danh bị cáo có thể phải đối mặt với mức án lên tới 25 năm tù.

Đối tượng Trung trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến nay đã có 2 tiền án, 1 tiền sự hiện đang phải đối mặt với 3 tội danh chuẩn bị đưa ra xét xử. Rõ ràng có thể thấy đây là một đối tượng nguy hiểm cho sự an toàn của xã hội. Mong rằng lực lượng chức năng nhanh tróng truy tìm, bắt giữ được đối tượng để cho người dân yên tâm sinh hoạt, làm ăn.

Dù đối tượng nguy hiểm, thủ đoạn liều lĩnh, manh động nhưng với đầy đủ công cụ được trang bị, nghiệp vụ được huấn luyện mà để đối tượng nguy hiểm như vậy trốn thoát là lỗi nghiêm trọng của công an tư pháp trong hoạt động dẫn giải.

Thời gian gần đây nhiều có nhiều đối tượng bỏ trốn khỏi nơi giam giữ, bỏ trốn khi áp giải đã tạo ra tâm lý bất an cho người dân, gây tốn kém, mất nhiều thời gian công sức của lực lượng tư pháp. Đây là một bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong hoạt động dẫn giải tư pháp”.

Anh Thế