Bạn đọc viết:
Bất cập trong việc quản lý Văn phòng đại diện của DN đấu giá tài sản
(Dân trí) - "Lợi dụng sự lỏng lẻo, sơ hở trong quy định pháp luật về quản lý chi nhánh, văn phòng đại diện mà một số DN đấu giá tài sản thành lập VPĐD tràn lan, hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Điều 30 Luật Đấu giá tài sản năm 2016: "Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thành lập Văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản về địa chỉ của Văn phòng đại diện cho Sở Tư pháp nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở và Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động".
Như vậy, theo quy định này thì Sở Tư pháp sau khi nhận được Thông báo này thì chỉ để biết, không xử lý các bước tiếp theo như đăng ký hoạt động hoặc các động thái phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, nắm bắt tình hình tổ chức, hoạt động khác doanh nghiệp trong phạm vi quản lý. Đồng thời, cũng không quy định Văn phòng đại diện có trách nhiệm báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động định kỳ, đột xuất cho Sở Tư pháp nơi đặt Văn phòng đại diện để theo dõi, xử lý khi có vi phạm.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 23 Luật Đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản hoạt động theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và quy định của pháp luật có liên quan. Việc Luật Đấu giá tài sản quy định "pháp luật có liên quan" có thể hiểu là sẽ dẫn chiếu đến quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Tại Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; thông báo địa điểm kinh doanh. Theo đó, Văn phòng đại diện phải thực hiện đăng ký hoạt động tại nơi đặt địa điểm văn phòng, đồng thời phải thực hiện một số nội dung như báo cáo tình hình hoạt động, chịu sự thanh tra, kiểm tra nếu có dấu hiệu vi phạm.
Từ những nhận định, tôi thấy Luật Doanh nghiệp năm 2020 được ban hành sau Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Do đó, cần áp dụng Luật Doanh nghiệp để xử lý nội dung đã được đề cập ở trên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (văn bản ban hành sau được ưu tiên áp dụng). Mặt khác, có thể khẳng định rằng ngành nghề đấu giá tài sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có sự ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, lợi dụng sự lỏng lẻo, sơ hở trong quy định pháp luật về quản lý chi nhánh, văn phòng đại diện mà một số doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập văn phòng đại diện tràn lan, hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân hoạt động đấu giá tài sản thời gian qua có nhiều vụ việc phức tạp, tiêu cực, gây thất thoát lớn về tài sản công, gây mất trật tự an toàn xã hội, trái quy luật cung - cầu.
Vì vậy, việc siết chặt quản lý đối với các tổ chức đấu giá tài sản cũng như các Chi nhánh, Văn phòng đại diện của các tổ chức đấu giá tài sản là cần thiết, cấp bách.
Từ những vấn đề nêu trên, tôi cho rằng, Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn các địa phương về trình tự, thủ tục đăng ký Văn phòng đại diện của các tổ chức đấu giá tài sản nhằm tạo thuận lợi cho quá trình quản lý nhà nước công tác đấu giá tài sản. Theo đó, cần thiết phải áp dụng Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2020 để thực hiện đối với việc đăng ký, quản lý Văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng đại diện của tổ chức đấu giá tài sản vào các quy định tại Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) trong thời gian tới đây.
ThS Phạm Văn Chung
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum