Bảo hiểm Hàng không “thích” ra tòa?
“Chúng tôi rất thoải mái khi bị Nishu kiện ra tòa dù chúng tôi hiểu hơn ai hết cái giá phải trả”, bà Lê Thu Huyền- Phó trưởng Ban Pháp chế của công ty VNI đã thẳng thắn trả lời báo chí tại cuộc làm việc với đông đảo phóng viên quan tâm tới vụ việc này.
Chỉ trì cuộc trao đổi với báo chí, ông Tạ Chiến- Phó TGĐ Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) bày tỏ sự cầu thị được trao đổi thông tin hai chiều với báo giới để có những thông tin khách quan về việc VNI bị Nishu Nam Hà kiện ra tòa do từ chối bồi thường bảo hiểm.
Theo ông Chiến, lý do lớn nhất VNI từ chối bồi thường là do Nishu Nam Hà nộp phí bảo hiểm chậm (3 tháng 16 ngày).
Tuy nhiên, ông Chiến cũng như bà Lê Thu Huyền không đưa ra được các lý lẽ thuyết phục về việc vì sao hợp đồng chậm nộp phí bảo hiểm (theo đúng quy định thì đã không còn hiệu lực từ ngày 18/8/2010 (đối với HĐ số 081000587) và ngày 22/10/2010 (đối với HĐ số 081000670) mà ngày 11/11/2010 VNI vẫn phát hành hóa đơn thu phí bảo hiểm số 0012570 và 0012571 đề nghị Nishu Nam Hà thanh toán phí bảo hiểm với số tiền 13.800.000 đồng.
Hai người đại diện của VNI cũng không đưa ra được căn cứ về thời điểm VNI phát hành công văn số 03 hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm với Nishu Nam Hà.
Đáng lưu ý, công văn số 03 VNI ghi phát hành ngày 20/12/2010 (trước thời điểm xảy ra vụ cháy) trong đó nhấn mạnh: bằng công văn này, VNI thông báo về việc các HĐ đã chấm dứt hiệu lực và bị hủy bỏ. Thế nhưng trên thực tế (căn cứ dấu bưu điện) thì Nishu Nam Hà nhận được công văn này vào ngày 31/1/2011 (sau khi xảy ra vụ cháy tại xưởng của Nishu Nam Hà ngày 4/1/2011).
Lý giải cho việc công văn từ chối bảo hiểm “xuất hiện” sau khi xảy ra sự kiện cháy, bà Lê Thu Huyền thừa nhận: “Chúng tôi không xác định được thời điểm và không thấy bằng chứng gửi công văn đi ngày nào”.
Bà Huyền – với tư cách là người phụ trách pháp chế của VNI cũng đồng ý rằng: “Khi Nishu cung cấp bằng chứng bưu điện nhận được ngày 31/1/2011 thì mặc nhiên được công nhận, chúng tôi không có ý kiến gì liên quan đến việc này vì án tại hồ sơ, họ nhận được ngày nào thì được công nhận đó là ngày phát hành văn bản”.
Với câu hỏi: vậy ai có lỗi khi hợp đồng chậm nộp phí 3 tháng 16 ngày nhưng nhân viên khai thác bảo hiểm của VNI- người trực tiếp giao dịch hợp đồng với Nishu Nam Hà-không thông báo, nhắc khách hàng ký lại hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng? Quy trình khai thác bảo hiểm của VNI như thế nào mà để xảy ra “lỗi quản trị” như: hợp đồng hết hiệu lực vẫn xuất hóa đơn, thu tiền .
Ông Tạ Chiến và bà Lê Thu Huyền cho rằng đã có “lỗi nghiệp vụ” xảy ra nhưng lại “lý luận” rằng chính khách hàng cũng có lỗi vì khi ký đã không để ý tới thời hạn chậm nộp phí được quy định trong quy tắc bảo hiểm?
Cách lý giải của hai vị đại diện VNI đã bỏ qua một thực tế rất quan trọng rằng công ty VNI kinh doanh bảo hiểm và Nishu Nam Hà là khách hàng của VNI. Nếu có “lỗi nghiệp vụ” xảy ra trong quy trình kinh doanh bảo hiểm thì đó là lỗi của VNI chứ không thể đổ lỗi cho khách hàng sau đó lấy làm căn cứ để từ chối bồi thường bảo hiểm.
Thực tế, hai người trực tiếp liên quan tới hợp đồng ký với Nishu Nam Hà là ông Lê Đình Lâm- chuyên viên khai thác bảo hiểm thuộc VP 5 của VNI và ông Vũ Mạnh Hà- Trưởng VP 5 đã bị VNI sa thải do có nhiều sai phạm trong quá trình khai thác, kinh doanh bảo hiểm. Bà Huyền cho biết do VP 5 xảy ra một loạt các vấn đề vi phạm nên đã không hợp tác với công ty trong vụ việc liên quan tới Nishu.
Viện dẫn văn bản pháp luật không phù hợp và thích…đáo tụng đình?
Thừa nhận có những sai sót về nghiệp vụ và quản trị trong quá trình kinh doanh bảo hiểm song VNI vẫn cố tình “đẩy quả bóng trách nhiệm” bằng cách viện dẫn thông tư 86/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính để cho rằng VNI không thể bồi thường tổn thất cho Nishu Nam Hà.
Theo đó, VNI cho rằng theo điểm 1.2.1 khoản 1, điều 2, thông ty 86/2009 thì hợp đồng bảo hiểm đã chấm dứt hiệu lực vào ngày kế tiếp ngày bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Hóa đơn mà VNI đã phát hành ngày 11/11/2010 cho công ty Nishu Nam Hà không được xem là phụ lục hợp đồng hay “thỏa thuận khác”.
Bình luận về việc VNI viện dẫn thông tư 86 cho trường hợp này, luật sư Phan Tùng Lâm- giám đốc công ty Luật hợp danh Nghiệp Hưng cho rằng VNI áp dụng không đúng văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước ban hành.
Theo LS Phan Tùng Lâm thì đối tượng điều chỉnh của thông tư 86 là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm về việc hạch toán doanh thu của bản thân doanh nghiệp đó. VNI không thể chỉ “căn cứ vào nội dung” của văn bản này mà “không phụ thuộc vào các nội dung này đặt dưới tiêu đề nào”. Do vậy, VNI viện dẫn điều 2 thông tư 86 để giải thích về hiệu lực của các hợp đồng bảo hiểm với Nishu Nam Hà là hoàn toàn không phù hợp.
Lý giải việc viện dẫn thông tư 86, bà Lê Thu Huyền cũng cho rằng: “Việc viện dẫn văn bản pháp luật để giải quyết là không đơn giản, tôi hiểu thế này, anh hiểu thế kia, ai cũng nói mình hiểu đúng và phải có trọng tài. Chúng tôi đã hỏi Bộ Tài chính và Bộ Tài chính trả lời có thể áp dụng thông tư 86 viện dẫn để trả lời khách hàng”
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được xem văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính thì bà Huyền cho rằng không thể cung cấp và cho biết thêm công văn này không phải hướng dẫn cụ thể trường hợp công ty Nishu mà là công văn hỏi chung cho các trường hợp chậm phí!?
Bà Huyền cũng bày tỏ quan điểm việc VNI viện dẫn thông tư 86 “đúng hay không đúng thì đến nay chưa ai có thể trả lời được và phải chờ phán quyết của tòa án”.
Cho rằng ra tòa là phương án an toàn nhất cho cả hai bên, không chỉ bà Huyền mà ông Tạ Chiến cũng nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng xin báo chí miễn bình luận về các chi tiết của sự việc mà chờ phán quyết của tòa án.” Nếu tòa án phán quyết chúng tôi phải bồi thường chúng tôi sẽ làm ngay và sẽ làm rất vui vẻ”, ông Tạ Chiến nói và nhấn mạnh thêm : “Chúng tôi vui vẻ, bình tĩnh đón nhận phán quyết của cơ quan tòa án”.
Bà Lê Thu Huyền cũng bày tỏ thoải mái khi ra tòa xong lại nói thêm: “Nói chúng tôi thoải mái khi ra tòa là cũng không đúng. Chuẩn bị ra tòa ly dị mà nói thoải mái là nói dối”.
Chia sẻ với báo giới về phản ứng của VNI với việc bị Nishu Nam Hà kiện ra tòa, ông Đỗ Việt Anh lắc đầu nói: "Ông bà ta có câu “vô phúc mới đáo tụng đình”, một đơn vị kinh doanh bảo hiểm là kinh doanh chữ tín nhưng khi phát sinh trách nhiệm bồi thường lại “đẩy” trách nhiệm cho cơ quan tòa án và để khách hàng- thượng đế của mình lẽo đẽo theo đuổi vụ kiện. Chúng tôi chỉ là doanh nghiệp nhỏ, có ý thức mua bảo hiểm để được hỗ trợ, chia sẻ lúc rủi ro mà nay lại phải ngồi chờ phán quyết của tòa án. Chúng tôi có thể phá sản ngay trong thời điểm ngồi chờ phán quyết của tòa, thử hỏi như vậy còn gì là ý nghĩa của việc mua bảo hiểm nữa ?"
Quá trình làm việc với VNI, phóng viên còn được xác nhận rằng mẫu hợp đồng mà VNI dùng để ký với Nishu không đăng ký với Bộ Tài Chính và khi đàm phán nhân viên khai thác bảo hiểm của VNI đã không đàm phán với khách hàng để đưa quy định về việc chậm nộp phí bảo hiểm thì sẽ phát sinh hệ quả pháp lý như thế nào.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến mới về vụ việc này với tiếng nói của các cơ quan có trách nhiệm.
Đây không phải lần đầu VNI "có chuyện” với khách hàng Đầu năm 2011, VNI đã bị khách hàng "quây" văn phòng bảo hiểm tại Quảng Bình do bức xúc với cách giải quyết đối với chiếc xe bị hư hỏng đã được mua bảo hiểm toàn bộ của mình. Sau khi vụ việc được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, VNI mới tiến hành giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho khách hàng. Sau đó, VNI lại bị phát hiện có nhiều sai phạm nghiêm trọng về tài chính và có nhiều bất cập trong công tác điều hành. Bộ Tài chính đã từng có văn bản yêu cầu VNI xem xét, thanh tra các tố cáo của nhiều cán bộ VNI. |