Bằng thật, bằng giả và những bất công
Nạn sính bằng cấp từ lâu đã là nỗi nhức nhối trong xã hội Việt Nam. Gần đây, nhiều vụ bằng cấp giả gắn mác "nước ngoài" bị phanh phui càng khiến dư luận phẫn nộ vì những bất công, lãng phí và thiệt hại mà vấn nạn này gây ra.
Bằng giả đang là một vấn nạn
Hai tờ Tuổi Trẻ và Pháp luật TPHCM cùng trong số ra ngày 26/8 đã có hai bài bình luận đáng để chúng ta cùng suy ngẫm. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bằng giả đả người giỏi
Chỉ riêng một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long, các cơ quan chức năng đã phát hiện đến hàng trăm cán bộ, công chức dùng bằng giả.
Qua xác minh cho thấy hầu hết các văn bằng và giấy chứng nhận của những cán bộ, công chức này đều giả mạo phôi bằng, chữ ký của lãnh đạo Sở, kể cả con dấu. Nhiều văn bằng khi kiểm tra cho thấy không trùng khớp hội đồng thi vào thời điểm thi được ghi trên các văn bằng, giấy chứng nhận tạm thời, kể cả người ký giấy hoặc bằng tốt nghiệp cũng “trật chìa”, trong danh sách thi, tốt nghiệp không có tên người cần xác minh...
Có thể thấy tất cả các trường hợp trên đều sử dụng loại bằng giả theo cách “truyền thống”. Ðó là cách sử dụng bằng giả đơn giản nhất và cũng dễ bị phát hiện nhất. Chỉ cần vài động tác nghiệp vụ, các cơ quan chuyên môn sẽ xác minh được bằng đó có thật hay không.
Trong khi đó, có rất nhiều loại bằng giả khác đang tồn tại nhưng rất khó, thậm chí là không thể xác minh một cách rạch ròi. Không như cách “truyền thống” mà các cán bộ cấp xã, cấp huyện ở đồng bằng sông Cửu Long sử dụng, rất nhiều người được nhận bằng thật nhưng học giả. Ðó là những tấm bằng do các đơn vị có chức năng đào tạo chính thức cấp cho những người có ghi danh nhưng không học, không thi hoặc nhờ người khác học thay, thi thay. Bên cạnh đó là những tấm bằng được cấp cho những người học hành qua loa hoặc những tấm bằng “ngoại giao” của đơn vị đào tạo dành cho một vị chức sắc nào đó. Ðó là chưa kể những tấm bằng dễ dàng lấy được bằng tiền từ những trường dỏm, những “lò” cấp bằng đang nhan nhản khắp nơi.
Từ những tấm bằng không tương xứng với năng lực, trình độ của mình, những cán bộ sử dụng bằng giả có điều kiện tiến thân. Nguy hiểm hơn cả là khi những con người này leo lên những vị trí quan trọng trong hệ thống chính quyền. Họ, với quyền lực gắn liền với chức vụ có được, sẽ ban hành những mệnh lệnh, chỉ đạo buộc người khác phải thực hiện. Khó có thể tin rằng một người năng lực kém lại có thể đưa ra những mệnh lệnh, chủ trương đúng đắn. Và với những người sẵn sàng sử dụng bằng giả để tiến thân thì không dễ gì họ để cấp dưới vươn lên chiếm lấy cái ghế của mình.
Trong hoàn cảnh đó, những người có năng lực, tâm huyết chắc chắn sẽ rất khó có đất tồn tại. Sự bất mãn từ một vài cá nhân dần dần sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận đông hơn. Và thực tế đã có không ít cán bộ trẻ, có năng lực rời bỏ hệ thống chính quyền để tìm cho mình một công việc khác. Cũng có một bộ phận dù chứng kiến thực tế không lành mạnh đó nhưng im lặng chấp nhận vì cuộc sống hoặc vì một mục đích của riêng mình.
Nếu không sớm chuyển sang đánh giá cán bộ công chức dựa trên thực lực và những gì họ cống hiến, vấn nạn sử dụng bằng giả để tiến thân chắc chắn sẽ làm suy yếu nền công vụ nước nhà. Những người giỏi sẽ lần lượt ra đi, để lại trong hệ thống chính quyền những người tiến thân bằng cách gian dối hoặc an phận thủ thường.
Tiêu chuẩn… văn bằng
Chuyện ông tiến sĩ Trần Văn Chính, quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo khoe đã “cho” nhà văn Nguyên Ngọc làm chủ tịch HĐQT Trường Phan Châu Trinh trong khi nhà văn chưa có bằng ĐH nghe vừa buồn cười vừa cay xót.
Buồn cười khi mà nhiều người có chức trách đang đo thế gian bằng kích thước bé mọn của mình. Nguyên Ngọc không chỉ là nhà văn lớn, nhà nghiên cứu, dịch thuật mà còn được coi là nhà văn hóa đúng nghĩa. Sách của ông viết chồng lại đủ cao đến trần nhà. Học trò của thầy Nguyên Ngọc ở Trường viết văn Nguyễn Du, số luận văn nghiên cứu về tác phẩm của ông hẳn đủ để mở trường, lập thư viện. Đau xót khi điều ông Chính nói có cơ sở hẳn hoi. Đó là cái quy định ngặt nghèo một cách hình thức, máy móc: Chủ tịch HĐQT trường ĐH ngoài công lập phải có bằng ĐH.
Bằng cấp là một tiêu chí đánh giá trình độ, khả năng con người nhưng đó không thể là tiêu chí duy nhất. GS Đặng Thái Mai, GS Lê Trí Viễn,… nhiều và rất nhiều trí thức lớn, tài năng lớn của Việt Nam không có bằng ĐH. Ngay Bill Gates cũng không có bằng ĐH. Nhưng hãy nhìn vào những đóng góp, cống hiến của các vị này cho đất nước, cho nhân loại thì có thể thấy tấm bằng không nói lên được bất cứ điều gì.
Ngày nay quan điểm tiêu chuẩn hóa, chức vụ này phải có bằng cấp kia được nâng lên thành luật lệ đã thúc đẩy chuyện mua bán bằng cấp thành phong trào, thành công nghệ: tiến sĩ sáu tháng, thạc sĩ chín ngàn đô. Đủ trò ma mãnh và đủ hình thức bịp bợm để mua bán bằng mà nghiêm trọng hơn cả là hình thức bằng thật học giả. Trường ĐH danh tiếng quốc gia lại đi liên kết với trường dỏm ở Mỹ, Âu châu đào tạo từ xa cho mấy vạn thạc sĩ. Những DNTN lấy tên Viện này, Trung tâm nọ, không hề có chức năng đào tạo, thậm chí chỉ có vài văn phòng thuê mướn cũng lách luật liên kết đào tạo từ xa cho hàng vạn thạc sĩ. Hàng chục triệu USD đã trôi ra nước ngoài để nhận về hàng ngàn mảnh rác văn bằng...
Học chương trình quốc tế, bằng cấp quốc tế mà một chữ tiếng Anh cũng không biết chỉ là chuyện nhỏ. Xã hội vàng thau lẫn lộn, bằng thật bằng giả bị trộn lẫn, người thật, người giả khó phân mới là chuyện lớn.
Tiêu chuẩn hóa cán bộ được lập ra để tạo sự ổn định, phát triển, công bằng. Thế nhưng chỉ cần sai một chuyện nhỏ về hình thức, trọng văn bằng hơn thực lực đã đem đến những hệ lụy không dễ gì khắc phục trong năm, mười năm tới. Thế nhưng chừng như vì nhiều lý do, căn bệnh sính văn bằng với những hệ lụy của nó vẫn chưa thuyên giảm.
Bằng giả đả người giỏi
Chỉ riêng một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long, các cơ quan chức năng đã phát hiện đến hàng trăm cán bộ, công chức dùng bằng giả.
Qua xác minh cho thấy hầu hết các văn bằng và giấy chứng nhận của những cán bộ, công chức này đều giả mạo phôi bằng, chữ ký của lãnh đạo Sở, kể cả con dấu. Nhiều văn bằng khi kiểm tra cho thấy không trùng khớp hội đồng thi vào thời điểm thi được ghi trên các văn bằng, giấy chứng nhận tạm thời, kể cả người ký giấy hoặc bằng tốt nghiệp cũng “trật chìa”, trong danh sách thi, tốt nghiệp không có tên người cần xác minh...
Có thể thấy tất cả các trường hợp trên đều sử dụng loại bằng giả theo cách “truyền thống”. Ðó là cách sử dụng bằng giả đơn giản nhất và cũng dễ bị phát hiện nhất. Chỉ cần vài động tác nghiệp vụ, các cơ quan chuyên môn sẽ xác minh được bằng đó có thật hay không.
Trong khi đó, có rất nhiều loại bằng giả khác đang tồn tại nhưng rất khó, thậm chí là không thể xác minh một cách rạch ròi. Không như cách “truyền thống” mà các cán bộ cấp xã, cấp huyện ở đồng bằng sông Cửu Long sử dụng, rất nhiều người được nhận bằng thật nhưng học giả. Ðó là những tấm bằng do các đơn vị có chức năng đào tạo chính thức cấp cho những người có ghi danh nhưng không học, không thi hoặc nhờ người khác học thay, thi thay. Bên cạnh đó là những tấm bằng được cấp cho những người học hành qua loa hoặc những tấm bằng “ngoại giao” của đơn vị đào tạo dành cho một vị chức sắc nào đó. Ðó là chưa kể những tấm bằng dễ dàng lấy được bằng tiền từ những trường dỏm, những “lò” cấp bằng đang nhan nhản khắp nơi.
Từ những tấm bằng không tương xứng với năng lực, trình độ của mình, những cán bộ sử dụng bằng giả có điều kiện tiến thân. Nguy hiểm hơn cả là khi những con người này leo lên những vị trí quan trọng trong hệ thống chính quyền. Họ, với quyền lực gắn liền với chức vụ có được, sẽ ban hành những mệnh lệnh, chỉ đạo buộc người khác phải thực hiện. Khó có thể tin rằng một người năng lực kém lại có thể đưa ra những mệnh lệnh, chủ trương đúng đắn. Và với những người sẵn sàng sử dụng bằng giả để tiến thân thì không dễ gì họ để cấp dưới vươn lên chiếm lấy cái ghế của mình.
Trong hoàn cảnh đó, những người có năng lực, tâm huyết chắc chắn sẽ rất khó có đất tồn tại. Sự bất mãn từ một vài cá nhân dần dần sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận đông hơn. Và thực tế đã có không ít cán bộ trẻ, có năng lực rời bỏ hệ thống chính quyền để tìm cho mình một công việc khác. Cũng có một bộ phận dù chứng kiến thực tế không lành mạnh đó nhưng im lặng chấp nhận vì cuộc sống hoặc vì một mục đích của riêng mình.
Nếu không sớm chuyển sang đánh giá cán bộ công chức dựa trên thực lực và những gì họ cống hiến, vấn nạn sử dụng bằng giả để tiến thân chắc chắn sẽ làm suy yếu nền công vụ nước nhà. Những người giỏi sẽ lần lượt ra đi, để lại trong hệ thống chính quyền những người tiến thân bằng cách gian dối hoặc an phận thủ thường.
Tiêu chuẩn… văn bằng
Chuyện ông tiến sĩ Trần Văn Chính, quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo khoe đã “cho” nhà văn Nguyên Ngọc làm chủ tịch HĐQT Trường Phan Châu Trinh trong khi nhà văn chưa có bằng ĐH nghe vừa buồn cười vừa cay xót.
Buồn cười khi mà nhiều người có chức trách đang đo thế gian bằng kích thước bé mọn của mình. Nguyên Ngọc không chỉ là nhà văn lớn, nhà nghiên cứu, dịch thuật mà còn được coi là nhà văn hóa đúng nghĩa. Sách của ông viết chồng lại đủ cao đến trần nhà. Học trò của thầy Nguyên Ngọc ở Trường viết văn Nguyễn Du, số luận văn nghiên cứu về tác phẩm của ông hẳn đủ để mở trường, lập thư viện. Đau xót khi điều ông Chính nói có cơ sở hẳn hoi. Đó là cái quy định ngặt nghèo một cách hình thức, máy móc: Chủ tịch HĐQT trường ĐH ngoài công lập phải có bằng ĐH.
Bằng cấp là một tiêu chí đánh giá trình độ, khả năng con người nhưng đó không thể là tiêu chí duy nhất. GS Đặng Thái Mai, GS Lê Trí Viễn,… nhiều và rất nhiều trí thức lớn, tài năng lớn của Việt Nam không có bằng ĐH. Ngay Bill Gates cũng không có bằng ĐH. Nhưng hãy nhìn vào những đóng góp, cống hiến của các vị này cho đất nước, cho nhân loại thì có thể thấy tấm bằng không nói lên được bất cứ điều gì.
Ngày nay quan điểm tiêu chuẩn hóa, chức vụ này phải có bằng cấp kia được nâng lên thành luật lệ đã thúc đẩy chuyện mua bán bằng cấp thành phong trào, thành công nghệ: tiến sĩ sáu tháng, thạc sĩ chín ngàn đô. Đủ trò ma mãnh và đủ hình thức bịp bợm để mua bán bằng mà nghiêm trọng hơn cả là hình thức bằng thật học giả. Trường ĐH danh tiếng quốc gia lại đi liên kết với trường dỏm ở Mỹ, Âu châu đào tạo từ xa cho mấy vạn thạc sĩ. Những DNTN lấy tên Viện này, Trung tâm nọ, không hề có chức năng đào tạo, thậm chí chỉ có vài văn phòng thuê mướn cũng lách luật liên kết đào tạo từ xa cho hàng vạn thạc sĩ. Hàng chục triệu USD đã trôi ra nước ngoài để nhận về hàng ngàn mảnh rác văn bằng...
Học chương trình quốc tế, bằng cấp quốc tế mà một chữ tiếng Anh cũng không biết chỉ là chuyện nhỏ. Xã hội vàng thau lẫn lộn, bằng thật bằng giả bị trộn lẫn, người thật, người giả khó phân mới là chuyện lớn.
Tiêu chuẩn hóa cán bộ được lập ra để tạo sự ổn định, phát triển, công bằng. Thế nhưng chỉ cần sai một chuyện nhỏ về hình thức, trọng văn bằng hơn thực lực đã đem đến những hệ lụy không dễ gì khắc phục trong năm, mười năm tới. Thế nhưng chừng như vì nhiều lý do, căn bệnh sính văn bằng với những hệ lụy của nó vẫn chưa thuyên giảm.
(Theo Tuổi trẻ, Pháp luật TPHCM)