Hà Nội:
44 năm mòn mỏi chờ đợi người thân được công nhận liệt sĩ
(Dân trí) - Xuất phát từ những quyết định không thống nhất của cơ quan chức năng, sau hơn 40 năm, gia đình quân nhân Nguyễn Hữu Khôn ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai vẫn mòn mỏi chờ đợi người thân được công nhận là liệt sĩ đúng với chế độ đãi ngộ của Nhà nước.
Trong lá đơn đề nghị gửi đến báo Dân trí và các cơ quan chức năng, anh Đỗ Hữu Ngọc trú tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội phản ánh, bác ruột anh là quân nhân Nguyễn Hữu Khôn nguyên quán xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai (tỉnh Hà Tây cũ) hy sinh tại chiến trường Quảng Trị ngày 6/1/1968, nhưng đến nay chưa được công nhận là liệt sĩ, gia đình không biết hài cốt hiện năm ở đâu để đưa về quê chôn cất.
Ngay sau đó, gia đình lại nhận được Giấy báo tử do Trung tá Bùi Huy Bổng ký ngày16/5/1969 ghi quân nhân Đỗ Hữu Khôn hy sinh trong trường hợp rủi ro, được xác nhận là quân nhân từ trần.
Đến ngày 8/6/1971, gia đình quân nhân Đỗ Hữu Khôn nhận được văn bản số 287/CS của đồng chí Nguyễn Văn Khuy, thừa lệnh Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 320 trả lời Ban Thương binh xã hội tỉnh Hà Tây trước đây với nội dung “Đồng chí Đỗ Hữu Khôn đã thoái thác nhiệm vụ chiến đấu nên đảo ngũ về phía sau, trên đường ra bị máy bay địch bắn bị thương tự vào viện điều trị được ít hôm rồi chết. Như vậy, không được xác nhận là liệt sĩ”. Tuy nhiên, văn bản số 287/CS lại không ghi rõ quân nhân Đỗ Hữu Khôn mất ở bệnh viện nào? Được chôn ở đâu sau khi qua đời?
Để làm rõ trường hợp hy sinh của anh trai Đỗ Hữu Khôn và những điểm không thống nhất trong nội dụng các Giấy báo tử gia đình nhận được, từ năm 1999, ông Đỗ Ngọc Minh (em trai quân nhân Đỗ Hữu Khôn) và sau này là cả con trai Đỗ Hữu Ngọc tiếp tục gửi đơn đến Sở Lao động TB&XH, Bộ Tư lệch Thủ đô, Sư đoàn 320 đề nghị làm rõ hoàn cảnh hy sinh của người thân và tại sao không được công nhận là liệt sĩ.
Cuối năm 2011, ông Đỗ Ngọc Minh và đại diện gia đình vào làm việc tại Sư đoàn 320 tại tỉnh Gia Lai đề nghị kiểm tra về trường hợp hy sinh của quân nhân Đỗ Hữu Khôn. Kết quả kiểm tra cho thấy, sổ lưu tại đơn vị ghi quân nhân Đỗ Hữu Khôn là liệt sĩ. Năm 2005, khi Sư đoàn 320 dựng bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ có tên quân nhân Đỗ Hữu Khôn ở dòng thứ 276. Ngày 8/12/2011, Sư đoàn 320 đã gửi giấy xác nhận thông tin về liệt sĩ gửi cho ông Đỗ Ngọc Minh và gia đình.
Ngày 10/3/2012, đồng chí Bùi Huy Bổng, nguyên Trung tá Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 320, người trực tiếp ký Giấy báo tử lần 2 ghi ngày 16/5/1969 với nội dung quân nhân Đỗ Hữu Khôn hy sinh trong trường hợp rủi ro cũng gửi văn bản đến Bộ chỉ huy Sư đoàn 320 thừa nhận việc mắc sai sót trong việc ký Giấy báo tử ngày 16/5/1969. Đồng thời đề nghị lấy Giấy báo tử ghi ngày 25/4/1969 của Trung tá Nguyễn Minh Khang làm căn cứ để giải quyết chế độ cho quân nhân Đỗ Hữu Khôn đúng theo quy định.
Trao đổi với PV Dân trí, anh Đỗ Hữu Ngọc, đại diện cho gia đình quân nhân Đỗ Hữu Khôn cho biết: “Đã 44 năm trôi qua gia đình tôi không rõ bác tôi hy sinh trong trường hợp nào, vì vậy chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét trả lời và công nhận liệt sĩ đối với bác Đỗ Hữu Khôn. Bác Khôn không còn bố mẹ, không có vợ con, nếu được công nhận liệt sĩ cũng không có ai được nhận khoản hỗ trợ chính sách hàng tháng, việc này chỉ mang ý nghĩa an ủi hương hồn người đã khuất mà thôi. Nếu không đủ điều kiện công nhận liệt sỹ, gia đình tôi cũng mong muốn biết được bác tôi hy sinh ở bệnh viện nào? Chôn ở đâu? Để gia đình tìm và đưa về chôn chất tại quê nhà”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương