25 năm trầy trật đi tìm lại đất

(Dân trí) - Đã ngót nghét 25 năm qua, gia đình ông Trần Văn Bình và bà Cao Thị Thu ở xóm 4, xã Nghĩa Thuận, TX Thái Hòa, Nghệ An đau đáu đi tìm lại số đất mà mình chắt chiu từng đồng để mua.

5-61fc6

Những lá đơn kiến nghị được bà Thu gửi đi không biết bao nhiêu lần.

Năm 1991, gia đình ông Bình bà Thu có mua một thửa đất sát tỉnh lộ 48 (nay là quốc lộ 48) của UBND xã Nghĩa Thuận (trước đây thuộc huyện Nghĩa Đàn, nay TX Thái Hòa) với giá là 1,2 triệu đồng. Được biết vào thời điểm đó có rất nhiều hộ cũng mua đất của UBND xã với mức giá 40.000 đồng một thửa. Ông Bình cũng cho biết thêm hồi đó chưa có máy móc đo đạc nên cũng không biết chính xác diện tích. Song áng chừng diện tích trung bình mỗi thửa là 300 - 400m2.

Đất mua nhiều, bìa cấp ít?

Sau khi mua đất được một năm. Năm 1992, thì mảnh đất của ông xảy ra tranh chấp với hộ gia đình ông Đinh Văn Năm ở phần phía sau của thửa đất (thửa đất ông Bình mua của UBND xã năm 1991). Sau đó UBND xã cùng với ban địa chính đã xuống tận nơi để giải quyết.

a1-0f3f8
Giấy CNQSDĐ được cấp năm 1999 cho ông Bình 39,6m2.

Lúc này, gia đình ông Bình nhận được một tờ giấy viết tay có tên gọi “trích bản đồ giải quyết đất đai” do cán bộ địa chính xã Nghĩa Thuận lúc này là ông Đinh Văn Ty viết. Trong tờ giấy này có ghi rõ diện tích của thửa đất là 103m2 không tính đất lưu không.

Nhiều hộ dân sinh sống gần khu vực nhà ông Bình cho biết thêm rằng bốn năm sau khi mua đất, đa phần trong số họ đều được cấp giấy chứng nhận quyền sự dụng đất. Gia đình ông bà là một trong số ít những hộ không được cấp. Song những người làm địa chính lúc bấy giờ cũng không cho biết lí do.

11-9754a
Giấy thu tiền ông bà còn lưu giữ.

Bản thân ông Bình là thương binh hạng 4/4, đã phải cưa cụt hai chân để giữ lại tính mạng do hậu quả của chiến tranh. Thời điểm đó, bà Thu một nách nuôi ba con nên cũng không làm gì ra tiền. Thấy vợ vất vả, ông đành dựng một cái lều nhỏ ngay trên thửa đất rồi nấu nước chè xanh bán cho người đi đường. Số tiền mua đất cũng gom góp từ người thân, bạn bè. Người ít thì vài chục nghìn, người nhiều thì cho vay đến tiền trăm.

“Phải mất 15 năm sau mới trả hết nợ, có người thương họ cũng không lấy lãi”- bà Thu bộc bạch.

Năm 1995, một căn nhà cấp bốn đơn sơ được xây lên, năm con người trong gia đình ấy có cái chỗ gọi là trú mưa, tránh nắng. Mãi tới năm 1999, UBND xã mới cấp cho gia đình ông bà giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, điều đáng nói là diện tích của thửa đất mà ông bà được sử dụng chỉ vọn vẹn gần 40m2 (39,6m2).

4-4127a
Trích bản đồ giải quyết đất đai năm 1992.

Mòn mỏi đi đòi đất

Kể từ đó đến nay, không biết bao nhiêu lần bà đi lên UBND xã, rồi đến thị xã Thái Hòa với mong muốn được cấp lại bìa đỏ. Thế nhưng, càng đi càng thất vọng, hụt hẫng và bế tắc. Có đến cả xấp những lá đơn kiến nghị được bà lưu giữ cẩn trận trong tủ.

Trong khi đó, theo bản đồ địa chính đo đạc năm 2007 thì diện tích của gia đình ông Bình đang sử dụng là 138m2. 

6-72c5c
Trích lục bản đồ địa chính thửa đất ông Bình ngày 25/5/2015 thể hiện 138m2.

Tháng 5/2015, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Thái Hòa đã tiến hành kiểm tra thực địa và kết luận thửa đất đủ điều kiện trích lục và đo vẽ bản đồ địa chính.

9-8471a
Ông Bình bà Thu với hàng xấp giấy tờ liên quan đến thửa đất của gia đình.

Tháng 7/2015, khi có chủ trương cấp, đổi lại giấy CNQSDĐ, gia đình ông bà đã không làm thủ tục. "Nếu có cấp đổi lại thì số đất cũng chỉ là 39,6 m2 mà thôi. Nên vợ chồng tôi không làm nữa...", ông Bình nói.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Võ Sỹ Thông - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết: “Sau khi nhận được kiến nghị của gia đình, UBND xã đã tiến hành họp toàn ban chỉ đạo để xác định nguồn gốc đất. Hội đồng xác định theo hành lang thì còn lại 56m2. Sắp tới sẽ còn họp lại để tiếp tục xem xét giải quyết”.

10-copy-0a5e4
Gia đình đã xây dựng nhà ở trên thửa đất mua năm 1991.

Còn cán bộ địa chính xã, anh Vũ Văn Hiệu thì cho rằng: “Việc cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ gia đình không thuộc thẩm quyền của xã. Bản thân xã chỉ có trách nhiệm hướng dẫn, xác định nguồn gốc, thẩm tra hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ sau đó hướng dẫn các hộ dân chuyển hồ sơ lên phòng một cửa Thị xã Thái Hòa. Còn về con số 103m2 là do các cụ ngày xưa tính sai. Quan điểm của xã là làm đúng, làm đủ…”.

Ở cái tuổi xế chiều ông Bình bà Thu chỉ mong có được những tháng ngày thảnh thơi bên con cháu. Sẽ không còn cái cảnh bà ôm đống giấy tờ chạy vạy khắp nơi với mong mỏi được cấp lại bìa đất.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Hồ Hà