10 năm Hợi có ý nghĩa to lớn trong lịch sử dân tộc
(Dân trí) - Hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, hơn 30 năm sau ngày bắt đầu công cuộc đổi mới, Việt Nam đã có những bước phát triển thần kỳ. Năm Kỷ Hợi 2019, Việt Nam vững bước hội nhập với thế giới và hy vọng sẽ tạo lập những mốc son mới trong lịch sử.
- Kỷ Hợi – 39
Tháng 9 năm 39, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị tập hợp các tướng lĩnh cùng nhau làm Hội thề ở cửa sông Hát (huyện Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay) với lời thề:
"Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này".
Nợ nước, thù nhà Trưng Trắc cùng em Trưng Nhị chuẩn bị lực lượng để sang đầu năm 40 phất cờ khởi nghĩa. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Sau gần một năm nổi dậy chiến đấu liên tục, nhân dân Âu Lạc dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng đã giành được độc lập cho đất nước.
- Kỷ Hợi – 939
Sau chiến thắng Bạch Đằng, đại thắng quân Nam Hán (Mậu Tuất 938), Ngô Quyền xưng Vương đóng đô ở Cổ Loa (thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Năm 939 Ngô Vương đặt quan chức, chế triều nghi, định phục sắc và chỉnh đốn chính trị trong nước, mở đầu triều Ngô. Ngô Vương qui định sắp đặt các quan chức văn võ và các nghi thức trong triều cùng áo mũ cho các quan. Mở đầu thời kỳ phát triển của quốc gia phong kiến độc lập và lớn lên nhanh chóng của dân tộc Việt Nam.
- Kỷ Hợi - 1419
Bắt đầu từ năm Kỷ Hợi 1419 cho đến năm Canh Tý 1420, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, trong nước có nhiều cuộc dấy binh nổi lên. Theo lịch sử ghi lại ngoài cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, còn nổi lên 3 cuộc khởi nghĩa tương đối lớn, đó là cuộc nổi dậy của Phan Liêu (Nghệ An) và Lộ Văn Luật (Thạch Thất, Hà Tây), cuộc khởi nghĩa của Phạm Ngọc (An Lão, Hải Phòng) và cuộc khởi nghĩa của Lê Ngã (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng).
- Kỷ Hợi – 1479
Vua Thái Tông sai Ngô Sĩ Liên biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư” chia làm 2 bản. Một bản kể từ Hồng Bàng Thị cho đến thập nhị Sứ Quân có 5 quyển. Một bản kể từ Đinh Tiên Hoàng cho đến Lê Thái Tổ có 10 quyển. Cũng trong năm Kỷ Hợi - 1479, có tù trưởng xứ Bồn Man làm phản, xui người Lão Qua (người Lào) đem quân quấy nhiễu miền Tây nước ta. Vua Thánh Tông sai quan Thái uý Lê Thọ Vực, cùng với các tướng Công Lộ, Lê Đình Ngạn, Lê Lộng và Lê Nhân Hiếu đem 5 đạo quân từ Nghệ An, Thanh Hoá sang đánh đuổi quân Lão Qua đến sông Kim Sa, quân ta toàn thắng.
- Năm Tân Hợi – 1911
Trưa ngày 5/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu Đô đốc Latouche Trêville tại Bến Nhà Rồng (Sài Gòn), ra đi tìm đường cứu nước với bí danh “Anh Ba”. Đó là bí danh đầu tiên của Bác khi làm phụ bếp trên tàu.
- Năm Ất Hợi - 1935
Ngày 27/3/1935 Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập tại Ma Cao (Tô giới của Bồ Đào Nha trên lãnh thổ Trung Quốc). Đại hội có 13 đại biểu đại diện cho 600 đảng viên thuộc các Đảng bộ trong và ngoài nước. Đại hội do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Lúc này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang công tác ở Quốc tế Cộng sản và đồng chí Lê Hồng Phong đang dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, nên không tham dự Đại hội. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm 13 uỷ viên (9 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết), đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Đại hội quyết định những nhiệm vụ trọng yếu của Đảng, mở ra một tương lai rực rỡ cho cách mạng Việt Nam.
- Năm Đinh Hợi 1947
Ngày 19/12/1946 là một trong những mốc lịch sử quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam: Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” với nội dung “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Thủ đô Hà Nội là địa điểm mở đầu cho cuộc chiến đấu của nhân dân cả nước chống kẻ thù xâm lược.
Lễ Quyết tử của các lực lượng vũ trang Hà Nội tại rạp Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng) trước bàn thờ Tổ quốc và ảnh Bác ngày 14/1/1947 là một lời thề quyết tử, không sợ gian khổ, hy sinh bảo vệ Thủ đô. Ngày 27/1/1947, bước vào cuộc chiến đấu mới, quân và dân Thủ đô được đón đọc thư gửi các chiến sĩ quyết tử quân Thủ đô của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương các chiến sĩ Thủ đô: …“Các em là đại biểu của tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại… nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời sau”. Đó là tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.
Đêm ngày 14/2/1947, Quân uỷ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định cho Trung đoàn Thủ đô ra hậu phương để bảo đảm an toàn lực lượng. Đêm 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô đã bí mật rút lui an toàn. 60 ngày đêm chiến đấu “Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã chứng minh cho quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của dân tộc Việt Nam.
- Kỷ Hợi – 1959
Đảng ta tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khoá II) đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam, quyết định một vấn đề quan trọng của đất nước: “Chuyển Cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang”. Đây là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam, mở đầu là phong trào Đồng Khởi năm 1959-1960. Ngày 19/5, tuyến đường vận tải chiến lược 559 (đường mòn Hồ Chí Minh) được thành lập. Đây là một con đường huyền thoại, góp phần to lớn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Năm Ất Hợi - 1995
Việt Nam và Hoa Kỳ tiến hành bình thường hóa quan hệ sau 20 năm kết thúc chiến tranh. Ngày 28/1 Việt Nam và Hoa Kỳ thỏa thuận mở các cơ quan liên lạc giữa hai nước tại Thủ đô Hà Nội và Washington. Ngày 11/7 Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày 12/7 Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Ngày 2/10 Hội nghị về bình thường hóa quan hệ kinh tế Mỹ- Việt Nam được tổ chức tại Washington.
Ngày 28 tháng 7 năm 1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan của đất nước Brunei Darussalam tươi đẹp, trong tiếng Quốc ca hùng tráng, Quốc Kỳ Việt Nam đã tung bay phấp phới cùng cờ của 6 thành viên ASEAN khác, mở ra một trang sử mới của khu vực: Việt Nam chính thức là thành viên thứ 7 của ASEAN. Sự kiện này là một dấu son trên con đường hội nhập khu vực và thế giới, đưa nước ta tiến lên trên con đường xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vị thế Việt Nam ở khu vực và trên toàn cầu không ngừng được nâng cao, việc gia nhập ASEAN năm 1995 thực sự là bậc thang vững chắc để nước ta hội nhập với đại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC); liên khu vực Á-Âu (ASEM) và toàn cầu WTO.
Năm 1995 cũng có 2 sự kiện đáng nhớ: Ngày 1/5 lễ đón dòng dầu khí đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ tới nhà máy điện Bà Rịa; Ngày 12/10 nghiệm thu công trình đường dây tải điện 500KV Bắc – Nam.
- Năm Đinh Hợi - 2007
Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, một sự kiện có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định vị thế đất nước ta, dân tộc ta với cộng đồng quốc tế, là một minh chứng hùng hồn về quyết tâm và nghị lực của nhân dân ta xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ, ổn định, xứng đáng là một trong những nền kinh tế phát triển năng động, sẵn sàng thực hiện các cam kết chung với cộng đồng quốc tế.
Cũng trong năm 2007, Việt Nam được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 với số phiếu cao, thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam.
Hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, hơn 30 năm sau ngày bắt đầu công cuộc đổi mới, Việt Nam đã có những bước phát triển thần kỳ. Năm Kỷ Hợi 2019, Việt Nam vững bước hội nhập với thế giới và hy vọng sẽ tạo lập những mốc son mới trong lịch sử.
NGUYỄN THANH GIANG (Biên soạn)