Phối hợp với quốc tế để ngăn nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 vào Việt Nam

(Dân trí) - Nguồn tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với các tổ chức quốc tế (FAO và CDC) bàn giải pháp ứng phó nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào Việt Nam.

Phối hợp với quốc tế để ngăn nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 vào Việt Nam (Ảnh minh họa).
Phối hợp với quốc tế để ngăn nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 vào Việt Nam (Ảnh minh họa).

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) chia sẻ cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận 112 trường hợp người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9 (tính từ cuối tháng 3/2013 đến nay đã có tổng số 1.179 người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9, trong đó có 418 ca tử vong); đồng thời thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Công điện số 1475/CĐ-BNN-TY ngày 17/2/2017 về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam.

Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhằm tham mưu đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ vi rút cúm xâm nhiễm vào Việt Nam, ngày 20/2 vừa qua, Cục Thú y đã mời đại diện của FAO tại Việt Nam (bao gồm Dr. Pawin Padungtod, Điều phối viên cao cấp về các bệnh truyền lây qua biên giới và bệnh mới nổi và Dr Ken Inui, Chuyên gia phòng thí nghiệm về bệnh cúm) và Đại điện của Văn phòng Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ - CDC tại Việt Nam (bao gồm: Dr Anthony Mounts, Giám đốc văn phòng và Dr Jeffrey W McFarland, Giám đốc Chương trình Cúm của CDC tại Việt Nam) đến họp tại Cục Thú y để bàn và đề xuất xây dựng các giải pháp kỹ thuật. Sau khi tra đổi đặc điểm tình hình, tính chất nguy hiểm và những khó khăn, vướng mắc hiện nay của Việt Nam, các chuyên gia quốc tế thống nhất và đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét chỉ đạo thực hiện các giải pháp kỹ thuật được tóm tắt như sau:

Kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, bao gồm việc kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam. Đề nghị các lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập khẩu bất hợp pháp gia cầm, sản phẩm gia cầm. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, xử lý triệt để các đường dây vận chuyển, các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Đề xuất nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán gia cầm bất hợp pháp. Xác nhận trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân hợp thức hóa nguồn gốc gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới. Tăng cường kiểm soát vận chuyển, lưu thông trong nước.

Thành lập các đoàn công tác thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại tuyến cơ sở (Cục Thú y đã thành lập 5 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh liên quan đến buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm).

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quan thông tấn như truyền hình, phát thanh, báo chí, với các địa phương tuyên truyền để nhân dân giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, các sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc rõ ràng vào trong nước tiêu thụ.

Tiếp tục chủ động triển khai giám sát, lấy mẫu giám sát trên gia cầm được buôn bán tại các chợ, điểm thu gom, tập kết gia cầm và các mẫu môi trường thuộc địa bàn có nguy cơ cao như các tỉnh biên giới phía Bắc, các địa phương có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc (thông qua các chương trình giám sát hiện nay do USAID, FAO, CDC tài trợ).

Tổ chức tập huấn cho thú y các địa phương về kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản và gửi mẫu giám sát vi rút cúm A/H7N9, năng lực chẩn đoán, xét nghiệm nhanh tại phòng thí nghiệm và tại các chợ gia cầm (trong vòng 1 ngày). Liên hệ với các phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế về bệnh cúm của WHO, FAO, OIE, Úc, Hoa Kỳ và Trung Quốc để cập nhật các quy trình kỹ thuật chẩn đoán xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9 và các vi rút cúm khác (A/H5N1, A/H10N8, A/H5N2, A/H6N1,...).

Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại đường biên giới. Không cho buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại các khu vực đường biên và các khu kinh tế mở, nhằm tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với FAO, OIE, các tổ chức quốc tế khác và các nước có liên quan chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch; huy động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và vật tư phục vụ phòng chống dịch.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm