Phát hiện hủ tiếu, mì khô nhiễm chất tẩy trắng

(Dân trí) - Chủ động trong việc giám sát, phát hiện sớm nguy cơ ô nhiễm trong sản phẩm bún, bánh khô, Chi Cục An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện nhiều sản phẩm hủ tiếu, mì khô ô nhiễm, nguy hại cho sức khỏe người dùng.

Phát hiện hủ tiếu, mì khô nhiễm chất tẩy trắng


Ngày 1/11, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm nghiệm các sản phẩm hủ tiếu, mì khô do Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh lấy tại 12 cơ sở trên địa bàn.

Cụ thể, 12 sản phẩm đã được lấy tại 12 cơ sở tại 4 quận, huyện (quận 6, huyện Củ Chi, Thủ Đức và Tân Phú) để kiểm nghiệm. Kết quả giám sát cho thấy vẫn còn phát hiện 4/12 mẫu có chứa Acid oxalic (chất tẩy trắng) với hàm lượng từ 142 – 307. Đây là chất không được phép tồn dư trong thực phẩm bởi có những mối nguy với sức khỏe con người.

Theo đó, 01 mẫu sản phẩm hủ tiếu khô cơ sở Phạm Văn Năng, địa chỉ: 69 Lê Minh Nhựt, ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi; 01 mẫu sản phẩm mì sợi khô của cơ sở sản xuất mì Hương Viên, địa chỉ: 157/38/1/12 Mai Xuân Hưởng, phường 4, quận 6; 01 mẫu sản phẩm mì sợi khô của Hộ Kinh doanh Phạm Thị Khởi Phượng, địa chỉ: 385B/6H/7 Hậu Giang, phường 11, quận 6;  01 mẫu sản phẩm mì khô của Hộ kinh doanh Phong Ký, địa chỉ: 83 đường Văn Thân, phường 8, quận 6.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo kết quả kiểm nghiệm cho các cơ sở, đồng thời đang hoàn chỉnh hồ sơ của 4 cơ sở vi phạm để chuyển Sở Công thương thành phố xử lý theo thẩm quyền.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong 3 tháng (từ tháng 7 đến hết tháng 10/2013) Cục trưởng Cục ATTP đã ban hành quyết định xử phạt 31 trường hợp vi phạm các quy định về ATTP với tổng số tiền phạt 427.000.000 đồng.

Như vậy, trong 10 tháng của năm 2013, Cục ATTP đã xử lý và chuyển hồ sơ vi phạm sang Thanh tra Bộ Y tế để xử lý với tổng số 63 trường hợp vi phạm, trong đó phạt tiền 61 cơ sở với tổng số tiền phạt 915.174.500 đồng. Cùng với việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục ATTP đã yêu cầu hoặc bắt buộc các cơ sở vi phạm dừng ngay hành vi vi phạm; buộc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm không đạt, tiêu hủy các tài liệu quảng cáo sai quy định; đính chính trên phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung quảng cáo sai, đồng thời hướng dẫn các cơ sở khắc phục những sai phạm về ghi nhãn hàng hóa, quảng cáo thực phẩm, điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm... Đến nay, tất cả các cơ sở bị xử phạt đã chấp hành quyết định và hầu hết các sai phạm, tồn tại đã được khắc phục.

Trong thời gian tới, Cục ATTP tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai các trường hợp vi phạm trên phương tiện thông đại chúng để người dân biết, lựa chọn sản phẩm thực phẩm an toàn.

Băng Thu