Xử lý nghiêm và kịp thời các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ngay ở cơ sở

Nhật Linh Đan

(Dân trí) - "Tăng cường truyền thông, phổ biến giáo dục cộng đồng, xử lý kịp thời các vụ xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em có cơ hội được bảo vệ, phát triển toàn diện".

Trẻ em bị xâm hại còn diễn biến phức tạp

Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra, diễn biến phức tạp. Một số đối tượng có lối sống lệch lạc, lợi dụng sơ hở trong quản lý, giáo dục con em của một số gia đình, để xâm hại tình dục trẻ em.

Qua thống kê, so với năm 2023, năm 2024 vụ việc người dưới 16 tuổi bị hiếp dâm tăng 18 vụ, giao cấu với người dưới 16 tuổi tăng 14 vụ. Trước đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, có đến 21 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Ông Đinh Xuân Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bạc Liêu, cho rằng, vẫn còn tồn tại tình trạng một số trẻ em tuổi vị thành niên chưa được gia đình, nhà trường, xã hội quan tâm, quản lý, giáo dục tốt nên có lối sống buông thả, lười lao động, thích ăn chơi đua đòi hưởng thụ.

Mặt khác, do tác động của một số loại sách báo, phim ảnh độc hại dẫn đến vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình và xã hội, sự hình thành nhân cách của các em.

"Nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một bộ phận cán bộ, cha mẹ và công dân chưa tốt; kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của nhiều gia đình và kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em còn hạn chế", ông Phượng nêu nguyên nhân.

Xử lý nghiêm và kịp thời các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ngay ở cơ sở - 1

Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu trong một lần đến thăm hỏi, hỗ trợ trẻ bị xâm hại (Ảnh: Huỳnh Hải).

Trong đợt phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2024, ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đánh giá công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cả nước, cũng như của tỉnh còn những khó khăn và thách thức do nhiều nguyên nhân khác nhau.

"Sự an toàn của trẻ em chưa được đảm bảo, nạn bạo hành, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích vẫn còn diễn biến phức tạp", ông Thăng chia sẻ.

Về việc này, theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, nguyên nhân do đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của trẻ em, lợi dụng lúc không có người lớn trông coi; nhiều trường hợp có mối quan hệ quen biết, họ hàng, người trong gia đình nạn nhân, cha mẹ đi làm ăn xa gửi con cho ông bà chăm sóc.

Một số vụ xâm hại do trẻ em có thể trạng phát triển so với độ tuổi trẻ em, sự thiếu quan tâm của gia đình, do trẻ học đua đòi, yêu đương sớm dẫn đến sự đồng thuận quan hệ tình dục.

Giải pháp phòng, chống

Để bảo vệ trẻ em trước việc bị bạo hành, xâm hại cũng như tai nạn thương tích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng đề nghị ngành LĐ-TB&XH cùng các sở, ngành, địa phương tăng cường nhận thức, kỹ năng của gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em, thông báo tố giác các hành vi xâm hại,…

"Chủ động phòng ngừa và giải quyết ngay tại cơ sở các vụ xâm hại, ngược đãi, bạo hành trẻ em, bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh", ông Thăng yêu cầu.

Xử lý nghiêm và kịp thời các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ngay ở cơ sở - 2

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, trao quà đến trẻ em trong tháng hành động vì trẻ em năm 2024. Theo ông, các ngành chức năng cần chủ động phòng ngừa, giải quyết ngay các vụ việc vi phạm, xâm hại trẻ em tại cơ sở (Ảnh: Huỳnh Hải).

Nêu giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trong kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh vừa qua, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau Phạm Thành Sỹ cho rằng, các ngành chức năng, trong đó lực lượng bảo vệ chăm sóc bà mẹ trẻ em là hết sức quan trọng.

Theo ông, thực tế trên địa bàn đã xảy ra một số trường hợp đối tượng xâm hại trẻ gái là người thân trong dòng tộc. Việc này cho thấy, rõ ràng việc phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em phải bắt đầu từ gia đình, từ cơ sở.

Các ngành chức năng, gia đình phải có biện pháp phù hợp, điều tra xử lý theo đúng quy định pháp luật, với mục tiêu bảo vệ danh dự, uy tín, cuộc sống của trẻ em gái.

Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý về công tác bảo vệ, chăm sóc, lồng ghép xây dựng ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền giáo dục học sinh trong các trường học về phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các hoạt động ngoại khóa.

Các địa phương bằng nhiều hình thức linh hoạt công tác tuyên truyền đến ấp, khóm, xã, gia đình và trẻ em về kỹ năng phòng, chống tai nạn, xâm hại trẻ em, giúp các gia đình, những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có giải pháp quản lý con em mình an toàn.

Ông Đinh Xuân Phượng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, nêu giải pháp, cần tăng cường truyền thông, phổ biến giáo dục cộng đồng và xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc vi phạm, xâm hại trẻ em.

Qua đó, tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu, các quyền cơ bản của trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc và phát triển toàn diện.