Nghệ An:

Xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động thế nào?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Bảo hiểm xã hội Nghệ An sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý hình sự đối với các đơn vị xác định đủ yếu tố cấu thành tội danh chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Nghệ An, tính đến hết tháng 6, tổng số tiền thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn đạt hơn 4.043 tỷ đồng (46,8% kế hoạch giao), tăng 377 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động thế nào? - 1

BHXH Nghệ An tuyên truyền các điểm mới về chính sách bảo hiểm (Ảnh: M.Q).

Tuy nhiên hiện nay, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này đang ở mức cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động không được hưởng hoặc chậm hưởng chế độ BHXH khi ốm đau, bệnh tật, mang thai, sinh đẻ hoặc bị tai nạn lao động.

Đến hết quý 2/2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 339,5 tỷ đồng, chiếm 3,93% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao, giảm 0,04% tỷ lệ chậm đóng so với cùng kỳ 2022.

Tình trạng chậm đóng bảo hiểm tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), các doanh nghiệp ngừng kinh doanh.

Cụ thể, có 1.894 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chậm đóng 64 tỷ đồng BHXH, BHYT, chiếm 18,95% tổng số tiền chậm đóng; 938 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, chậm đóng hơn 95 tỷ đồng bảo hiểm, chiếm 25,21%.

Xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động thế nào? - 2

Hội nghị tư vấn, phổ biến các chính sách bảo hiểm với người lao động, người sử dụng lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (Ảnh: M.Q).

Ngoài ra, có 16 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm kéo dài, cơ quan BHXH tỉnh Nghệ An đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không mang lại hiệu quả, tương ứng số tiền BHXH, BHYT chậm đóng là hơn 85,6 tỷ đồng, chiếm 22,21%.

Trước tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT nói trên, ngành bảo hiểm đã triển khai nhiều giải pháp đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng tại các đơn vị sử dụng lao động.

Trong nỗ lực thực hiện việc thu, giảm nợ BHXH, BHYT, trong 6 tháng đầu năm 2023, BHXH tỉnh phối hợp Phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức làm việc với 79 đơn vị chậm đóng bảo hiểm, thu hơn 3,3 tỷ đồng.

Xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động thế nào? - 3

BHXH phối hợp công an tuyên truyền, phổ biến các quy định về xử lý hình sự các hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm tới các đơn vị sử dụng lao động (Ảnh: M.Q).

Bên cạnh đó, các tổ đôn đốc thu hồi nợ của BHXH tỉnh Nghệ An đã thực hiện đôn đốc, thu trực tiếp hơn 14 tỷ đồng tại gần 2.000 đơn vị chậm đóng BHXH từ 2 tháng trở lên; làm việc trực tiếp với 542 doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan BHXH, thu hơn 3,3 tỷ đồng.

Các đoàn thanh tra liên ngành tổ chức thanh tra tại 170 đơn vị, thu được gần 15 tỷ đồng; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 7 đơn vị chậm đóng bảo hiểm.

Trong thời gian tới, BHXH tỉnh Nghệ An triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tại các đơn vị; chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý hình sự đối với các đơn vị xác định đủ yếu tố cấu thành tội danh chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung 6 biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật BHXH. Trong đó, có quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày) và bổ sung trách nhiệm của người sử dụng phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Theo đại diện BHXH Nghệ An, nếu dự thảo được thông qua, sẽ hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đặc biệt là chậm đóng, trốn đóng thời gian dài dẫn tới không có khả năng thu hồi, góp phần đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng BHXH cho người lao động.