"Xén" giờ làm đặt hàng cho em, nữ nhân viên bị lừa bay nửa triệu đồng
(Dân trí) - Thanh ngồi tìm mua tủ quần áo cho cậu em họ vừa lên thành phố nhập học ngay trong giờ làm. Trong chốc lát, cô gái đã bị lừa mất bay 500.000 đồng.
Nguyễn Bảo Thanh, 26 tuổi, nhân viên văn phòng tại công ty du học ở quận 3, TPHCM kể, cô vừa bị lừa tiền qua mạng xã hội trong buổi làm việc ngày 6/9.
Thanh cho biết, em họ của cô vừa ở quê vào TPHCM nhập học đại học, thuê trọ ở quận Gò Vấp. Lo em còn nhiều bỡ ngỡ nên Thanh đứng ra sắm sửa, chuẩn bị đồ dùng cần thiết cho em.
Nóng lòng sắm sửa để em sớm ổn định chỗ ở, Thanh thường tranh thủ ngồi lùng sục, tìm hiểu ngay trong giờ làm việc.
Thanh phấn khởi khi săn được nhiều đồ dùng cá nhân thanh lý chất lượng, giá tốt. Tính ra, chỉ còn thiếu mỗi chiếc tủ quần áo.
Qua một diễn đàn trao đổi đồ dùng, Thanh kết nối được với một khoản trên mạng xã hội để đặt mua tủ cho em.
Tài khoản này hỏi han rất tỉ mỉ, chi tiết về kích cỡ, mẫu mã, màu sắc tủ cô đang cần. Sau khi hai bên chốt mẫu tủ với giá 1,7 triệu đồng, bên kia yêu cầu Thanh đặt cọc 500.000 đồng, hẹn hai ngày sau sẽ nhận hàng.
Tuy nhiên, ngay sau khi thanh chuyển tiền đặt cọc, tài khoản này báo bên kho yêu cầu đơn của Thanh phải thanh toán trước 100% do làm theo mẫu thiết kế và được giảm 10%.
Tài khoản này còn nói: "Em không làm ăn thất đức đâu, chị cứ tin tưởng em. Nếu không thì em gửi trả cọc cho chị".
Khi Thanh từ chối thanh toán hết, đưa ra đề nghị nhận hàng sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại thì phía bên kia còn đề xuất sẽ ứng trước cho Thanh một nửa, cô chỉ cần đóng hơn 500.000 đồng.
"Khi tôi đề nghị chuyển cọc lại thì tài khoản bên kia đã chặn tôi và không thể nào liên lạc được nữa. Lúc này tôi mới hay mình đã bị lừa", giọng cô gái run run như muốn khóc.
Nữ nhân viên cho hay, nửa triệu đồng là tiền 2 ngày công làm việc của cô. Cô vừa xót tiền vừa trách mình đã không lường hết được những bẫy lừa đảo trên mạng.
Bị mất tiền, cả trưa Thanh không còn thiết tha ăn uống gì, tâm trạng chán nản, mệt mỏi.
"Tôi còn không dám nói cho em họ biết vì sợ bị... cười. Giá như tôi bớt sốt ruột, bớt nóng vội thì có lẽ đã khác. Biết mình ngu nhưng giờ tôi vẫn muốn nói ra trường hợp của mình để mọi người cẩn thận hơn với đủ chiêu lừa đảo trên mạng", Thanh nói.
Vào mùa nhập học, rất nhiều chiêu lừa đảo nhắm vào tân sinh viên. Các trường đại học liên tục cảnh báo để người học tăng cường cảnh giác, tránh bị lừa đảo.
Thực tế, không chỉ sinh viên mà nhiều người lao động, nhân viên cũng bị lừa... trong mùa nhập học. Họ bị lừa ngay trong quá trình hỗ trợ các sinh viên là anh em họ hàng, người thân lên thành phố nhập học.
Anh H.H., ngụ ở TP Thủ Đức, TPHCM kể khi biết cháu đỗ đại học và sắp vào thành phố nhập học, anh tất tả đi tìm phòng trọ cho cháu.
Qua một diễn đàn, anh kết nối được với một tài khoản giới thiệu nhà trọ đúng nhu cầu của cháu anh.
Anh H, còn xin nghỉ phép tranh thủ đi xem phòng cho cháu theo địa chỉ được chỉ dẫn. Khi đến nơi, anh chỉ đứng bên ngoài quan sát do bên trong thợ đang sửa sang lại.
Thấy ổn, anh đặt cọc 3 triệu đồng và trước ngày chuyển vào, bên kia yêu cầu anh thanh toán thêm một tháng tiền nhà 3 triệu đồng.
Ngày cháu vào, hai chú cháu đến chỗ trọ thì mới té ngửa... nơi đó không hề cho thuê phòng. Anh liên lạc lại với tài khoản kia thì tất cả mọi kênh đã chặn số.
"Tôi thường rất cẩn trọng nhưng không ngờ mình vẫn bị lừa một cách tinh vi như vậy. Người ta thường bị lừa vì lòng tham nhưng ở đây, tôi không tham mà do đã quá chủ quan, không có kỹ năng, kinh nghiệm. Mất tiền đã đành, hai chú cháu lại nháo nhác đi tìm phòng mới", nam nhân viên bày tỏ.
Việt Nam được coi là "điểm đen" về an ninh mạng do số cuộc lừa đảo, số tiền bị lừa đảo là rất lớn. Theo Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và Dự án xã hội chống lừa đảo, có gần 16 tỷ USD tiền lừa đảo người Việt qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD tiền lừa đảo tính trên toàn cầu.
Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong 11 tháng đầu năm 2023 cho thấy có gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng.
Hình thức lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, trà trộn, lợi dụng thói quen sinh hoạt, mua sắm, chi tiêu hàng ngày của người lao động nên không dễ dàng phát hiện.
Từ trải nghiệm của bản thân, anh H.H. cho hay, hậu quả của lừa đảo qua mạng không đơn giản chỉ nằm ở số tiền bị mất mà còn gây hậu quả nghiêm trọng lên sức khỏe tinh thần của nạn nhân.
Cả tuần qua, sau khi bị lừa tiền, anh rơi vào trạng thái buồn bực, ê chề, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc.