Lâm Đồng:
Xây dựng mô hình điểm tuyên truyền bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
(Dân trí) - Nhiều mô hình tuyên truyền về bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Lâm Đồng triển khai ở cấp tỉnh, sau đó nhân rộng ra các huyện, xã có đông đồng bào sinh sống.
Nhân rộng mô hình điểm
Tính đến ngày 31/12/2022, dân số toàn tỉnh Lâm Đồng đạt gần 1,4 triệu người với 47 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là gần 78.000 hộ với khoảng 340.000 người (chiếm gần 26% dân số toàn tỉnh).
Với số lượng dân tộc và tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số cao như trên, việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng là rất quan trọng.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, tuyên truyền các chính sách về dân số kế hoạch hóa gia đình, về bình đẳng giới trong vùng dân tộc thiểu số là một trong những hoạt động chính của ngành.
Nội dung này được lồng ghép trong nhiều hoạt động liên quan của tất cả các ban ngành, tuy nhiên, hoạt động chính vẫn tập trung ở dự án 8 (thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em) của Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại Lâm đồng, cả 4 nội dung của dự án 8 đều được giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức thực hiện trên địa bàn các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của 7 huyện (trong tổng số 10 huyện và 2 thành phố trên toàn tỉnh).
Tuy dự án có 4 nội dung tuyên truyền khác nhau, nhưng mô hình mà Hội Phụ nữ triển khai là thống nhất từ cấp tỉnh đến các huyện, xã.
Từ năm 2021, Hội Phụ nữ tỉnh đã chọn các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng những mô hình như Tổ truyền thông cộng đồng; câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi; địa chỉ tin cậy cộng đồng; tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ (hoặc đồng làm chủ)…
Các tổ nhóm trên là những đội nòng cốt để lan truyền thông các thông điệp truyền thông bình đẳng giới thông qua hình thức tương trợ kinh tế, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm làm ăn, kiến thức pháp luật… Sau khi hiểu các thông điệp tuyên truyền, thành viên những tổ nhóm trên sẽ lan tỏa đến người thân lân cận, bà con lối xóm trong cộng đồng.
Khi những mô hình điểm chứng minh được hiệu quả tuyên truyền, Hội Phụ nữ tỉnh triển khai tập huấn, hướng dẫn cho Hội phụ nữ, ngành lao động, giáo dục cấp huyện… cách thành lập, vận hành những mô hình trên ở quy mô địa phương.
Từ những mô hình điểm này, các huyện, xã tham gia dự án 8 học theo và mở rộng mô hình. Tính đến nay đã có 69 Tổ truyền thông cộng đồng; 15 câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi; 12 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 3 tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ…
Lan tỏa như vết dầu loang
Với gần cả trăm nhóm nòng cốt trải rộng ở tất cả các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các nội dung tuyên truyền của dự án 8 đều được triển khai thông suốt hiệu quả và lan tỏa theo mô hình vết dầu loang.
Từ đó, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng về bình đẳng giới, thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" và giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, chỉ riêng trong năm 2023, Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức hàng ngàn chương trình tuyên truyền về 4 nội dung trong dự án 8.
Chẳng hạn như nội dung 1 (tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em), Hội phụ nữ các huyện tổ chức 7 lớp tập huấn, thành lập 69 tổ truyền thông cộng đồng, tổ chức được 16 cuộc truyền thông xóa bỏ định kiến giới…
Về nội dung số 2 (xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em), Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn về kỹ năng lên tiếng, phát hiện, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; ra mắt 3 địa chỉ tin cậy cộng đồng…
Hội Phụ nữ các huyện tổ chức 1 lớp nâng cao kỹ năng; 1 hội thảo nâng cao vị thế quyền năng kinh tế cho hội viên phụ nữ; 5 lớp tập huấn triển khai mô hình địa chỉ an toàn; thành lập 12 địa chỉ tin cậy cộng đồng...
Trong nội dung số 3 (đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị), Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức 3 buổi tập huấn cho cán bộ nòng cốt; xây dựng 1 Tổ truyền thông cộng đồng.
Hội Phụ nữ các huyện tổ chức 5 lớp tập huấn; thành lập 12 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi; tổ chức 5 buổi đối thoại giữa cấp ủy chính quyền với cán bộ, hội viên, phụ nữ các xã...
Về nội dung số 4 (trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng), Hội phụ nữ tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn cho 71 cán bộ nòng cốt, 7 lớp tập huấn cho trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng; biên soạn và dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng K'Ho để tuyên truyền...