Vùng lũ lâm cảnh vừa cứu người, vừa lo cứu... thực phẩm cứu trợ
(Dân trí) - "Mọi người ơi, đừng hút chân không thực phẩm ăn liền gửi bà con vùng lũ nữa", bài viết trên mạng xã hội khiến nhiều người đặt câu hỏi về cách bảo quản, vận chuyển, phân phối hàng cứu trợ đến vùng lũ.
Nguy cơ tiềm ẩn
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh về nhiều nhóm, cá nhân thiện nguyện khắp mọi miền hút chân không bánh mì, bánh bao, giò chả, thịt chế biến sẵn… gửi đến bà con vùng lũ ở các tỉnh, thành miền Bắc.
Tuy nhiên, không ít cư dân mạng và chuyên gia cho rằng đây không phải cách đảm bảo an toàn cho thực phẩm. Một số thành viên của đoàn cứu hộ thông tin rằng bánh mì được hút chân không khi đến tay người dân đều đã khô cứng, rất khó ăn.
Theo TS Vũ Thị Tần, giảng viên Bộ môn Công nghệ các chất vô cơ, Đại học Bách Khoa Hà Nội, các cá nhân, tổ chức thiện nguyện cần rất lưu ý việc hút chân không để bảo quản thực phẩm gửi đến bà con vùng lũ.
Hút chân không là rút hết khí của thực phẩm, tạo môi trường chân không. Điều này có thể ngăn cản sự phát triển của một số loại vi khuẩn. Tuy nhiên, có loại vi khuẩn lại phát triển mạnh mẽ trong môi trường kị khí, chẳng hạn như Botulinum", TS Vũ Thị Tần nói.
Nếu trong quá trình chế biến các loại thực phẩm như bánh mì, bánh chưng, cơm nắm, xôi… không may nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum thì hút chân không sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn so với việc đóng gói theo kiểu thông thường.
"Đây là vi khuẩn sống rất "dai". Chúng ta phải đun nóng thực phẩm ở nhiệt độ trên 120 độ C trong thời gian dài mới có thể loại bỏ. Tuy nhiên, bà con ở vùng lũ đang sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, sẽ không thể đun nóng thực phẩm", TS Tần phân tích.
Trong trường hợp này, thực phẩm sinh ra độc tố Botulinum rất nguy hiểm. Độc tố Botulinum có thể gây nhiễm độc mạnh, thậm chí gây tử vong. Tại TPHCM, từng có 6 người bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn chả lụa, bánh mì và mắm.
"Không chỉ có nguy cơ gây hại cho người, việc hút chân không thực phẩm gửi cho đồng bào lũ lụt còn có thể tăng số lượng rác thải, gây ảnh hưởng đến môi trường", TS Vũ Thị Tần chia sẻ.
Thực phẩm ồ ạt dồn đến, dân vùng lũ vẫn đói
Chị Lê Hoài Hương, thành viên của một nhóm thiện nguyện cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Bắc, cho biết nhóm đang phải gánh thêm trọng trách "cứu" đồ ủng hộ mà người dân gửi đến.
"Bánh mì khi đến tay người dân thì đã bị hỏng, dính nước trong quá trình vận chuyển hoặc hết hạn sử dụng. Mì tôm thì người dân không thể nấu vì không có bếp và nước nóng", chị Hương nói.
Thành viên một nhóm thiện nguyện khác chia sẻ thêm bánh chưng, bánh tét dù rất ngon và được người dân tốn nhiều thời gian, công sức chuẩn bị, nhưng khi đến tay đồng bào vùng lũ, những món ăn cứu trợ này phần lớn đã hư hỏng.
Tham gia vận chuyển hàng cứu trợ đến đồng bào vùng lũ từ những ngày đầu, anh Nguyễn Vương Trường Thành, đại diện nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn, cho biết, hiện tại thực phẩm cứu trợ do người dân gửi đến bà con ở một số nơi tại miền Bắc bị quá tải.
Những nơi thật sự cần tiếp tế lương thực lại bị thiếu vì quá trình vận chuyển, tiếp cận khu vực bị cô lập khó khăn. Nhiều thực phẩm khi đến tay được tay nạn nhân lại hư hỏng, không dùng được, dẫn đến việc lãng phí thức ăn.
"Để hỗ trợ cho đồng bào vùng lũ miền Bắc, chúng ta cần phải hiểu rõ người dân đang thiếu gì và khu vực nào thật sự cần tiếp tế. Việc khắc phục hậu quả sau bão lũ là rất quan trọng vì nhiều người dân đã bị cuốn trôi nhà cửa, mất hết tất cả.
Chúng ta hãy bắt đầu tập trung hỗ trợ bàn ghế, thiết bị, vở, sách giáo khoa cho học sinh. Ngoài ra, thuốc men trị cảm sốt, tiêu chảy, thuốc giảm đau… cũng rất cần thiết trong thời gian này. Chúng ta cũng có thể hỗ trợ hiện kim đến các tổ chức nhà nước, địa phương để thực hiện công tác khắc phục sau cơn bão hoặc ủng hộ vật dụng sinh hoạt, cây giống, gia súc…", anh Thành nói.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Ngân hàng thực phẩm Việt Nam, trước tình hình bão lũ tại miền Bắc, mỗi túi thực phẩm cứu trợ gửi đến bà con vùng lũ cần phải đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, có thể bảo quản lâu dài, dễ dàng vận chuyển trong điều kiện khó khăn.
Mỗi túi thực phẩm có thể bao gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì gói, nước uống, đồ hộp, lương khô và các sản phẩm bổ sung vitamin.