Vụ đốt quán cà phê làm 11 người chết vì mâu thuẫn: Vấn nạn mất nhân tính?

Hoài Nam

(Dân trí) - Vì mâu thuẫn với nhân viên, gã đàn ông 51 tuổi thản nhiên tưới xăng, châm lửa đốt quán cà phê, tước đi 11 sinh mạng. Dư luận bàng hoàng vì gương mặt sát nhân vô cảm, tỉnh bơ thuật lại tội ác của mình.

Đêm 18/12, quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bốc lửa ngùn ngụt. Khi đám cháy được khống chế là cảnh tượng kinh hoàng, 11 người tử vong tại hiện trường.

Thông tin sốc hơn, 11 mạng người bị tước đoạt trong vụ hỏa hoạn xuất phát từ hành vi trả thù đê hèn của gã đàn ông 51 tuổi.

Vụ đốt quán cà phê làm 11 người chết vì mâu thuẫn: Vấn nạn mất nhân tính? - 1

Cảnh sát đưa thi thể các nạn nhân trong vụ việc quán cà phê bị phóng hỏa ra ngoài hiện trường (Ảnh: Thành Đông).

Sau khi bị bắt giữ, C.V.H. khai từng đến quán để uống bia rồi phát sinh mâu thuẫn với nhân viên tại đây. Tối 18/12, đối tượng mua một xô xăng, xách tới tạt vào khu vực tầng một của quán, nơi có nhiều xe máy, rồi châm lửa đốt. 

11 người bị tước đi mạng sống. Nạn nhân có thể là những người làm cha, làm mẹ, những thanh niên cả cuộc đời còn phơi phới trước mắt... Chỉ một lần ra quán cà phê mà họ không bao giờ trở về nữa.

Cộng đồng sửng sốt, rụng rời, kinh sợ, không thể hình dung nổi về hành vi mất nhân tính của nghi phạm, phóng hỏa đốt nhà chỉ vì chút mâu thuẫn cá nhân. Tại trụ sở cơ quan công an, nơi đến đầu thú ngay sau khi tưới xăng, phóng hỏa, sát nhân vẫn ngồi vắt chân, châm thuốc, tỉnh bơ thuật lại tội ác của mình, hoàn toàn vô cảm.

Thực tế, xã hội từng phải chứng kiến không ít vụ việc đau lòng, phi lý như vậy. Đã có bao nhiêu vụ giết người kinh hoàng xuất phát từ những va chạm nhỏ nhặt.

Gần đây thôi, khi bị đèn pin của người hàng xóm đeo trên đầu vô tình rọi vào mắt, Nguyễn Văn Hà (46 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) tức giận to tiếng, chửi bới rồi cầm dao đâm 3 mẹ con người hàng xóm, khiến một người tử vong, hai người bị thương.

Cách đây không lâu, một vụ án mạng kinh hoàng vừa xảy ra tại Ninh Thuận, đối tượng Nguyễn Văn Phụng mang rựa sang chém chết hàng xóm, rồi truy sát vợ con nạn nhân do ấm ức vì chuyện đàn gà của gia đình nạn nhân qua nhà Phụng đào bới xảy ra nhiều năm trước đó. 

Hàng loạt vụ thảm án bắt đầu từ những lý do "trời ơi", xuất phát từ những va chạm, giao tiếp hàng ngày như bị sếp nhắc đi làm muộn, vì va chạm giao thông, vì "nhìn không thân thiện", vì mâu thuẫn vợ chồng hay chỉ vì lời qua tiếng lại... trên mạng chứ ngoài đời thực cũng không biết nhau.

Những bàng hoàng, đau xót cứ nối dài mãi...

Những con người vô cảm, mất nhân tính

Rất nhiều phân tích, cảnh báo về biểu hiện xuống cấp đạo đức, khủng hoảng về lối sống đã được đưa ra khi bao nhiêu mâu thuẫn, bao nhiêu mối quan hệ gia đình, xã hội đi đến kết cục bi thảm vì lựa chọn giải quyết bằng bạo lực.

Bạo lực được sử dụng phổ biến trên đường phố, bạo lực bùng nổ trong gia đình, đều là những mối đe dọa đáng sợ. Nghiên cứu chỉ ra, cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì gần 2 người (62,9%) từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác, tình dục, tâm lý.

Trong một chuyên đề nói về vấn đề hành xử bạo lực hiện nay, nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Tomato Education chia sẻ, bà quan sát và không khỏi băn khoăn khi thấy ngay trong cảnh vui chơi của con trẻ ở sân chơi, các em cũng dễ dàng có những hành vi bạo lực, gây tổn thương đến bạn bè. Bạo lực manh nha từ cảnh đánh nhau, đẩy nhau, va chạm, cãi vã… cho thấy sự thiếu sự kiên nhẫn, kiềm chế, chia sẻ, hợp tác.

Bà Phương đặt ra vấn đề, phải chăng ngay trong cuộc sống hàng ngày, chính người lớn cũng dễ dàng có những hành vi bạo lực với con trẻ, thiếu kiên nhẫn với trẻ… như vậy?

Vụ đốt quán cà phê làm 11 người chết vì mâu thuẫn: Vấn nạn mất nhân tính? - 2

Việc giáo dục về mặt cảm xúc, cách giải quyết vấn đề đang bị xem nhẹ? (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Khi thiếu sự kiên nhẫn, kiềm chế, theo bà Phương, các sinh hoạt trong cộng đồng dễ dẫn đến bùng nổ khi có mâu thuẫn, vấn đề phát sinh. Khi đó, mỗi người dễ tìm đến bạo lực hoặc lạm quyền, để giải quyết vấn đề.

Nhà giáo dục này đưa ra một hình ảnh thu nhỏ về bức tranh bạo lực: "Vấn nạn bắt nạt học đường thì ở đâu cũng có nhưng đặc trưng ở Việt Nam, chỉ cần một chuyện nhỏ xíu cũng có thể làm bùng nổ những căng thẳng".

Theo bà, nhiều thành viên xã hội thiếu hụt các kỹ năng nền tảng, cơ bản trong cuộc sống. Thực tế, khi một người có nhu cầu nào đó thì người khác cũng có. Kỹ năng lắng nghe nhu cầu của nhau, xác định mình mong đợi điều gì, người khác mong đợi điều gì... để tìm cách hóa giải mâu thuẫn cần được dạy, cần phải học với mỗi người.

"Cách hành xử bạo lực, vô nhân tính không còn là trường hợp cá biệt" là nhận định của một chuyên gia nghiên cứu tâm lý tại TPHCM.

Qua nhiều nghiên cứu và quan sát, ông cho rằng, sau dịch bệnh Covid-19, tình trạng này càng trầm trọng khi có nhiều tác động đến từ yếu tố kinh tế, tâm lý, đời sống… Một vấn đề xã hội cần được nhìn nhận là chỉ số cảm xúc EQ của một bộ phận dân chúng hiện rất thấp.

Có quá nhiều điều để nói về một hành vi tội ác nhưng điều chuyên gia này băn khoăn nhất ở góc độ giáo dục. Ông nhìn thấy, từ gia đình đến nhà trường cuốn theo giáo dục thành tích, thành tài mà bỏ quên việc chăm sóc, làm đẹp về mặt tâm hồn, cảm xúc cho con trẻ cũng như trang bị các kỹ năng kiểm soát, xử lý vấn đề trong cuộc sống…

Vị chuyên gia từng thấy hoảng vì nhìn quanh sao có nhiều người sống vô cảm, vô hồn, mất cảm xúc, mất khả năng đồng cảm với đồng loại…