Vụ bố cầm 2 chân con ném ra đường: Góc độ nào cũng không thể chấp nhận!

Trần Lê

(Dân trí) - "Phản ứng của người chồng có thể là muốn "dằn mặt" vợ nhưng ở bất kỳ góc độ nào, hành vi ném con cũng không thể chấp nhận", tiến sĩ tâm lý học Dương Thị Thoan nêu quan điểm.

Những ngày qua, dư luận đang "sục sôi" về vụ việc người bố tại xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa có hành vi đánh con gái 3 tuổi, thậm chí cầm 2 chân con ném ra đường. 

Cơ quan chức năng đã đưa cháu bé đi giám định thương tật và làm việc với người bố, trên cơ sở đó sẽ đưa ra hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc trên, phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với tiến sĩ tâm lý học Dương Thị Thoan, Phó trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Hồng Đức.

Vụ bố cầm 2 chân con ném ra đường: Góc độ nào cũng không thể chấp nhận! - 1

Đại diện chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên cháu bé (Ảnh: UBND thị xã Nghi Sơn).

Tiến sĩ Dương Thị Thoan cho rằng, để đánh giá một sự việc hay một hành động, cần phải xem xét nhiều chiều.

"Theo dõi vụ việc, tôi không biết vợ chồng họ có hòa thuận hay không. Trường hợp vợ chồng không yêu thương nhau thì chỉ cần một lý do nào đó không hài lòng cũng có thể là nguyên nhân xảy ra xung đột, chứ không chỉ dừng ở việc người vợ mang con ra đánh.

Mặt khác, cũng không rõ họ có thực sự nhìn nhận về con cái một cách bình đẳng hay vẫn có tâm lý trọng nam khinh nữ. Hướng nhìn nhận chi phối cách ứng xử của bố mẹ đối với con ở các giới tính khác nhau", tiến sĩ Thoan nêu quan điểm.

Tiến sĩ Thoan phân tích thêm, trong vụ việc này, thông tin còn mờ là về nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành động của người bố. Phân tích tình huống thì thấy người này đi làm về, đang cảm thấy mệt mỏi, muốn giải tỏa căng thẳng bằng cách hát karaoke. Cũng trong lúc này, có thể cháu bé nghịch, quấy và người mẹ đã dạy dỗ con.

Nhìn nhận về việc đó, người chồng lại nghĩ là vợ khó chịu vì mình không chia sẻ công việc nhà nên đã "giận chồng mà đánh con". Với suy nghĩ ấy, người này cũng... đánh con để "dằn mặt" vợ.

"Trong tình huống này, hành vi của cả hai vợ chồng đối với bé đều không thể chấp nhận", nữ tiến sĩ tâm lý phân tích.

Bà lập luận, theo Luật Trẻ em năm 2016, trẻ được hưởng 25 quyền, trong đó có quyền sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện… Cả xã hội, đặc biệt là cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, yêu thương trẻ em, tạo mọi điều kiện để trẻ được phát triển an toàn, lành mạnh. Luật cũng nghiêm cấm mọi hành động, lời nói xúc phạm trẻ, ảnh hưởng, tổn thương thể chất và tinh thần của trẻ.

Theo tiến sĩ Thoan, đầu tiên việc người mẹ đánh con là không đúng. Trường hợp con quấy, nghịch, lẽ ra người mẹ phải phân tích, giảng giải… để trẻ hiểu và sửa chữa. Trường hợp không hài lòng với chồng, người vợ cũng cần trao đổi thẳng thắn hoặc tìm biện pháp hợp lý để giải quyết vấn đề chứ không được trút giận vào con.

Tiếp theo, xét phản ứng của người chồng, dù ở dưới bất kỳ góc độ nào thì hành vi cầm chân con ném ra đường cũng không hợp lý, không thể chấp nhận. Dẫu có ở trường hợp vợ chồng không hạnh phúc thì đó cũng không phải là cái cớ để làm càn, để biện minh cho việc thể hiện vai trò một cách sai trái như vậy.

Ngoài ra, hành động của người này, theo chuyên gia tâm lý, cũng thể hiện tính gia trưởng, bảo thủ. Biểu hiện của tính gia trưởng là suy nghĩ bản thân làm việc gì, vợ con không được phép có ý kiến và lỡ "tỏ thái độ" cũng sẽ nhận về phản ứng kiểu "giận cá băm thớt".

Bố mẹ có những biểu hiện tâm lý như vậy, theo tiến sĩ Thoan, vô hình trung, con trẻ là nạn nhân, gánh chịu mọi bực bội của phụ huynh.

Từ những phân tích, nhận định trên, tiến sĩ Thoan cho rằng, trong một gia đình bình thường, vợ chồng hạnh phúc, lẽ ra khi thấy vợ đánh con, nếu là người bố tốt sẽ che chở, bảo vệ và có cách dạy dỗ con hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp trên, người chồng còn có hành vi đánh con, thậm chí cầm ngược 2 chân con lên ném ra đường.

"Bình thường, lẽ ra thấy vợ đánh con, người bố sẽ can ngăn, bảo vệ, hướng vợ tới cách dạy con hợp lý hơn. Vậy mà ở trường hợp trên, người chồng cũng "đánh hôi" với hành vi dã man. Hành vi ngược đãi trẻ em, dù thế nào, cũng không thể chấp nhận được", tiến sĩ Thoan nhấn mạnh lần nữa.

Phó trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục nêu thực tế, lâu nay, nhiều bậc phụ huynh quan niệm con hư thì đánh và phải giáo dục bằng đòn roi mới có tác dụng.

Thực tế, nhiều bậc phụ huynh không lắng nghe con cái, thấy không theo ý mình là đánh rồi sau đó mới tìm hiểu sự việc. Đây là một thói quen xấu, sai phạm trong cách ứng xử của nhiều bậc làm cha, làm mẹ.