Vụ bé trai 1 tháng tuổi bị giúp việc quăng ném: Yêu cầu xử lý nghiêm!
(Dân trí) - UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đề nghị Công an quận xử lý nghiêm vụ nữ giúp việc bạo hành bé trai 1 tháng tuổi gây phẫn nộ.
Ngày 18/12, bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, chính quyền đã tiếp nhận thông tin bé trai hơn một tháng tuổi ở phường Nghĩa Đô nhiều lần bị người giúp việc bạo hành.
UBND quận Cầu Giấy đã đề nghị Công an quận điều tra, xử lý nghiêm nữ giúp việc.
"Quan điểm của quận là xử lý nghiêm minh. Người phụ nữ đã về quê Tuyên Quang sau sự việc. Cơ quan chức năng đang liên hệ, mời người này đến làm việc", bà Dung nói.
Trước đó, chị H.Y. (35 tuổi, phường Nghĩa Đô) làm đơn trình báo Công an phường về việc con trai hơn 1 tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành.
Rà soát lại toàn bộ dữ liệu camera, người mẹ phát hiện nữ giúp việc N.T.L. (57 tuổi) thường xuyên đánh mạnh vào cơ thể trẻ, giật lắc sang hai bên rồi ném bé xuống giường.
"Tôi không ngờ lần đầu thuê giúp việc đã phải chứng kiến những hành động tàn nhẫn như vậy với một đứa trẻ", chị Y. bức xúc.
Theo lời chị, mỗi lần có hành vi đánh trẻ, bà L. lại lựa ngồi quay lưng về phía camera. Nữ giúp việc khi được nhận vào làm đã biết gia đình chủ lắp camera trong phòng trẻ.
Sau sự việc, chủ nhà đã ngay lập tức thanh toán tiền lương, yêu cầu bà L. rời khỏi nhà mình. Nữ giúp việc và người thân đã gọi điện xin lỗi, tuy nhiên, gia đình chị Y. không muốn hòa giải, càng không muốn người phụ nữ này giấu tông tích, có cơ hội tiếp tục "ra tay" với những đứa trẻ khác.
Gia đình đã đưa bé trai đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua chụp chiếu và làm các xét nghiệm, bác sĩ thông báo chưa phát hiện dấu hiệu bất thường nhưng cần theo dõi hội chứng rung lắc ở trẻ. Bé trai còn nhỏ nên gia đình đưa về nhà, chờ tái khám sau vài ngày.
Đây không phải lần đầu xảy ra chuyện trẻ em bị bảo mẫu, người giúp việc, trông trẻ bạo hành. Theo báo cáo về vấn đề thực hiện quyền trẻ em năm 2024 của Bộ Công an, các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Hành vi do chính đối tượng là người trong gia đình, người quen biết thực hiện chiếm tỷ lệ trên 60% các vụ bạo hành trẻ em.
Trong đó có nhiều vụ việc trẻ em bị bạo lực, bạo hành do người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em (có giấy phép và không giấy phép) với số lượng trẻ em được chăm sóc vượt quá số lượng quy định đăng ký.