Vụ 22.000 hộp sữa tặng từ Úc "tắc" gần 1 tháng ở cảng, Hải quan nói gì?

An Linh

(Dân trí) - Tổng cục Hải quan vừa lên tiếng về vụ việc hơn 22.000 hộp sữa biếu tặng từ Úc nằm cảng gần một tháng. Hàng chỉ được thông quan sau khi sự việc được đại biểu đưa ra nghị trường Quốc hội.

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), lô hàng hơn 22.000 hộp sữa do người Việt ở Úc ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đã được thông quan ngay sau khi có kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn.

"Từ vụ việc này cho thấy, hoạt động kiểm tra chuyên ngành hiện nay cần sự thay đổi để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không để lặp lại tình trạng ách tắc", văn bản của Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Vụ 22.000 hộp sữa tặng từ Úc tắc gần 1 tháng ở cảng, Hải quan nói gì? - 1

Tổng cục Hải quan lý giải vì sao hơn 22.000 hộp sữa từ thiện tắc gần 1 tháng không được thông quan tại cảng ở TPHCM.

Cụ thể sự việc, Tổng cục Hải quan cho biết, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã chủ động liên hệ với Ủy ban trung ương mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh (UBTƯ MTTQ TPHCM) để hướng dẫn thủ tục liên quan đến lô hàng và cho đưa hàng hóa về bảo quản để đảm bảo chất lượng trong khi chờ thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm để thông quan.

Ngày 14/11/2021, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế có công văn số 2178/ATTP-KN thông báo kết quả kiểm tra lô hàng nêu trên do Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh thực hiện đạt theo quy định hiện hành.

Trên cơ sở đó, MTTQ TPHCM đã đăng ký tờ khai cho lô hàng lúc 11h ngày 15/11/2021 và lô hàng đã cơ quan hải quan thông quan theo đúng quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm vào lúc 15h cùng ngày.

Cơ quan Hải quan khẳng định, theo Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, có 9 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Lô hàng sữa hộp viện trợ này không thuộc đối tượng được miễn kiểm tra, trừ trường hợp được Chính phủ, Thủ tướng cho phép nhập khẩu để phục vụ yêu cầu khẩn cấp.

Cũng theo quy định tại Điều 6, 7, 8 của Nghị định trên thì mặt hàng sữa dành cho trẻ em đến 36 tháng tuổi phải thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm. Người nhập khẩu phải thực hiện đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh chỉ định và nộp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm do cơ quan này cấp để được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm và thông quan hàng hóa.

Việc thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm như trên được thực hiện cho từng doanh nghiệp; không áp dụng đối với hàng hóa cùng loại, cùng tên, nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất hàng hóa, chất liệu bao bì của các doanh nghiệp khác đã nhập khẩu trước đó, điều này đã làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa.

Về giải pháp thời gian tới để tránh sự việc phát sinh, Tổng cục Hải quan khẳng định, cơ quan này đã xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng tạo thuận lợi cho DN khi thực hiện các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Theo đó, quy định các mặt hàng dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, đặc biệt là sữa dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký bản công bản công bố sản phẩm và cấp mã số đăng ký một lần bởi nhà nhập khẩu đầu tiên.

Đồng thời, đối với mặt hàng cùng loại, cùng tên, nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất hàng hóa, chất liệu bao bì với hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố sản phẩm, các nhà nhập khẩu tiếp theo không cần phải thực hiện lại thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm mà được sử dụng mã số đăng ký bản công bố sản phẩm để được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.

Theo Tổng cục Hải quan, dù dự thảo Nghị định quy định nhiều nội dung cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng một số Bộ, ngành còn ý kiến chưa nhất trí với dự thảo Nghị định. Đáng nói, những nội dung này đã được giải trình cụ thể và xin ý kiến các thành viên Chính phủ.