Vỡ mộng "bỏ phố về rừng"
Phong trào "bỏ phố về rừng" đã xuất hiện trong một bộ phận dân cư tại nhiều đô thị lớn. Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, phong trào này ngày một phát triển mạnh mẽ hơn...
Tuy nhiên, khi mới bắt đầu rầm rộ bao nhiêu thì thời điểm hiện tại lại "lặng lẽ" bấy nhiêu. Có những chủ homestay nay rơi vào thảm cảnh, thậm Chí còn phải ôm cả núi nợ, thấp thỏm lo âu...
"Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối..."
Cách đây hơn 2 năm, chị Trần Thị Thủy (công chức tại một cơ quan cấp bộ) cùng chồng (chủ một doanh nghiệp về công nghệ) bán được một lô đất tại quận Long Biên (Hà Nội) do bố mẹ chồng để lại. Vốn đang ở một chung cư cũ rộng tầm 60 m2 (đã cơi nới) hai vợ chồng tính dùng số tiền bán đất để đổi sang một căn chung cư cao cấp rộng rãi hơn hoặc mua một căn nhà ống chừng 50-60 m2 ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến dự định trên không thành.
Sự ngột ngạt, bức bách khi nhiều ngày tháng phải quanh quẩn trong cái "tổ dế" ở chung cư khiến chị Thủy muốn "phát rồ". Cùng lúc, một số người bạn rủ rê chị mua đất xây homestay tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì hay thậm chí lên tận Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái...
Viễn cảnh được sống "điền viên" tại một căn nhà lọt thỏm trong vườn cây mát mẻ, có hồ nước, sông suối bao quanh; lại được ăn rau nhà, gà đồi, lợn mán... khiến chị Thủy sướng mê tơi. Bài toán kinh tế cũng được vẽ ra đầy mộng mơ, rằng ngoài một căn nhà lớn có đủ tiện nghi để cả gia đình quây quần thì sẽ dựng khoảng chục căn nhà khác để cho thuê theo ngày. Chỉ khoảng 3-5 năm là có thể thu hồi vốn. Những rào cản trong công việc của bố mẹ hay học hành của con cái cũng nhanh chóng được xóa nhòa bằng "work from home", "online learning" (làm việc tại nhà, học trực tuyến). Và, sau vài ngày cả nhà được sống tại homestay của một người bạn, chị Thủy quyết bỏ phố về rừng, mặc cho chồng và bố mẹ hai bên ngăn cản.
Số tiền bán đất, cộng với tiền dành dụm bao năm của hai vợ chồng được huy động để mua gần 3.000 m2 đất, trong đó có khoảng 200 m2 đất thổ cư tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Việc xây nhà ở, xây bungalow, làm khuôn viên cây xanh, bể bơi... cũng nhanh chóng được tiến hành.
Sau khoảng một năm, khu homestay đã hình thành. Trái với dự toán ban đầu, số tiền cần phải chi cho việc tiếp tục hoàn thiện các hạng mục khiến chị Thủy phải đi vay mượn khắp nơi. Dù vậy, khi homestay khai trương, chị đã mời "cả họ" lên hưởng khí trời, ẩm thực núi rừng... Sau đó, đến lượt bạn bè, các đồng nghiệp ở hai cơ quan của vợ chồng cũng lần lượt có mặt, lấp đầy những căn phòng còn mùi sơn mới. Và, cho dù còn lâu mới thu hồi được vốn, song 3 tháng khai trương homestay có thể nói là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong đời chị Thủy. Chị cảm thấy mình sắp trở thành một nhà đầu tư "siêu việt", một người mẹ mẫu mực, quả cảm, đã bỏ lại sau lưng phồn hoa đô hội để xây dựng một môi trường mới cho các con...
Khác với chị Thủy, trường hợp chị Hoa - anh Đạt (chủ một đại lý sữa tại Hà Nội) vốn là cặp đôi "rổ rá cạp lại". Nhu cầu có một farmstay cách xa "cái bọn nhức đầu" - là chồng cũ, vợ cũ của cả hai - càng trở nên bức thiết hơn. Cũng bởi cách đây hơn chục năm, khi còn là sinh viên, hai anh chị từng có một mối tình nồng thắm. Tính lãng mạn, yêu văn, cả hai cùng chung ước muốn về một căn nhà bên bờ suối. Do một hiểu nhầm mà vừa ra trường thì tình duyên tan vỡ, đường ai nấy đi.
Gặp nhau sau hơn chục năm, khi cả hai đều đã "qua một lần đò" thì tình cảm cũng như ước hẹn năm xưa bùng lên, họ quyết tâm tìm về với thiên nhiên, về với miền đồng quê thôn dã. Bán sạch tài sản sau các cuộc ly hôn, hai anh chị còn vay mượn thêm đôi bên gia đình nhiều tỷ đồng để mua cả hecta đất trên tận Văn Chấn (Yên Bái) để làm farmstay. Họ cũng nhanh chóng được thỏa ước nguyện, với những bungalow có dòng suối uốn lượn chảy quanh. Ngày ngày họ trồng hoa, nuôi chim công, nuôi bồ câu... và cảm thấy đang được... "sống một cuộc đời khác" - trừ việc khoản vay ngân hàng vẫn thỉnh thoảng khiến cả hai lo lắng.
Giấc mộng vỡ tan
Chị Thủy, chị Hoa đều sung sướng được vài ba tháng đầu, khi homestay còn mới và được một số khách là người quen, bạn bè ủng hộ. Khi đại dịch COVID-19 được khống chế, xã hội gần như trở lại bình thường như trước thì cũng là lúc chị Thủy cảm thấy khó khăn ngày một đè nặng. Công việc cơ quan của hai vợ chồng lúc này không thể chểnh mảng, các con cũng phải đến trường. Mỗi ngày phải di chuyển cả trăm cây số không phải là điều đơn giản.
Hơn nữa, lượng khách thuê phòng cũng ngày một teo tóp. Chi phí vận hành, lương người làm cũng không được bớt một xu nên dù đã chi li hết mức thì mỗi tháng homestay của chị Thủy cũng chỉ đạt mức hòa vốn. Lúc này, ai đến hỏi kinh nghiệm làm homestay là chị... chán chả buồn tiếp. Mấy lần định bàn với chồng hay là bán quách đi cho rảnh nợ nhưng chị vẫn dùng dằng chưa quyết, vì nghĩ lao tâm khổ tứ suốt mấy năm ròng cuối cùng "hóa ra là mình sai à?".
Vợ chồng anh Đạt - chị Hoa sau những khoảnh khắc lâng lâng về chốn bồng lai nơi hạ giới thì cũng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Bao nhiêu tiền của mình lẫn đi vay mượn đã đổ sạch vào việc xây cất, decor... đến khi phải thuê người làm để vận hành thì mới toát mồ hôi. Farmstay quá xa các thành phố lớn, phong cảnh gần như không có gì để "chill", nguồn thực phẩm lại đắt đỏ... khiến nơi đây lâm vào tình cảnh "vắng như chùa bà Đanh". Thu chẳng đủ bù chi, anh chị phải nai lưng ra làm thay cho người phục vụ. Từ bé chưa bao giờ động đến cái cuốc, cái xẻng, nay mới làm được vài buổi chị Hoa đã thấy bất lực. Sau ít tháng cây chết đằng cây, chim chết đằng chim, hai anh chị đành cuốn gói chuồn về Hà Nội, thuê một căn chung cư ở tạm. Bỏ lại farmstay rộng mênh mông cho... chuột.
Nếu như chị Thủy, chị Hoa... còn có kha khá vốn để xây dựng, vận hành homestay nên vẫn còn tạm cầm cự được, thì trường hợp chị Mộc (kế toán tại một doanh nghiệp về xuất, nhập khẩu) lâm vào cảnh bi đát hơn nhiều. Được một số người bạn khuyên phải "chớp" thời cơ dịch bệnh, xây homestay kinh doanh, chị vay tiền bạn bè, cắm sổ đỏ... để mua lại một farmstay đã hoàn thiện với giá gần 20 tỷ đồng. Song, mua thì dễ, vận hành mới khó. Chỉ hoạt động được khoảng 6 tháng, chị Mộc đã phải rao bán cắt lỗ nhiều tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua có làn sóng nhà đầu tư ồ ạt rao bán homestay, khu nghỉ tại Ba Vì, Sóc Sơn, Hòa Bình... Đơn cử khu homestay S.M có diện tích hơn 2 ha, trong đó có 400 m2 thổ cư ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) đang được rao bán "cắt lỗ" với giá gần 10 tỷ đồng. Chủ nhân của khu homestay này cho biết họ đầu tư khoảng 13 tỷ đồng, gồm cả tiền đất, xây dựng với 2 căn nhà sàn, hơn chục lều cắm trại cùng với một số cảnh quan xung quanh. Kinh doanh gần 2 năm, chủ homestay này thừa nhận, vẫn chưa thu hồi được vốn, hằng tháng vẫn phải gồng lãi ngân hàng, khoản nợ công ty xây dựng cũng chưa trả hết. Trong khi đó, doanh thu từ khu homestay chỉ vừa đủ trả các khoản chi, lương nhân viên. Vì muốn thu hồi vốn nhanh nên chị gửi môi giới bán giá 10 tỷ đồng, chịu lỗ vì không thể chịu nổi tiền gốc và lãi hằng tháng vay ngân hàng.
Một khu homestay gần 7.000 m2 (với 200 m2 đất thổ cư) ở xã Minh Quang (huyện Ba Vì) cũng đang được chào bán giảm giá. Chủ nhà đã xây sẵn nhà sàn, đầu tư khuôn viên, vườn cây, trang thiết bị. Môi giới cho hay, chủ gặp áp lực tài chính nên chấp nhận hạ giá từ 14 tỷ còn 9 tỷ đồng.
"5 tỷ đồng chi phí xây nhà và đầu tư trang thiết bị coi như tặng khách, chủ giờ chỉ cần hồi vốn lô đất, song cũng khó bán", môi giới cho hay.
Theo một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, chuyên "đánh" thị trường bất động sản vùng ven cho biết. Làn sóng rao bán ồ ạt homestay, khu nghỉ dưỡng chủ yếu đến từ nhóm tay ngang, chạy theo trào lưu khi thị trường tăng "nóng" vài năm trước. Thậm chí, nhiều người có kinh nghiệm đầu tư cũng thua lỗ liểng xiểng khi thị trường đi xuống, lãi suất ngân hàng tăng cao. Anh này chia sẻ, thời điểm mới đầu tư, nhiều người dự kiến lãi suất vay chỉ khoảng 7-8%, song hiện nay trung bình đã lên tới 12-14% - đẩy hàng loạt nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính rơi vào áp lực không gồng nổi. Trong khi đầu tư homestay phải chấp nhận ít nhất 5 năm mới có thể thu hồi vốn, trong điều kiện kinh tế khó khăn thì thời gian sẽ kéo dài hơn.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, việc "nở rộ" các homestay, farmstay quanh các đô thị lớn thời gian qua có thể nói là một điều tất yếu. Nhìn rộng ra có thể thấy nhiều homestay vẫn rất đắt khách, đã đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận dân trung lưu, muốn được nghỉ "xả hơi" tại một nơi xa phố thị khói bụi chật chội.
Tuy nhiên, bên cạnh các homestay, farmstay được đầu tư, vận hành chuyên nghiệp thì có một số dân "tay ngang" lao vào làm chỉ vì những ý thích nhất thời. Họ vừa thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu kỹ năng quản trị dòng tiền... nên chỉ sau một thời gian ngắn cảm thấy sung sướng, thỏa mãn thì homestay đã khiến họ lâm vào tình cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội".
Chung nhận định, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng là phân khúc có nhu cầu. Song, việc đầu tư tràn lan, thiếu tính toán đã gây "vỡ trận", nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường. Tình trạng này đã được dự báo từ 2 năm trước, khi làn sóng nhà đầu tư F0 đổ đi rót tiền vào khu vực vùng ven, đẩy thị trường "nóng sốt".
Theo chuyên gia, đầu tư nghỉ dưỡng cần tính chuyên nghiệp cao, đòi hỏi kiến thức về quản lý dòng tiền, hiệu suất đầu tư, vận hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Thực tế, không ít người có tâm lý "chỉ mua mảnh đất rồi xây căn nhà cho thuê là xong", bỏ qua việc nghiên cứu kỹ thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng ở nhiều khu vực vùng ven, hơn một nửa thôn, xã làm homestay, khu nghỉ dưỡng, trong khi lượng khách du lịch nhỏ giọt. "Nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính rơi vào cảnh mất phần lớn tài sản. Nhưng, đây là bài học về sự cẩn trọng với những trào lưu, sóng đầu tư" - ông Đính khuyến cáo.