1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tư duy "việc nhà là của đàn bà", chị em "nai lưng" ra gánh

Hoài Nam

(Dân trí) - Có đến 61% nữ và 59% nam tham gia khảo sát cho rằng công việc chăm sóc không lương là trách nhiệm của nữ giới.

Kết quả nghiên cứu khảo sát về công việc chăm sóc không lương (CVCSKL) của phụ nữ trong dịch Covid-19 tại TPHCM của nhóm nghiên cứu ĐH Văn Lang, Sở LĐ-TB&XH TPHCM và Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện đã chỉ ra nhiều "gánh nặng" việc nhà đối với phụ nữ. 

Tư duy việc nhà là của đàn bà, chị em nai lưng ra gánh - 1

Một người mẹ bế con nhỏ rời TPHCM trong đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19 năm 2021.

Nghiên cứu thực hiện từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022 với gần 2.050 người cho thấy, CVCSKL (gồm công việc nội trợ như nấu ăn, dọn vệ sinh; chăm sóc trẻ em, người già, người khuyết tật; công việc họ hàng và tình nguyện cộng đồng như thăm nom, hiếu hỷ họ hàng không được trả lương...) được xem là việc của nữ giới là chính, là trách nhiệm của cánh phụ nữ trong gia đình. 

Có đến có đến 61% nữ và 59% nam tham gia khảo sát cho rằng đó là việc của nữ giới. 

Gần 50% phụ nữ cũng chia sẻ, họ phải làm việc nhà vì... không ai làm. Chỉ có 30,5% phụ nữ thực hiện những công việc này vì yêu thích. Đôi khi họ làm việc nhà vì yêu cầu của người khác như bố mẹ, từ chồng khi mặc định đây là việc của phụ nữ. 

Một vấn đề đáng chú ý, việc nhận thức về đóng góp của CVCSKL cho xã hội chủ yếu dừng ở khía cạnh phụ nữ với việc chăm lo cho gia đình, hầu hết  không có ý kiến đề cập đến sự đóng góp cho kinh tế (GDP) của đất nước.

Đặc biệt, trong dịch Covid-19, cả  nam và nữ đều cho rằng, tất cả các đầu việc CVCSKL đều tăng. Chẳng hạn việc nấu ăn ở nhóm công nhân tăng từ 27,6% trước dịch lên 72%, lao động tự do từ 48,3% lên 69,2%, giúp việc từ 57,6% lên 70,5%...

Dù ghi nhận người chồng đã tham gia chia sẻ việc nhà trong dịch nhưng gánh nặng chủ yếu vẫn trên vai phụ nữ. 

PGS-TS Lê Thị Minh Hà, Trường ĐH Văn Lang, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, bình thường, khối lượng CVCSKL không lương đối với nữ đã nhiều thì trong điều kiện dịch bệnh, họ còn chịu áp lực kép. Nhiều chị em phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong dịch bệnh như bị mất hoặc giảm việc làm, mất thu nhập và việc CVCSKL lại tăng lên.

Tư duy việc nhà là của đàn bà, chị em nai lưng ra gánh - 2

Tỷ lệ lớn phụ nữ không có thời gian nghỉ ngơi và bị mệt mỏi vì áp lực việc nhà từ tác động của dịch bệnh (Ảnh chụp lại từ kết quả nghiên cứu).

Theo khảo sát, CVCSKL trong dịch bệnh đã gây nên nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, đời sống tâm lý, xã hội của phụ nữ tại TPHCM. 77,1% nữ nhân viên y tế; 76,3% nữ công nhân và 59,7% nữ lao động tự do không có thời gian nghỉ ngơi và sự mệt mỏi ở các nhóm đối tượng này lần lượt là 91%, 87,2% và 81,2%. 

Nhóm nữ công nhân gặp căng thẳng tâm lý cao nhất đến 92,6%, lao động tự do 81,6% và nhân viên y tế 79,3%. 

Áp lực việc nhà gây nên những hành vi không mong muốn ở phái nữ như tức giận, mắng, đánh và dẫn đến bất hòa trong gia đình, cao nhất ở nhóm công nhân và lao động tự do. 

Về cách ứng phó, nhiều chị em đã chủ động phân công việc nhà, sử dụng công nghệ hỗ trợ, tăng cường kỹ năng cá nhân để được chia sẻ, giảm tải việc nhà. Tuy nhiên, một số phụ nữ, nhất ở nhóm lao động tự do và nhân viên y tế, chọn hy sinh quyền lợi cá nhân cho việc nhà như là giải pháp tốt nhất. 

Thay đổi cách khích lệ phụ nữ 

Theo nhóm nghiên cứu, tư duy việc nhà là của "phụ nữ" vẫn tồn tại, một số yếu tố ảnh hưởng tới nhận thức đó là định kiến giới về việc nhà, cách thức truyền thông và giáo dục về giới với việc nhà chưa được chú trọng.

Tư duy việc nhà là của đàn bà, chị em nai lưng ra gánh - 3

Hình ảnh của người phụ nữ gắn liền chợ búa, rau củ ngay trong sách giáo khoa (Ảnh chụp lại màn hình).

Nhóm nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị tăng cường truyền thông về giá trị của việc chăm sóc không lương của phụ nữ hiện đang đảm nhiệm chính trong gia đình; truyền thông về vai trò của nam giới với sự chia sẻ việc nhà trên các phương tiện đại chúng, phim ảnh, quảng cáo thông qua việc gắn với hình ảnh nam giới với các thiết bị gia dụng, công việc chăm sóc trong gia đình. 

Cần đẩy mạnh giáo dục cho trẻ em về bình đẳng giới, về CVCSKL, sự chia sẻ với công việc này trong trường học và gia đình.

Nội dung và cách thức giáo dục bình đẳng giới, về CVCSKL sao cho phù hợp với lứa tuổi, theo một quá trình từ khi còn nhỏ, không chỉ ở trong gia đình mà cả ở trường học và hình ảnh nơi công cộng, trên phim ảnh.

Đặc biệt, đề xuất nhấn mạnh cần thay đổi cách khích lệ phụ nữ, khen thưởng dựa trên khuôn mẫu định kiến giới về CVCSKL gắn liền với phụ nữ (các khẩu hiệu, hình ảnh).  

Tư duy việc nhà là của đàn bà, chị em nai lưng ra gánh - 4

Phái nam cần thể hiện vai trò với công việc nhà (Ảnh minh họa).

Được biết, kết quả nghiên cứu, khảo sát sẽ là cơ sở để tham mưu, đề xuất chính sách xã hội tại TPHCM và phục vụ thực hiện mục tiêu, chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2030.