Việt Nam phấn đấu giải quyết cơ bản nghèo đói vào năm 2030
(Dân trí) - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Phấn đấu đến năm 2030: Cơ bản những vấn đề nghèo đói ở Việt Nam sẽ được giải quyết, công tác giảm nghèo đảm bảo mục tiêu đa chiều, bao trùm và bền vững...".
Chiều ngày 23/4, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo tham vấn "Định hướng công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đến năm 2030". Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Nhận định tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, công tác giảm nghèo là vấn đề quan trọng của đất nước và được toàn xã hội quan tâm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Trong thời gian qua, hệ thống chính trị và người dân đã và đang nỗ lực trong công tác giảm nghèo. Nhiều hộ dân tự nguyện từ chối nhận hỗ trợ của chính sách và tự vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều huyện nghèo và xã nghèo đã ra khỏi danh sách".
Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo để làm nền tảng huy động nguồn xã hội hóa, sự tham gia của lực lượng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và khơi dậy sự chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Đến năm 2025 và phấn đấu đến 2030: Cơ bản những vấn đề nghèo đói ở Việt Nam sẽ được giải quyết. Công tác giảm nghèo đến năm 2030 cần đảm bảo mục tiêu đa chiều, bao trùm và bền vững".
Thời gian tới, công tác giảm nghèo hướng tới sự bền vững trong dài hạn, nhấn mạnh đến sự tham gia chứ không chỉ kết quả, hướng tới tất cả các đối tượng nghèo với mục tiêu cuối cùng là phát triển con người.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần khẩn trương đổi mới công tác quản lý, phấn đấu đạt hoặc vượt mục tiêu và thực hiện thành công nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -2030 về giảm nghèo.
Theo nội dung về giảm nghèo được bàn thảo tại Hội thảo, phương hướng nhiệm vụ được đề xuất tới năm 2030 là đổi mới công tác giảm nghèo, khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và phát huy sức mạnh toàn diện của cả hệ thống chính trị trong công cuộc giảm nghèo trong điều kiện mới.
Đồng thời giảm nghèo bền vững, hạn chế tái phát sinh nghèo, giúp người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Để đạt được điều đó, tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển. Chính sách giảm nghèo giai đoạn mới cần kết hợp tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội về nhận thức và hành động, nhất là cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, công tác thực hiện cần đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách hỗ trợ cho không, khuyến khích người dân làm giàu theo pháp luật, xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản giúp đỡ nhau thoát nghèo.
Đồng thời, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững cần được lồng ghép với 2 chương trình, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư….