Việt Nam là quốc gia hình mẫu, tiên phong trong ngăn chặn lao động trẻ em

Gia Đoàn Tô Sa

(Dân trí) - Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu trong cuộc chiến chống lại lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê Việt Nam và UNICEF về các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến trẻ em và phụ nữ, hiện nay trên toàn cầu có đến hơn 160 triệu lao động trẻ em.

Theo ước tính từ điều tra quốc gia lần thứ hai về lao động trẻ em, Việt Nam hiện có hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5-17 tham gia lao động, chiếm 5,4% tổng số trẻ em trong độ tuổi này. Trong số trẻ em tham gia lao động, hơn một nửa làm các công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

Đáng chú ý, phân nửa số trẻ em tham gia lao động không được đến trường, trong đó có tới 1,4% chưa bao giờ đến trường.

Đây là những con số đáng lưu tâm đối với các nhà hoạch định chính sách và cũng là thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm quyền trẻ em nói chung, quyền của lao động trẻ em nói riêng.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em, Việt Nam đã xây dựng lộ trình giảm dần tỷ lệ lao động trẻ em, đặt mục tiêu dưới 9% vào năm 2020, dưới 8% vào năm 2025 và dưới 7% vào năm 2030. Trong thời gian qua, nhiều biện pháp đồng bộ đã được triển khai để đạt được những mục tiêu này, thể hiện nỗ lực không ngừng trong việc bảo vệ quyền trẻ em.

Việt Nam là quốc gia hình mẫu, tiên phong trong ngăn chặn lao động trẻ em - 1

Tại Việt Nam có hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-17 tham gia lao động, chiếm 5.4% tổng số trẻ em trong độ tuổi này (Ảnh: UNICEF Việt Nam\Trương Việt Hùng).

Về mặt pháp lý, Nhà nước đã tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm ghi nhận và bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam đến năm 2030, bao gồm mục tiêu 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em.

Dựa trên các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, như Công ước về Quyền Trẻ em (1989), Công ước số 138 của ILO về độ tuổi lao động tối thiểu (1973), và Công ước số 182 của ILO về việc cấm và loại bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Việt Nam đã nội luật hóa các nội dung của những công ước này.

Liên quan đến vấn đề lao động trẻ em, Luật Trẻ em năm 2016 đã khẳng định nguyên tắc bảo vệ tối đa quyền của trẻ em trong lĩnh vực lao động. Cụ thể, Điều 26 của luật quy định: "Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian, hoặc làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí vào công việc hoặc nơi làm việc ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em".

Nguyên tắc này là kim chỉ nam xuyên suốt trong mọi hoạt động sử dụng lao động trẻ em, nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền trẻ em. Đồng thời, nó cũng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ em.

Song song với các nguyên tắc được quy định trong Luật Trẻ em năm 2016, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng bao gồm nhiều quy định nhằm bảo vệ lao động trẻ em tại Việt Nam, đồng thời đảm bảo sự tương thích với các quy phạm pháp luật quốc tế liên quan.

Bên cạnh Bộ luật Lao động 2019, Bộ luật Hình sự 2015 cũng đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ lao động trẻ em và xử lý hành vi vi phạm trong việc sử dụng lao động trẻ em.

Về mặt chính sách, trẻ em là nhóm đối tượng được ưu tiên đặc biệt trong các chính sách an sinh xã hội, với mục tiêu tạo điều kiện để các em tiếp cận với những cơ hội tốt nhất, đặc biệt là cơ hội học tập.

Những chính sách này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em mà còn góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa và giảm tỉ lệ lao động trẻ em trong các ngành nghề khác nhau.

Có thể nói, hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam về bảo vệ lao động trẻ em là khá đồng bộ, phản ánh mức độ tương thích nhất định so với pháp luật quốc tế về vấn đề này.

Định hướng tương lai

Theo chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm và trẻ em nhằm ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hành vi sử dụng lao động ép buộc, buôn người, nô lệ hiện đại và lao động trẻ em dưới mọi hình thức.

Đồng thời, cần sửa đổi những quy định hiện hành còn bất cập về lao động trẻ em, bổ sung những quy định đang còn thiếu sót, nâng cao mức độ tương thích giữa pháp luật Việt Nam với các quy định quốc tế liên quan đến trẻ em và lao động trẻ em, từ đó bảo đảm tính hiệu quả và khả thi trong thực thi các chính sách này.

Bên cạnh đó, để kéo giảm tỉ lệ lao động trẻ em trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là những chính sách liên quan đến trẻ em và nhóm đối tượng lao động trẻ em.

Các chính sách này cần được gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến chính sách giảm nghèo, bảo đảm công bằng và bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục, nhằm nâng cao cơ hội học tập cho trẻ em.

Việt Nam là quốc gia hình mẫu, tiên phong trong ngăn chặn lao động trẻ em - 2

Cậu bé 15 tuổi làm cửa hiệu sửa chữa xe máy ở Vĩnh Thạnh, Đồng Tháp phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập (Ảnh: UNICEF Việt Nam\Trương Việt Hùng).

Tiếp đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về luật pháp và chính sách liên quan đến lao động trẻ em, nạn buôn người, nô lệ hiện đại và lao động ép buộc cần được tăng cường.

Một trong những biện pháp thiết thực là thúc đẩy giáo dục quyền con người thông qua các chương trình, đề án quốc gia, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền trẻ em cho các đối tượng liên quan.

Trong quá trình này, cần huy động sự tham gia tích cực và phối hợp hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để đẩy mạnh nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức.

Cuối cùng, tiếp tục thực hiện tốt các cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia liên quan đến quyền trẻ em và lao động trẻ em. Cần tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và các cơ chế quốc tế về quyền con người của Liên hiệp quốc, qua đó quảng bá thành tựu về bảo đảm quyền trẻ em và nỗ lực thực hiện mục tiêu 8.7 của Việt Nam.

Đồng thời, tiếp nhận các khuyến nghị và sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, giúp Việt Nam đạt được những thành quả tốt hơn trong việc thực hiện mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em trong thời gian tới.