1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Việt Nam đặt mục tiêu giảm 20% trẻ em tử vong do đuối nước

Ngọc Ánh

(Dân trí) - Chương trình phòng, chống đuối nước đã dạy bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho khoảng 44.000 trẻ em, đặc biệt triển khai tăng cường ở 8 tỉnh có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao nhất cả nước.

Việt Nam đặt mục tiêu giảm 20% trẻ em tử vong do đuối nước - 1

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em (Ảnh: Hoàng Lam).

Ngày 25/7/2021 đã được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần đầu tiên chọn là Ngày thế giới phòng, chống đuối nước với chủ đề "Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống".

Khoảng 2.000 trẻ đuối nước

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH tới năm 2020, cả nước hiện vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm. Phòng, chống đuối nước đã trở thành ưu tiên hàng đầu tại Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 do Chính phủ ban hành.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm giảm 10% trẻ em tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030.

Theo Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đánh giá Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp giảm tử vong do đuối nước. Nhưng từ cấp độ cộng đồng, gia đình cần hơn nữa sự nâng cao nhận thức để bảo vệ con em mình.

Việt Nam đặt mục tiêu giảm 20% trẻ em tử vong do đuối nước năm 2030

Mỗi gia đình đều có thể góp phần thiết thực để phòng, chống đuối nước bằng cách giám sát trẻ an toàn, dạy trẻ biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước và tạo môi trường an toàn cho trẻ em tránh xa nguồn nước.

"Mất một đứa trẻ do đuối nước là một bi kịch mà gia đình phải gánh chịu, và không cha mẹ nào nên trải qua nỗi đau đó, không ai phải trải qua cả", Tiến sĩ Kidong Park cho biết.

Trên bình diện toàn cầu, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, mỗi giờ trôi qua có 42 người tử vong do đuối nước. Con số này đồng nghĩa mỗi năm trên thế giới có khoảng 372.000 người bị đuối nước.

Phần lớn tai nạn đuối nước xảy ra tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường nước trong công việc, giao thông và nông nghiệp, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến các nhóm dễ tổn thương như trẻ em, người nghèo, người cao tuổi.

Cùng với đó, những quốc gia có thu nhập cao, tai nạn tử vong do đuối nước ở các hồ bơi trong sân sau nhà cũng đã cướp đi nhiều sinh mạng nhỏ, tác động của nó lên mỗi gia đình là vô cùng lớn.

Giám sát trẻ an toàn

Tại Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Từ thiện Bloomberg, hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, chương trình phòng, chống đuối nước đã dạy bơi cho khoảng 14.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 30.200 trẻ em tại 8 tỉnh có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao nhất trên toàn quốc.

Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ, cho hay: "Chúng tôi tự hào đồng hành triển khai một chương trình vô cùng ý nghĩa để góp phần đảm bảo sự sống còn của trẻ em khỏi tai nạn đuối nước".

Việt Nam đặt mục tiêu giảm 20% trẻ em tử vong do đuối nước - 2

Dạy bơi cho trẻ là trang bị kỹ năng thiết thực để các em tự phòng chống tai nạn đuối nước (ảnh: Phạm Công).

Đồng thời, bà Đoàn Thu Huyền mong muốn sẽ chuyển giao những kinh nghiệm của chương trình để áp dụng trên toàn quốc. Điều này rất cần sự đầu tư của chính quyền địa phương và chung tay của mỗi gia đình, cộng đồng.

Về phía Bộ LĐ-TB&XH, nhiều giải pháp được để triển khai phòng chống đuối nước. Trong đó quan trọng nhất là đẩy nhanh việc rà soát các khuôn khổ pháp lý về phòng, chống đuối nước trẻ em, tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước trẻ em cho các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đồng bộ được thúc đẩy như: Chủ động ban hành hướng dẫn và các tiêu chí về Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn; nhân rộng mô hình và triển khai dạy bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em trên toàn quốc; tăng cường phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện thanh tra, giám sát về nguy cơ dẫn đến đuối nước trẻ em…

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu cũng đã ra mắt ấn phẩm tiếng Việt hướng dẫn các bước thiết thực để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống đuối nước.

Ấn phẩm đưa ra các nền tảng giải pháp cứu sinh bền vững bao gồm: Lắp đặt các rào chắn để kiểm soát trẻ tiếp cận nguồn nước; tạo môi trường an toàn tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non, dạy cho trẻ độ tuổi tiểu học trở lên kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu, xây dựng và thực thi các quy định về an toàn giao thông đường thủy như tàu, thuyền, phà…