Vì sao lịch nghỉ Tết không cố định, phải lấy ý kiến nhiều nơi?
(Dân trí) - Cơ quan xây dựng kế hoạch cho hay, lịch nghỉ Tết Nguyên đán hằng năm khó có thể cố định vì Bộ luật Lao động chỉ quy định nghỉ Tết 5 ngày. Những ngày nghỉ thêm là vì trùng với ngày nghỉ hằng tuần.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các bộ, ngành về 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phương án 1, nghỉ từ thứ năm, ngày 8/2/2024 đến hết thứ tư, ngày 14/2/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Phương án 2, nghỉ từ thứ sáu, ngày 9/2/2024 đến hết thứ năm, ngày 15/2/2024 (tức ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Cả 2 phương án đều kéo dài 7 ngày, chỉ khác thời điểm nghỉ.
Xây dựng thêm phương án nghỉ Tết Giáp Thìn
Việc xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội về lịch nghỉ Tết Nguyên đán đa số người đồng tình, tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng việc này là hình thức và không cần thiết, nên quy định linh hoạt để người lao động được nghỉ sớm hơn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động, đơn vị soạn thảo phương án nghỉ Tết Nguyên đán cho biết, đề xuất lịch nghỉ của Bộ LĐ-TB&XH hướng tới khối cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, việc tổ chức lấy ý kiến gọn nhẹ, đơn giản, sử dụng công nghệ thông tin nên không gây tốn kém, lãng phí.
Còn với người lao động trong doanh nghiệp, phương án lên lịch nghỉ được để mở vì thực tế nhiều công ty có lao động xa quê, có lịch sản xuất đặc thù… Người sử dụng lao động có quyền tự quyết lịch nghỉ căn cứ vào phương án do cơ quan quản lý ngành đề xuất nhưng phải thông báo trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày để người lao động chủ động việc mua vé tàu, vé xe, sắp xếp công việc.
Về lịch nghỉ Tết, theo ông Thắng, khó có thể cố định như lịch nghỉ lễ 30/4 hay 2/9, chỉ đảm bảo nguyên tắc thời gian nghỉ Tết Nguyên đán là 5 ngày.
"Bộ luật Lao động quy định người lao động được nghỉ Tết chính thức 5 ngày, không phải 7 ngày hay 9 ngày như lịch thường thấy mỗi năm. Những ngày nghỉ thêm là do trùng với ngày nghỉ hằng tuần theo quy định.
Thực tế, dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 kéo dài 9 ngày liền là do 5 ngày Tết rơi đúng giữa tuần nên được nối liền với 2 ngày nghỉ cuối tuần của tuần trước đó và 2 ngày nghỉ cuối tuần tiếp theo. Nói nghỉ Tết tới 9 ngày là do hiểu nhầm như vậy", ông Thắng cho hay.
Theo đơn vị đề xuất, lịch nghỉ Tết Nguyên đán không cố định qua các năm, do vậy cơ quan chuyên môn sẽ phải căn cứ các điều kiện kinh tế - xã hội, từ đó lên phương án nghỉ lễ linh hoạt, hài hòa nhất.
Trước khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, quy định nghỉ Tết Nguyên đán vẫn là 5 ngày, thường được chốt gồm 1 ngày trước Tết và 4 ngày sau Tết hoặc 2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết.
"Hiện phương án nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 vẫn đang được lấy ý kiến và có thể sẽ thêm phương án. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tích cực lắng nghe các đề xuất để chọn phương án phù hợp, thuận lợi nhất cho người dân", ông Thắng nói.
Lên lịch nghỉ lễ tết có lợi cho người lao động
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng việc Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến các bộ, ngành về phương án nghỉ Tết Nguyên đán theo chỉ đạo của Chính phủ là việc nên làm.
"Vẫn phải xin ý kiến, bởi trong những ngày nghỉ lễ tết theo quy định, xen kẽ có những ngày nghỉ hàng tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày làm việc có thể cần hoán đổi, nên phải đưa ra các phương án để xin ý kiến nhiều bên liên quan nhằm lựa chọn phương án phù hợp, tối ưu nhất, có lợi cho người lao động, phù hợp với đa số các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp", ông Lợi nêu quan điểm.
Vị chuyên gia lao động đưa ra dẫn chứng, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Bộ luật lao động quy định cho nghỉ thêm 1 ngày nhưng không ấn định là ngày 1 hay 3/9 mà để tùy từng năm cơ quan chức năng chọn ngày liền trước hoặc liền sau ngày Quốc khánh làm ngày nghỉ.
Do đó, cơ quan xây dựng, đề xuất lịch nghỉ phải cân nhắc, tính toán đưa ra các phương án sao cho có lợi với người lao động.
Là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ, trong việc này, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch, đưa ra các phương án để xin ý kiến các bộ, ngành nhằm tạo sự đồng thuận trong các cơ quan quản lý nhà nước.
"Bộ LĐ-TB&XH không thể tự mình quyết phương án vì có thể sẽ gây ra những phản ứng khi chính sách được ban hành. Phương án nghỉ Tết năm nay có thể là tối ưu, nhưng sang năm áp dụng lại chưa chắc đã phù hợp. Do đó, phương án nghỉ Tết phải linh hoạt theo từng năm, căn cứ tình hình thực tế, không thể cố định hay áp dụng lâu dài một lịch nghỉ Tết", ông Lợi lý giải.